Thừa Thiên – Huế: Dân đóng cọc tre ngăn doanh nghiệp “rút ruột” sông Bồ

(PLVN) - Sau cuộc họp gần 200 người tham gia, mọi người thống nhất, ai có tiền nộp 100 nghìn, có người nhiều hơn, cùng nhau mua tre, đá, thuê xe… Từ sáng 2/5 đến nay, hàng trăm người bỏ việc đồng áng đang mùa vụ để tạo một hàng rào tre có chiều dài khoảng 15m, gồm khoảng 70 cọc, phần đáy được đổ đá sạn, phần thân nhô lên mặt nước chừng 0,5m được chôn theo hướng vòng cung trên sông.
Hàng rào tre được người dân đóng xuống sông Bồ nhằm ngăn chặn tàu thuyền chở cát, yêu cầu Công ty Tuấn Hải ngừng khai thác.
Hàng rào tre được người dân đóng xuống sông Bồ nhằm ngăn chặn tàu thuyền chở cát, yêu cầu Công ty Tuấn Hải ngừng khai thác.

Người dân ở tổ dân phố (TDP) Lại Bằng 2 (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng doanh nghiệp trên địa bàn khai thác cát, sỏi vượt quá độ sâu, trữ lượng cấp phép và gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, thậm chí trôi mồ mả...Vì vậy những ngày gần đây dân đã phản ứng gay gắt bằng cách dùng cọc tre đóng ngang sông Bồ, ngăn không cho tàu thuyền đi lại. 

Góp tiền đóng cọc tre bảo vệ dòng sông

Thời gian qua, việc siết chặt quản lý khai thác cát ở tất cả mọi con sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khiến cát sạn trở nên khan hiếm, giá cát ngày càng tăng. Đó là lý do khiến nạn khai thác cát trái phép có dấu hiệu ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.

Theo Sở TN&MT tỉnh, trên thượng nguồn sông Bồ, hiện UBND tỉnh này cấp hai giấy phép khai thác cát cho Cty TNHH MTV Xây dựng và Giao thông Tuấn Hải tại bãi bồi Lại Bằng; và một giấy phép khai thác tại khu vực Khe Băng một bên thuộc phường Hương Vân (Hương Trà), bên kia sông thuộc xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) từ tháng 8/2016, thời hạn năm năm, diện tích khu vực khai thác 7,2 hecta, trữ lượng 188.300m3, độ sâu khai thác trung bình 2,9m.

Một đoạn bờ sông bị xói lở nghiêm trọng.
 Một đoạn bờ sông bị xói lở nghiêm trọng.

Thế nhưng theo người dân địa phương, doanh nghiệp này khai thác quá độ sâu cũng như hút ngoài vùng được cấp phép gây sạt lở bờ sông khu vực Khe Băng. Hàng ngày, tàu 80m3, xà lan hoạt động tấp nập, tiếng động cơ của máy hút cát gầm rú kéo dài từ sáng sớm đến đêm khuya.

Nỗi bức xúc không chỉ ở phường Hương Vân:

Thấy người dân Lại Bằng 2 đóng cọc tre xuống sông khiến doanh nghiệp không thể khai thác cát, người dân ở thôn Sơn Bồ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền cũng làm theo nhưng chính quyền can thiệp kịp thời.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn (Chủ tịch UBND xã Phong Sơn) cho biết: “Mới đây, người dân thôn Sơn Bồ đã tập kết tre để chờ đóng cọc xuống sông Bồ nhằm ngăn chặn, phản đối nạn khai thác cát sỏi quá mức gây sạt lở bờ sông, ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp.

Khi vừa tập kết cọc tre ra đến bờ sông đã bị địa phương ngăn chặn và yêu cầu người dân không được tự ý. Bên Lại Bằng người ta đóng như vậy là sai, nên chúng tôi có mặt để khuyên nhủ bà con đừng làm theo”.

Dân kêu cứu khắp nơi, doanh nghiệp vẫn khai thác, cơ quan chức năng chẳng thấy kiểm tra. Nhiều diện tích đất hai bên bờ sông đã bị “nuốt” hết, cá lồng nuôi dọc bờ sông cũng ảnh hưởng không lớn nổi, thậm chí ngạt nước chết, cây cối bị trôi, nhà cửa sạt lở…

Vì điều này, người dân từng báo lên chính quyền, tự góp tiền thành lập tổ tự quản, dựng lán trại cắt cử người túc trực xuyên ngày đêm, chèo ghe thuyền theo đẩy đuổi “cát tặc”, thế nhưng có người còn bị hành hung… Những cách “tự bảo vệ” đều không hiệu quả khiến dân bức xúc. 

Tối 29/4, gần 200 người dân họp tại nhà ông Trần Văn Hoà (Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Lại Bằng 2). Mọi người thống nhất, ai có tiền nộp 100 nghìn, có người nhiều hơn, mọi người cùng nhau mua tre, đá, thuê xe… đóng cọc tre xuống sông Bồ ngăn chặn các thuyền khai thác cát sạn đi vào lạch nước bên phía TDP Lại Bằng 2 nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ bờ đê khỏi sạt lở. 

Từ sáng 2/5 đến nay, hàng trăm người dân bỏ việc đồng áng đang mùa vụ để tạo một hàng rào tre có chiều dài khoảng 15m, gồm khoảng 70 cọc, phần đáy được đổ đá sạn, phần thân nhô lên mặt nước chừng 0,5m được chôn theo hướng vòng cung trên sông. 

