Thừa Thiên Huế: Quan xã lạm quyền, dân 10 năm dai dẳng khiếu kiện

(PLO) - Những hộ dân đều nghèo, bám nghề mua bán xe chai, làm ruộng, từng phải đi ở đậu nhiều nơi. Thế nhưng họ vẫn phải gánh hậu quả của việc UBND xã cấp đất sai, hơn 10 năm nay hết kiện tụng, lại phập phồng lo sợ. Đó là tình cảnh của tám hộ dân ngụ ở xóm Mới, thôn 4, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Anh Vinh tố cáo cán bộ xã cấp đất sai, “ăn tiền” của dân, nhưng không chịu trách nhiệm gì, mà hậu quả đổ hết lên dân.
Anh Vinh tố cáo cán bộ xã cấp đất sai, “ăn tiền” của dân, nhưng không chịu trách nhiệm gì, mà hậu quả đổ hết lên dân.

“Luật” của “quan xã” 

Theo các ông, bà Võ Văn Soa, Đặng Như Thọ, Nguyễn Thị Diệu, Đỗ Thị Chiêm, Nguyễn Thị Lộc, Lê Thị Chanh, Văn Thị Thùy Linh và Đặng Thị Hiệp (đều ngụ tại xóm Mới, thôn 4), xóm họ đang sinh sống trước đây là đất hoang hóa, quạnh quẽ, xung quanh toàn cát trắng rất khó trồng trọt, đi lại. Đến năm 2003, khi có dự án làm đường ra biển, UBND xã Điền Hòa thực hiện chủ trương giãn dân nên đã cấp đất cho 14 hộ, mỗi hộ 400m2. Trong năm 2003 cấp đất cho bốn hộ, năm 2005 cấp sáu hộ, năm 2007 cấp bốn hộ và năm 2009 cấp một hộ.

Theo “luật” của xã, các hộ được cấp đất phải ủng hộ tiền để xã xây dựng cơ sở hạ tầng (số tiền khác nhau, mỗi hộ phải nộp từ 800 nghìn đồng tới 1,5 triệu). Ngoài ra, công chức địa chính xã là ông Văn Công Phúc bị tố cáo còn thu 500 nghìn đồng/hộ, có viết giấy tay và nói đây là tiền “quỹ đất ở”. 

Các hộ dân cho biết, thời gian đó, 500 nghìn đồng tương đương một chỉ vàng. Dân ở đây đa phần thiếu ăn nhưng nghe chính quyền xã thu tiền đành vay mượn để nộp. Và vì chính quyền xã lạm quyền nên tám hộ có tên nêu trên chưa được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, có một nghịch lý khác là không hiểu bằng cách nào, hai hộ lại được cấp sổ là hộ ông Phan Nhật Vinh và hộ ông Nguyễn Ngọc Liêm.

Anh Đặng Như Thọ (39 tuổi) bức xúc cho biết: “Tám hộ dân chúng tôi đều nghèo, bám nghề mua bán xe chai, làm ruộng. Bản thân tôi gia đình đông anh em, sau khi lấy vợ không có nhà, không có đất nên phải đi ở đậu nhiều nơi. Đến năm 2003, tôi là một trong bốn người được xã cấp đất đầu tiên nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Chúng tôi đã có đơn, rồi đi khiếu kiện từ cấp huyện đển cấp tỉnh. Năm 2016, chúng tôi lên UBND huyện trình bày, Chủ tịch huyện biết sự việc cho lập đoàn thanh tra. Hơn chục năm cán bộ xã nơi đây đều hứa với dân “sẽ có sổ đỏ” nhưng ngóng mãi không thấy đâu”.

Hơn 10 năm nay, những người dân này đã đi khiếu kiện sự việc để yêu cầu xử lý cán bộ sai phạm.
Hơn 10 năm nay, những người dân này đã đi khiếu kiện sự việc để yêu cầu xử lý cán bộ sai phạm.

