“Tiền tỷ thu phí Bến xe Ý Yên, Nam Định “chảy” đi đâu?”: Nghi vấn lợi ích nhóm

(PLO) - Ai đã giúp Công ty Cổ phần vận tải xe khách Ý Yên dễ dàng “nhảy” vào trực tiếp nắm quyền quản lý và điều hành bến xe dù không phải bỏ ra một đồng nào để đầu tư? Số tiền gần cả tỷ đồng mà doanh nghiệp này thu được hàng năm được quản lý và sử dụng như thế nào? Những câu hỏi này cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Có khoảng 100 đầu xe được Sở GTVT Nam Định cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện Ý Yên
Có khoảng 100 đầu xe được Sở GTVT Nam Định cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện Ý Yên

Chủ tịch huyện cũng không nắm rõ

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về đơn thư tố cáo tình trạng thu phí mập mờ, trái quy định, có biểu hiện tiêu cực diễn ra tại Bến xe huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một thời gian dài, ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Sau khi UBND huyện nhận được đơn tố cáo liên quan tới cán bộ và hoạt động quản lý nhà nước của UBND huyện, ông đã lập tức giao cho Thanh tra huyện vào cuộc xác minh. 

“Về nguyên tắc có đơn tố cáo với cán bộ dưới cấp là phải cho xác minh. Tôi yêu cầu những cán bộ nào bị tố cáo phải giải trình các nội dung theo đơn. Sau khi giải trình xong, trên cơ sở tham mưu của thanh tra, UBND huyện sẽ xem xét có bước xử lý tiếp. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ chỉ đạo lập đoàn để thanh tra”, ông Thành nói.  

Như Báo PLVN đã thông tin, Bến xe Ý Yên sau khi được Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại và được Sở GTVT tỉnh Nam Định công nhận chính thức, UBND huyện Ý Yên giao cho Phòng Công thương quản lý. Nhưng thực tế mọi việc quản lý và vận hành ở bến xe này lại được ngấm ngầm giao cho một doanh nghiệp (DN) tư nhân đứng ra thực hiện. 

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Bến xe Ý Yên được giao cho Phòng Công thương quản lý từ khi ông chưa làm Chủ tịch. Nhưng quản lý được một thời gian, ông cũng được biết có một công ty dịch vụ đứng ra làm thay nhiệm vụ quản lý bến xe, thu phí điều hành việc vận tải. 

“Đây là công ty cổ phần, đã xã hội hóa nên Nhà nước không có cổ phần ở trong công ty này”- ông Thành khẳng định. Liên quan tới việc quản lý thu phí đang bị người dân phản ánh có mập mờ, ông Thành nhấn mạnh: “Cái này tôi đang yêu cầu giải trình và giao thanh tra xác minh. Căn cứ đâu để thu phí, rồi thu cái đó để làm gì?”.  

Doanh nghiệp của ai?

Trao đổi với phóng viên trước đó, Trưởng phòng Công thương huyện Ý Yên - ông Cù Nguyên Sơ thừa nhận: Trước năm 2015, bến xe thu khoảng 500-550 ngàn/xe/năm, nhưng từ năm 2015 đến nay tiền lệ phí bến có tăng lên 700 ngàn/xe/năm. Ông Sơ nói, việc thu phí do DN thu nhưng đều phải qua huyện và qua Sở GTVT duyệt. Bởi xe nào được chạy ở đâu (thời gian, lộ trình) là do Sở GTVT, còn việc kiểm tra đảm an toàn vận tải là thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Về việc quản lý và sử dụng khoản tiền này, ông Sơ cho hay:  Khoản tiền lệ phí bến xe mà huyện đồng ý cho DN thu, một phần nộp ngân sách nhà nước theo quy định, còn lại một phần DN dùng để trang trải trả lương cho cán bộ lao động, lực lượng bảo vệ, tiền điện nước, kèm theo các khoản chi khác của bến. “Khoản tiền này do DN đứng ra thu, thu được bao nhiêu họ giữ đấy. Còn mọi chi tiêu là họ tự chủ, chỉ có khoản nào lớn thì mới phải xin ý kiến. Sau khi được cho vào hoạt động, DN này mới là đơn vị quản lý bến xe, mọi hoạt động thu - chi, quản lý, vận hành đều do họ làm và chịu trách nhiệm với huyện”, ông Sơ cho hay.    

Cần phải nhắc lại, theo Quyết định số 232 ban hành ngày 23/3/2018 của Sở GTVT Nam Định, về công bố lịch xe xuất bến chi tiết của các xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cho thấy, với gần 100 đầu xe được cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện Ý Yên, mỗi xe đóng 700 ngàn/tháng cho việc ra, vào bến. Cùng với khoản tiền thu được từ các dịch vụ bến bãi khác thì số tiền mà Công ty Cổ phần vận tải xe khách Ý Yên thu được và được “chủ động chỉ tiêu” trong nhiều năm qua là không hề nhỏ.  

Bến xe là dự án sử dụng hoàn toàn ngân sách nhà nước nhưng nhờ ai mà Công ty Cổ phần vận tải xe khách Ý Yên lại dễ dàng “nhảy” vào để trực tiếp nắm quyền quản lý và điều hành bến xe dù không phải bỏ ra một đồng nào để đầu tư? Về câu hỏi này, ông Sơ chỉ giải thích: “Sau thời điểm bến xe được cải tạo thì DN này được vào bến hoạt động theo chỉ định của lãnh đạo huyện. Quản lý bến xe nan giải mà Phòng Công thương chúng tôi không có người nên tôi có tham mưu cho lãnh đạo tìm một công ty để họ quản lý cho huyện”.

Cũng theo ông Sơ, để thực hiện quản lý lại bến xe theo ý tưởng xã hội hóa mà ông đề xuất, UBND huyện Ý Yên đã quyết định đầu tư cải tạo, sửa chữa lại bến, bởi “có đầu tư cải tạo thì bến mới đủ điều kiện để Sở GTVT ra quyết định công nhận chính thức”. 

Khi được hỏi lãnh đạo nào đã chỉ định cho DN vào đây hoạt động, ông Sơ nói: “Câu chuyện tham mưu phải là Phòng tham mưu huyện đồng ý thì DN  mới vào đây được. Nói thật, chúng tôi chỉ có phương án sản xuất ở bến xe đề xuất lên lãnh đạo nhưng các bác không ký quyết định. Đến giờ chúng tôi vẫn suốt ngày phải báo cáo…”. 

Đầu tư được 3 năm đã phá bỏ?

Chỉ mới 3 năm được đầu tư cải tạo và đưa vào sử dụng, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo huyện Ý Yên, bến xe này đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện nữa. Vì vậy, huyện này đã bắt đầu có phương án đập bỏ bến xe cũ cho xây dựng một bến xe mới thay thế… Từ đây, ý tưởng “xã hội hóa” Bến xe Ý Yên lại tiếp tục được khơi gợi .

Đọc thêm