Ông Hồ Khả Tô (Trưởng làng Lại Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Hương Trà) nói: “Chúng tôi biết, việc tự ý đóng cọc tre xuống sông là vi phạm pháp luật, dễ dẫn đến tai nạn đường sông, nhất là vào ban đêm. Thế nhưng, mục đích của bà con là nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ bờ đê khỏi bị sạt lở. Dân làm vậy là bất đắc dĩ để tự bảo vệ mình mà thôi”.

Theo người dân nơi đây, trước đây khi dân phản ứng, chính quyền phường có tổ chức lực lượng vây bắt, đưa về phường xử lý một số đối tượng trộm cát. Nhưng rồi sau đó, “cát tặc” vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại, đâu lại vào đấy. 

Người dân đo độ sâu, thấy có đoạn dòng sông đã bị “rút ruột” tới 7m.
Người dân đo độ sâu, thấy có đoạn dòng sông đã bị “rút ruột” tới 7m.

Theo người dân Hương Vân, họ không tin doanh nghiệp Tuấn Hải tuân thủ quy định, nên đã thử dùng sào tre rất dài để đo xuống lòng sông tại khu vực mỏ, thì độ sâu nơi đây đã vượt mức cho phép nhiều lần. “Doanh nghiệp Tuấn Hải ồ ạt lấy đi bao nhiêu cát có ai giám sát, kiểm tra đâu?”, một người cho biết.

Chính quyền địa phương nói gì?

Sáng 6/5, ông Nguyễn Văn Phương (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND huyện Phong Điền và UBND thị xã Hương Trà. Cuộc họp đã thống nhất giao thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền vận động người dân tháo dỡ các cọc tre đã đóng xuống sông Bồ để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi lại.

Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, đo độ sâu, phạm vi khai thác cát sỏi của Cty TNHH MTV Xây dựng Giao thông Tuấn Hải. Nếu phát hiện sai phạm sẽ đình chỉ và xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Thường vụ Thị uỷ Hương Trà đã chỉ đạo UBND TX Hương Trà và các lực lượng liên quan tiếp tục nắm bắt tình hình, sớm tổ chức đối thoại giữa các bên liên quan để tìm tiếng nói chung, đồng thời đã yêu cầu Tuấn Hải tạm dừng việc khai thác cát sạn tại khu vực TDP Lại Bằng 2.

Ông Nguyễn Xuân Ty (Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà) cho biết: “Thời gian này, Sở TN&MT đang kiểm tra hiện trường, tiến hành đo đạc quan trắc lại tọa độ mỏ cát được tỉnh cấp phép khai thác, xem có vượt độ sâu cho phép hay không. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức đối thoại, lắng nghe kiến nghị của người dân để tìm phương án giải quyết tốt nhất”.

Còn ông Trịnh Đức Hùng (Chủ tịch UBND huyện Phong Điền) nói: “Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, tôi cùng Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà sẽ có buổi làm việc để thống nhất phương án xử lý hàng rào tre bên phía TDP Lại Bằng 2 cũng như tìm ra giải pháp phối hợp đồng bộ, cụ thể hơn trong xử lý khai thác cát sạn trái phép trên sông Bồ”.

Còn ông Châu Văn An (Chủ tịch phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho rằng, độ sâu mà doanh nghiệp Tuấn Hải khai thác quá hay chưa thì ông không khẳng định được; nhưng trước đây khai thác cát lên có màu vàng, hiện tại khúc sông kia cát đã có màu đen, tức độ sâu khá lớn. Người dân mong muốn các ngành chức năng yêu Công ty Tuấn Hải phải dừng khai thác cát sỏi tại khu vực Khe Băng, đưa tàu thuyền rời khỏi khu vực mỏ. 

Một bụi tre bị sạt lở trôi ra giữa sông.
 Một bụi tre bị sạt lở trôi ra giữa sông.

Ông An tiếp tục: “Trước mắt địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng khai thác cát, sỏi ở khu vực trên và chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo của cấp trên. Sau khi nắm bắt tình hình, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng đến vận động người dân dừng việc đóng và gia cố cọc tre.

Trước mắt, chúng tôi sẽ có phương án dán biển báo phản quang để tránh tai nạn vào ban đêm cho các tàu thuyền lưu thông qua khu vực này. Tới đây, phường và lực lượng chức năng sẽ thường xuyên canh phòng, không để các đối tượng tiếp tục khai thác cát sạn trái phép. Nếu bà con ai có tâm huyết với bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, xóm làng thì có thể cùng tham gia”.

Mồ mả bị cuốn trôi

Bà Nguyễn Thị Hạ (67 tuổi, ngụ tổ dân phố Lại Bằng 2) bức xúc: “Mấy chục năm nay, dân chúng tôi trải qua hai trận “đại hồng thủy” vào năm 1983 và 1999, mất mát rất nhiều nhưng đều khắc phục được. Đến nay, sự việc này không phải vì thiên nhiên mà vì con người, mất mát thậm chí sẽ lớn hơn.

Miếu làng 400 năm, hàng năm cứ ngày 20/2 Âm lịch con em đến đó hương khói, cầu nguyện giờ sắp bị sạt lở, cuốn trôi. Gia đình tôi mới đây khi đi tảo mộ mới phát hiện ra 10 ngôi mộ của gia đình tìm không ra, do sạt lở trôi mất rồi.

Nếu doanh nghiệp Tuấn Hải khai thác tiếp, chỉ thời gian ngắn nữa, mồ mả của bố mẹ tôi cũng không còn. Những mất mát này làm sao sửa chữa, bù đắp lại được? Tôi mong rằng, chính quyền thu ngay giấy phép của doanh nghiệp Tuấn Hải, lấy lại bình yên của xóm làng, đồng thời phải đền bù thỏa đáng cho dân chúng tôi”.  

Đọc thêm