Sai phạm từ xã đến huyện

Trụ sở xã không một bóng cán bộ trong giờ hành chính 

Theo lịch làm việc được treo ở trụ sở UBND xã Điền Hòa, thời gian làm việc vào buổi sáng từ 7h30 đến 11h30, chiều từ 13h30 đến 17h. Thế nhưng khoảng 11h15’ trưa ngày 6/6, PV tìm đến trụ sở UBND xã Điền Hòa đặt lịch làm việc nhưng tất cả các phòng đều không một bóng người, nhà để xe cũng không còn chiếc xe nào. 

Buổi chiều cùng ngày,  lúc 13h45’, PV ghi nhận Chủ tịch UBND xã mới tới trụ sở. Các phòng Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch xã thì cửa đóng then cài. Trước chất vấn của PLVN, ông Nguyễn Đăng Phúc (Chủ tịch UBND xã) thừa nhận sự việc trên và cho rằng “thời gian tới sẽ đảm bảo thời gian làm việc theo quy định”.

Liên quan đến vụ việc trên, UBND huyện Phong Điền đã thành lập đoàn thanh tra và có Kết luận số 1947/KL-UBND ngày 26/12/2017 về công tác quản lý đất đai tại UBND xã Điền Hòa.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Từ 2002 - 2010, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy xã về việc giãn dân, lãnh đạo chính quyền xã đã thành lập Hội đồng họp xét giao đất cho các hộ chưa có nhà ở sau khi lập gia đình, mỗi hộ một lô đất 400m2 để làm nhà ở. Việc UBND xã Điền Hòa tự ý giao đất ở là sai luật.

Trong quá trình họp xét giao đất, UBND xã Điền Hòa đã vận động các hộ được giao đất tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, với mức từ 200 ngàn đến 1,5 triệu đồng/hộ, tùy vị trí đất được cấp. Số tiền trên, xã đã nộp vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc huyện, sau đó rút ra để sử dụng xây dựng các công trình giao thông phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn xã. Ngoài ra, ông Văn Công Phúc, công chức địa chính xã thu 7,5 triệu đồng, không đưa vào hồ sơ sổ sách UBND xã, sai nguyên tắc tài chính.

Kết luận thanh tra cũng khẳng định xã Điền Hòa, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ tham mưu UBND huyện cấp sổ đỏ cho hai hộ ông Nguyễn Ngọc Liêm và ông Phan Nhật Vinh vào năm 2007 là sai quy định. Yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện thu hồi sổ đỏ đã cấp. Vụ cấp sổ đỏ sai này, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện giai đoạn 2005 - 2007.

Đối với việc công chức địa chính Văn Công Phúc thu 7,5 triệu đồng là sai nguyên tắc tài chính, phải hoàn trả lại cho dân, trách nhiệm thuộc về cá nhân ông Phúc và lãnh đạo UBND xã thời kỳ 2002 - 2010.

Ngày 23/3/2018, đại diện UBND huyện Phong Điền cùng các phòng, ban của huyện và UBND xã Điền Hòa đã làm việc, đối thoại các hộ có đơn kiến nghị. Huyện cho rằng tám hộ trên đã lập hồ sơ cấp sổ đỏ vào năm 2017, nhưng lại đề nghị được nộp tiền sử dụng đất theo đơn giá năm cũ thay cho đơn giá giai đoạn 2015-2020 là không đúng quy định.

Nhận tiền của dân nhưng công chức địa chính xã Văn Công Phúc vẫn “yên vị” chức vụ.
Nhận tiền của dân nhưng công chức địa chính xã Văn Công Phúc vẫn “yên vị” chức vụ.  

Địa chính xã “ăn tiền” dân vẫn tại vị

Sau khi có kết luận của thanh tra huyện, các hộ dân cho rằng chưa thỏa đáng. Xã trả lại số tiền 7,5 triệu đồng, những hộ này chưa nhận lại tiền với lý do trượt giá. Các hộ mong muốn huyện quan tâm xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ theo đơn giá những năm trước đây để ổn định cuộc sống, đồng thời xử lý những cán bộ sai phạm. 

