Tiên Du (Bắc Ninh): Vì sao dân không đồng tình dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải?

(PLO) - Gần hai tháng nay, người dân thôn Đông Phù và Vĩnh Phục (Phú Lâm, Tiên Du) ngày đêm canh cánh nỗi lo việc xây dựng nhà máy xử lý rác nơi đây.
Dòng sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm trầm trọng
Dòng sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm trầm trọng

Thời gian qua, bất kể ngày đêm mưa dầm, gió rét, người dân ở 2 thôn Đông Phù và Vĩnh Phục (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã và đang dựng lều “canh đất” tại khu đất dự phòng thuộc cánh đồng VAC Quai Chảo.

Điều này xuất phát từ nỗi lo canh cánh, bởi nhà máy rác thải tập trung của huyện Tiên Du sẽ xây dựng trên khu đất này. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân ở 2 thôn này trở nên bức xúc, không đồng tình ủng hộ việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung nơi đây.

Nỗi sợ ô nhiễm

Theo người dân phản ánh, dòng sông Ngũ Huyện Khê nằm liền kề thôn Đông Phù và Vĩnh Phục, xã Phú Lâm, hơn mười năm nay, đoạn sông này đang bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào nền nông nghiệp cấy lúa, cùng mô hình kinh tế trọng điểm VAC trên khu đất dự phòng Quai Chảo. Do ảnh hưởng của nguồn nước từ sông này dẫn vào cánh đồng Quai Chảo, khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng trắng tay, bởi cá chết hàng loạt.

Khi phóng viên có mặt tại khu vực Quai Chảo, thực tế trước mắt là dòng sông “chết”, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, cùng bầu không khí ngột ngạt của những cột khói đen bốc lên từ một số nhà máy công nghiệp…đã cảm nhận được phần nào những thiệt thòi mà người dân nơi đây đang phải hứng chịu.

Theo người dân phản ánh, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh ung thư nơi đây ngày một gia tăng. Trong khi đó, hàng ngày người dân vẫn phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm…mà không có cách nào để “cải thiện” và phải chịu đựng ô nhiễm từ nhiều năm nay.

“Không thể chịu đựng thêm sức ép ô nhiễm nào nữa”

Đó là lời chia sẻ của nhiều người dân nơi đây. Từ gần hai tháng nay, khu đất làm ao khu vực VAC đã được cho san lấp (chủ yếu đổ đất san lấp vào ban đêm). Theo phản ánh của người dân thì đây chính là khu đất sẽ triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác.

Nhiều người dân cho rằng: Việc xây dựng nhà máy xử lý rác trên khu đất liền kề với cánh đồng của người dân nơi đây, nhất là vùng làm kinh tế VAC sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân 2 thôn. Bởi vùng kinh tế VAC là tâm huyết của nhiều người nông dân, họ bán cả gia tài để tập trung làm kinh tế theo mô hình này, những mong phát triển nguồn thu nhập chính đáng.

Nếu xây dựng nhà máy xử lý rác ở đây, cũng đồng nghĩa với việc tăng cấp độ ô nhiễm môi trường khu vực này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng và hủy hoại môi trường sống nơi đây không chỉ với vật nuôi, cây trồng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, đời sống của người dân hôm nay và tương lai con cháu mai sau. Những câu nói từ đáy lòng của người dân, không khỏi lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn đã được báo trước. 

Có mặt chứng kiến sự không đồng tình này, người già thương con trẻ phải đi làm, thay nhau cắt cử ngày đêm ra lều để “giữ đất”, chỉ với mong muốn: Chủ đầu tư dừng việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung của huyện Tiên Du trên khu vực của 2 thôn Đông Phù, Vĩnh Phục.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Thọ - Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Bắc Ninh) khẳng định: Khu đất VAC mà nhân dân cho là đang được san lấp, đó là phần diện tích của Công ty TNHH môi trường Tân Trường Lộc, do ông Nguyễn Hữu Xuyên làm Giám đốc đã mua lại của hộ làm trang trại VAC từ lâu.

Việc ông Xuyên đổ đất san lấp đã có ý kiến, xin phép tận dụng nguồn đất từ việc khơi thông dòng chảy đoạn sông Ngũ Huyện Khê, để đắp bờ trên diện tích đất của ông Xuyên, chứ không phải là ông Xuyên dùng đất để xây dựng Nhà máy xử lý rác. Vì thế, dân nhầm tưởng là dự án xây dựng nhà máy xử lý rác mà chưa xin ý kiến của dân.

Huyện Tiên Du đã có quy hoạch khu lân cận đó làm khu xử lý rác thải tập trung của huyện Tiên Du. Trong khi đó, Công ty TNHH Tân Trường Lộc cũng muốn có chủ trương xây dựng khu xử lý rác ở khu vực này. Song, hiện nay dự án vẫn đang trong quá trình khảo sát và thẩm định của các bên liên quan mà chưa có quyết định chính thức. 

Đọc thêm