Tiếp vụ “Gia đình chính sách mất đất vô lý” ở Long An: Xưa đóng góp nhiều công lao, nay mỏi mòn tìm lẽ công bằng

(PLO) - Gia đình bà Lê Thị Hường (xã Đức Hoà Đông, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) nhiều đời có công cách mạng, thời bình có công khai phá đất theo chủ trương chung nhưng bị coi là “lấn chiếm” trên chính mảnh đất máu xương. Nỗi bất công ấy dân biết, cán bộ biết nhưng kéo dài mấy mươi năm qua vẫn chưa dứt.
Bà Hường trên nền căn nhà nhỏ dựng để mưu sinh bị chính quyền cưỡng chế.
Bà Hường trên nền căn nhà nhỏ dựng để mưu sinh bị chính quyền cưỡng chế.

Thân nhân liệt sỹ bị hắt hủi

Trong những lần kể về chuyện bị thu hồi đất vô lý, trái luật, giọng bà Hường nghẹn đắng: “Gia đình tôi 3 đời có công cách mạng, ông nội tham gia kháng chiến chống Pháp, bị tù đày ở Côn Đảo; tiếp đến đời cha tôi, rồi sau này 5 anh em tôi cũng tham gia kháng chiến. Anh trai tôi người hy sinh thời chống Mỹ, người là thương binh loại 1 bị tâm thần vì bom địch, vậy mà…”.

Bà Hường kể, từ năm 1966 đến năm 1969 bà làm liên lạc, tai mắt cho các chiến sỹ cách mạng tại địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ban ngày bà báo cáo về giờ giấc, địa điểm địch thường lui tới, ban đêm truyền tin những nơi địch sẽ càn quét. Năm 1969, bà bị lộ thân phận, bị địch bắt giữ đánh đập phải bỏ xứ”.

Năm 1981, bà chuyển đến Đức Hoà sinh sống, khi đó xã Đức Hoà Đông còn thưa người, diện tích đất hoang hơn 500ha. Bà không ngại gian nan đi khai phá đất bưng biền phèn chua ngập nước. Vợ chồng bà đốn từng gốc cây, nai lưng móc từng nắm đất đắp ụ, lên liếp. Ròng rã trên dưới 5 năm trời, bao mồ hôi nước mắt đổ xuống mới biến vùng đất chết thành tươi tốt. Khi đất đai nên hình nên dạng, công sức bỏ ra chưa kịp thu về thì xảy ra tranh chấp, sau đó là thu hồi. Từ những năm 1997, cây trồng của bà Hường phần bị chặt bỏ, phần chết dần chết mòn vì không được chăm sóc.

Mất đất là mất kế sinh nhai, cuộc sống khó khăn cùng cực, bà Hường vẫn chưa bao giờ cam chịu, nhất là khi nhìn đàn con lớn lên, lập gia đình không có chỗ cắm dùi. Thấy mảnh đất sau nhiều năm thu hồi bị bỏ hoang, các con bà Hường san lấp một góc rồi dựng ngôi nhà mái tôn 15m2 để bán bánh mì kiếm sống, xung quanh trồng cây ăn trái. Nhà xây dựng đầu năm thì cuối năm UBND xã Đức Hoà Đông cưỡng chế, phá dỡ.

Bà Hường bức xúc, việc cưỡng chế của chính quyền vào ngày 29/11/2017 là có nhiều khuất tất, thô bạo: “Các con tôi đứng ngoài đường cầm điện thoại quay phim việc cưỡng chế, không hề cản trở hay chống đối chính quyền nhưng bị đè giật điện thoại xoá video. 3 đứa con tôi bị còng tay đưa về trụ sở UBND xã Đức Hoà Đông lập biên bản, nhưng lại không được trao biên bản”.

Cho đến giờ, bà nhiều lần yêu cầu cung cấp biên bản làm việc nhưng cán bộ né tránh. Trong khi đó, ngày 15/5/2018, PV đến làm việc tại UBND xã Đức Hoà Đông để làm sáng tỏ câu chuyện thì cả Trưởng công an xã đến Chủ tịch UBND xã đều từ chối trả lời với lý do là “cấp trên chưa cho phép nên không nói được”.