Bà Nguyễn Thị Diệu (49 tuổi) cho biết: “Kết luận thanh tra chỉ ra lỗi của UBND xã tự ý giao đất ở là vi phạm pháp luật. Tôi sống ở đây từ năm 2005, có nhu cầu cấp sổ đỏ từ thời gian đó nhưng xã sai phạm, thế nhưng tôi lại phải chịu hậu quả. Giờ tôi  muốn làm sổ đỏ phải đóng thuế đất theo khung giá mới, 1m2 giá tới 70 ngàn đồng, vị chi mỗi hộ phải đóng 28 triệu đồng, số tiền quá lớn. Tôi mong rằng UBND huyện xem xét, nghiên cứu để giảm tiền đóng cho tám hộ dân chúng tôi, hoặc cán bộ sai phạm phải bỏ tiền. Vì cái gốc của vụ việc là do cán bộ xã vi phạm mà ra”.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đăng Phúc (Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa) cho rằng việc mỗi hộ dân muốn làm sổ đỏ phải nộp 28 triệu là điều “pháp luật quy định”. 

Về việc xử lý cán bộ sai phạm, vị Chủ tịch xã cho rằng: “Thời gian đó, tôi chỉ là Phó công an xã không biết nhiều về chuyện này. Nhưng tôi được biết sau khi có kết luận của thanh tra huyện, xã cũng đã có văn bản đề xuất lên huyện mức cảnh cáo với ông Văn Công Phúc, công chức địa chính xã thời đó. Và bây giờ ông Văn Công Phúc vẫn đang giữ chức này. Ngoài ông Phúc cũng còn vài cá nhân liên quan như ông Quý (Chủ tịch UBND xã thời đó), xã cũng đề xuất mức cảnh cáo”.

Không đồng ý với cách giải thích như trên, PV đã liên hệ với ông Trịnh Đức Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền để có câu trả lời rõ ràng hơn. Ông Hùng cho hay đã biết sự việc này, hiện Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tiến hành kiểm tra với các cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm về giao đất trái thẩm quyền, cấp sổ đỏ sai quy định cho hai hộ dân, thu tiền trái quy định… nhằm xem xét, đưa ra mức xử lý đúng quy định trong thời gian sớm nhất. 

Liên quan đến việc cấp sổ sai, thanh tra đã nêu rõ trách nhiệm là của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.
Liên quan đến việc cấp sổ sai, thanh tra đã nêu rõ trách nhiệm là của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường.

Cán bộ làm sai, hậu quả đẩy cho dân  

Trong sự việc này, những hộ từng được cấp sổ đỏ thậm chí còn khốn khổ hơn những người chưa được cấp. Anh Phan Nhật Vinh (44 tuổi) cho rằng, vợ chồng mình được cấp sổ đỏ từ năm 2007, thuế đất 1m2 thời gian đó 24 nghìn đồng, vị chi 400m2 anh đã nộp 9,6 triệu đồng. Ngoài số tiền đó, anh còn nộp cho công chức địa chính xã 1,5 triệu đồng.  

Anh Vinh giãi bày: “Vào năm 2005,  chính quyền nói đất nơi đây cấp được sổ đỏ nên tôi mới vay mượn cả chục triệu để làm. Nhưng giờ họ lại mời tôi lên bắt tôi đưa lại sổ đỏ với lý do đất tôi không đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất. Nếu muốn có sổ tôi phải nộp 28 triệu. Tôi hoàn toàn mất lòng tin với cán bộ xã ở đây”.

Sau khi có kết luận của thanh tra huyện, anh Vinh bị xã mời lên họp tới bảy lần, vợ chồng này phải bỏ công, bỏ việc để đi. Anh bức xúc hơn khi vào sáng sớm ba ngày liên tiếp, tên anh bị đọc lên đài phát thanh của xã về việc anh bị thu hồi sổ đỏ. “Nhiều người không hiểu chuyện nói tôi không tuân thủ pháp luật, bị đưa lên đài. Con tôi đi học cũng bị bạn bè hỏi rất khó chịu. Cán bộ sai sao không bị đọc lên đài? Tôi có tội tình gì đâu?”, anh Vinh bức xúc. 

Đọc thêm