Tiếp vụ bãi tập kết vật liệu xây dựng ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức: Vì sao vi phạm chưa được xử lý?

(PLVN) -Nhiều năm nay, tại địa bàn xã An Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp nhận ý kiến phản ánh của báo chí và người dân, dường như chính quyền nơi đây vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Bãi tập kết đá trên đất nông nghiệp với quy mô lớn
Bãi tập kết đá trên đất nông nghiệp với quy mô lớn

Bãi tập kết vật liệu gây ô nhiễm vẫn hoạt động

Trước đó, ngày 17/5/2019, Báo PLVN đã đăng tải bài viết: “Hoài Đức, Hà Nội: Hàng loạt bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ô nhiễm” với nội dung phản ánh tình trạng, suốt nhiều năm nay dọc đường từ Đại lộ Thăng Long điểm từ cầu vượt Phương Bản dẫn vào thôn  Mộc Hoàn, xã Vân Côn (địa bàn thuộc quản lý của xã An Thượng) xuất hiện nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân nhưng không được chính quyền các cấp xử lý.

Quan sát từ ngày 21 - 26/5/2019 tại đoạn đường nối giữa cầu vượt Phương Bản đến thôn Mộc Hoàn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, phóng viên ghi nhận, các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ở đây vẫn đang tiếp tục hoạt động. Trong bãi tập kết lớn nhất của một người chủ tên P, hàng trăm mét khối đá chất thành đống cao, hai chiếc máy xúc nằm luân phiên phục vụ việc trung chuyển vật liệu. Vào khoảng thời gian cao điểm từ 10h sáng đến 1h chiều, các loại xe quá khổ, quá tải nườm nượp ra vào, cày nát cả đoạn đường. Khói bụi bốc lên mù mịt, phủ kín một vùng.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Chí Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng. Tại buổi làm việc, ông Lương xác nhận: “Tình trạng người dân phản ánh là đúng, xã có biết tới sự xuất hiện của các bãi tập kết vật liệu xây dựng và tất cả các bãi đều hoạt động không phép”. Với phương án xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, ông Lương cho biết xã đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc nhưng do còn nhiều khó khăn nên trong quá trình thực hiện, việc xử lý vẫn còn chậm trễ và chưa được triệt để. Tuy nhiên, hình thức xử lý của xã mới chỉ dừng lại ở hành động nhắc nhở chứ chưa có biện pháp xử phạt cụ thể nào.

Lý giải cho sự “khó khăn” của chính quyền, ông Lương nêu: “Do các bãi tập kết nằm tại ngã ba đoạn giáp ranh giữa 3 xã: An Thượng, Vân Côn và Song Phương nên việc phân chia quản lý gặp nhiều trở ngại. Tiếp đến, địa bàn An Thượng rất rộng, dân số đông, các bãi tập kết cách xa UBND xã và huyện, lực lượng chức năng địa phương lại mỏng nên không thể tiến hành kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt các bãi đã manh nha xuất hiện từ lâu nên khó giải quyết.” Đối với việc chủ các bãi tập kết vật liệu xây dựng cắt bỏ đi một số thanh hộ lan để “mở lối” cho các xe chuyên chở thuận lợi ra vào bãi, ông Lương cho biết xã đã có ý kiến lập biên bản, và thỏa thuận giải quyết.

Thiếu giải pháp triệt để?

Xung quanh nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo xã đang cố tình buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho cho các bãi tập kết hoạt động trái phép khi không báo cáo cấp trên là UBND huyện Hoài Đức để xử lý, ông Lương giải thích: “Trước đây chúng tôi từng tiến hành đề nghị điện lực Hoài Đức cắt điện ở những lán tạm mà công nhân trông coi bãi tập kết dựng lên để họ không hoạt động được, chính quyền không hề có sự tạo điều kiện cho các bãi tập kết trên hoạt động”.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Lý, hiện nay, mỗi xã chỉ được phép bố trí một bãi tập kết vật liệu xây dựng để phục vụ người dân. Đồng thời, Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND TP Hà Nội năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ:

UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.

Cũng theo Chỉ thị số 04, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục. 

Đọc thêm