Việc bà Hường khai hoang đất theo chủ trương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Việc bà Hường khai hoang đất theo chủ trương đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Dân tình ai oán

PV đã gặp nhiều hộ dân cùng đi lấp kín đồng bưng với bà Hường những năm 1980 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trước sự bất công, ai nấy cũng bức xúc, đâu đó có những tiếng văng tục khi cơn căm phẫn không thể kìm nén. Bà Huỳnh Thị Riêng (73 tuổi, xã Đức Hoà Đông, sống cạnh đất bà Hường từ năm 1976, kể vanh vách với giọng chua chát: “2 vợ chồng bà Hường dựng căn chòi nhỏ vá xe, mùa khô đốn cây rừng, móc gốc, đắp ụ trồng điều, bạch đàn. Đất đó ngày xưa cho không ai thèm, phèn không, một miếng nước uống cũng không có, người ta thấy có giá là giành giật”.

Ông Nguyễn Văn Bạch (71 tuổi, chồng bà Riêng) khẳng định dứt khoát: “Đất của bà Hường khai hoang theo chủ trương thì phải cấp cho bà, tại sao lại gọi là lấn chiếm rồi thu hồi”. Không chỉ người dân mà cả nguyên lãnh đạo xã cũng xác nhận. “Trước đây chị Hường đi khai hoang diện tích đó, đúng với chủ trương, có xác nhận tại xã”, ý kiến của ông Nguyễn Văn Phối, từng là Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND xã Đức Hoà Đông giai đoạn 1984 – 1994.

Trong khi đông đảo người dân, nguyên lãnh đạo xã Đức Hoà Đông khẳng định việc thu hồi đất của bà Hường là vô lý thì ngày 29/5/2017, trong buổi tiếp bà Hường, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, tỉnh giải quyết khiếu nại theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (thu hồi đất với lý do bà Hường “lấn chiếm”). Khi đó, bà Hường yêu cầu phải xem xét lại toàn bộ quá trình vụ việc, đặc biệt là kết luận của Bộ TN&MT năm 2003 nhưng ông Cần nói “giải quyết như vậy là đúng rồi”.

Mất niềm tin vào chính quyền địa phương, bà Hường liên tục gửi đơn đến các cơ quan, lãnh đạo Trung ương. Đơn thư sau đó được chuyển về tỉnh, tỉnh lại phản hồi Trung ương rằng việc thu hồi đất là đúng quy định pháp luật, không giải quyết khiếu nại của bà nữa. Với cái vòng luẩn quẩn, bà Hường cứ đau đáu với câu hỏi, quy định pháp luật nào đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước, đối xử tàn tệ với gia đình 3 đời có công cách mạng?

Nhiều năm qua, bà Hường khăn gói, vạ vật tàu xe ra Hà Nội, cùng mấy chục hộ dân oan tỉnh Long An đến Ban Tiếp công dân Trung ương và các cơ quan thẩm quyền cầu cứu. Niềm an ủi với bà trong những ngày đi kêu oan là được chủ trọ thương tình, cái phòng bé xíu cho ở hơn 20 người, mỗi người chỉ trả 20 nghìn đồng một ngày đêm, thi thoảng có mạnh thường quân tới giúp đỡ.

Nghe những câu chuyện về lòng tốt đối đãi với dân oan như bà Hường nơi xa xứ, mới thấy chính quyền quê hương Long An thậm tệ với dân mình như thế nào. Nếu không, hãy trả lời câu hỏi tại sao một sự việc rõ rành rành với hàng loạt bằng chứng nhưng lại giải quyết vòng vo, mâu thuẫn? Khi vụ việc được làm sáng tỏ, các bên thống nhất ý kiến thì tỉnh Long An tiếp tục kéo dài, lập lờ dẫn đến kết quả thu hồi đất xương máu của dân một cách vô lý?

Báo PLVN tiếp tục thông tin.

Đọc thêm