Tiếp những “lùm xùm”ở Trường CĐSP Hưng Yên: Vì sao gần 1 năm không có hiệu trưởng?

(PLO) - Nguyên nhân khiến Trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Hưng Yên bị trống chức danh hiệu trưởng và phải “nợ” bằng tốt nghiệp của hàng trăm sinh viên đã ra trường  được cho là nguyên hiệu trưởng Trường CĐSP Hưng Yên bị tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên thụ lý giải quyết.  
Tiếp những “lùm xùm”ở Trường CĐSP Hưng Yên: Vì sao gần 1 năm không có hiệu trưởng?

Không được bổ nhiệm do đơn thư tố cáo

Như Báo PLVN đã thông tin, các vi phạm trong việc ký cấp chứng chỉ ngoại ngữ, chậm cấp bằng tốt nghiệp đối với hàng loạt sinh viên Trường CĐSP Hưng Yên khóa học 2015-2017 là do từ tháng 8/2017 đến nay trường này đang bị trống chức danh Hiệu trưởng. Và việc ông Ngô Văn Tuấn, người đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên giao phụ trách, điều hành trường CĐSP Hưng Yên nhưng không xác định rõ chức danh.

Được biết, nguyên nhân ông Tuấn không được bổ nhiệm làm hiệu trưởng mà chỉ được giao phụ trách là do ông này đang bị một số giáo viên Trường CĐSP Hưng Yên có đơn thư tố cáo và đang được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên thụ lý giải quyết.  

Trong Thông báo số 836-TB/TU ngày 31/8/2017 của Tỉnh ủy Hưng Yên về việc phụ trách và điều hành Trường CĐSP Hưng Yên cho biết, tại phiên họp ngày 31/8/2017, sau khi xem xét tờ trình của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên về việc bổ nhiệm lại ông Ngô Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường CĐSP Hưng Yên (tháng 9/2012- đến ngày 31/8/2017), Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên đã thống nhất ý kiến chưa bổ nhiệm lại mà chỉ giao ông Tuấn phụ trách, điều hành nhà trường.

Giáo viên đã tố cáo gì?

Trao đổi với PV, cô giáo N.T.N.T một trong những người đứng đơn tố cáo ông Tuấn cho biết: Mặc dù thuộc ngạch giáo viên, có thâm niên công tác 13 năm và trực tiếp giảng dạy tại Khoa Tiểu học, nhưng vào năm 2014, cô T bị lãnh đạo điều chuyển về công tác tại Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục. Sau khi điều chuyển về vị trí công tác được cho là thuần túy hành chính, cô T dù đã viết đơn để xin nhưng cũng không được lãnh đạo trường phân công giảng dạy, ngược lại còn bị gây sức ép và cắt luôn phụ cấp 40%.

Còn rất nhiều cô giáo khác đều phải làm đơn xin lãnh đạo trường xem xét bố trí phân công giờ dạy, nếu muốn đảm bảo đủ giờ dạy theo định mức phân công để đủ điều kiện hưởng đủ phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên.

Ngoài ra, nhiều dấu hiệu cho thấy khoản tiền Nhà nước hỗ trợ coi thi, chấm thi cho gần 100 giáo viên cũng vì lý do nào đó đã bị “cắt xén”. Theo các giáo viên này, tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, triển khai nhiệm vụ của ngành, Trường CĐSP Hưng Yên phối hợp với Trường CĐKT Hưng Yên cử 97 giáo viên tham gia coi thi, chấm thi tại 4 địa điểm thi do Trường CĐKT Hưng Yên tổ chức. Ngoài chế độ được hưởng theo quy định, các giáo viên tham gia coi, chấm thi còn được hưởng thêm phần ngân sách hỗ trợ công tác phí cho việc đi lại, ăn ở trong những ngày thực hiện nhiệm vụ. 

Trường CĐSP Hưng Yên đã lập danh sách đề nghị và được Trường CĐKT Hưng Yên duyệt, chi tiền hỗ trợ công tác phí cho cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ với số tiền 127.650.000đ. Tuy nhiên theo phản ánh, số tiền khi phát tới tay giáo viên đã không còn nguyên vẹn. 

Theo ông N.Q.H, một người đứng đơn tố cáo khác, danh sách được Nhà nước duyệt chi trả tiền công tác phí trông, chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2016, ông và một cán bộ được hưởng 1,35 triệu đồng/người, nhưng nhà trường chỉ chi cho 880 ngàn đồng/người; tương tự nhiều trường hợp khác lẽ ra được lĩnh 750 ngàn đồng, nhưng bị nhà trường bớt lại nên cũng chỉ còn 480 ngàn đồng… 

Thậm chí việc chi tiền hỗ trợ này còn có biểu hiện gian dối khi cố tình lập chứng từ khống, ký khống để hợp thức số tiền bớt, xén. Có rất nhiều giáo viên không được ký vào chứng từ để lĩnh tiền mà lĩnh tiền qua người khác. Và việc ký lĩnh tiền cũng bất minh. Ví dụ, ông Đoàn Danh Dương lĩnh tiền từ bà Phạm Thị Oanh, nhưng trên chứng từ lại là chữ ký của bà Nguyễn Thị Minh Quý; ông Nguyễn Văn Sinh lĩnh tiền từ ông Trần Công Hợi, nhưng trên chứng từ lại là chữ ký của bà Trịnh Thị Thu. Thậm chí, bà Đỗ Thị Nhung – nguyên Phó trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục đã nghỉ hưu từ ngày 1/11/2016, nhưng vẫn có chữ ký lĩnh thay toàn bộ giáo viên bộ môn này, trong khi chứng từ lập ngày 9/11/2016, phiếu chi ngày 17/11/2016…

“Chúng tôi không đồng tình cung cách quản lý, tư cách đạo đức của lãnh đạo nhà trường, nên tôi đã quyết định làm đơn tố cáo, kèm theo các bằng chứng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên vào cuộc làm rõ. Nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa đưa ra kết luận”, cô giáo T cho biết.

Đọc thêm