Tòa án còn “ngâm” hồ sơ đến bao giờ?

(PLO) - Một vụ án được TAND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) thụ lý từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử khiến người khởi kiện hết sức bức xúc, phải gửi đơn khắp nơi cầu cứu trước sự thờ ơ, vô cảm của cơ quan xét xử địa phương ?
Chị Trần Thị Ngọc Trinh bên tài sản tranh chấp.
Chị Trần Thị Ngọc Trinh bên tài sản tranh chấp.

Mất chồng, mất cả nhà cửa

Phản ánh đến Báo PLVN, chị Trần Thị Ngọc Trinh (trú tại thôn 1, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho biết: Năm 2008, chị kết hôn với anh Trần Xuân Tuấn. Sau ngày cưới, vợ chồng chị chung sống với anh Trần Văn Dũng (tại thôn 6, xã Đạ Oai, là anh ruột của anh Tuấn, do bị bệnh và sống độc thân). Anh Dũng là chủ hộ nên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất số 908, tờ bản đồ số 308d xã Đạ Oai do UBND huyện Đạ Huoai cấp mang tên “hộ ông Trần Văn Dũng”. Quá trình sinh sống, vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Trinh đã bỏ tiền ra xây dựng một căn nhà cấp 4 bên cạnh căn nhà cũ để vợ chồng có cuộc sống riêng tư hơn. 

Được biết năm 1995, anh Trần Văn Dũng và anh Trần Xuân Tuấn đã khai phá được 2,6ha đất nông nghiệp nay thuộc thôn 6, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai. Toàn bộ diện tích đất này đã được gia đình anh Trần Xuân Tuấn kê khai trong sổ địa chính của xã Đạ Oai. Sau khi chị Trinh kết hôn với anh Tuấn, hai người đã trồng cây tràm trên diện tích đất này. 

Tháng 12/2010, anh Trần Văn Dũng qua đời trong một vụ tai nạn giao thông, vợ chồng chị vẫn ở trong căn nhà và canh tác ổn định trên toàn bộ diện tích đất đai trên. Tuy nhiên, ngày 19/12/2011, một biến cố nữa xảy ra với gia đình chị Trần Thị Ngọc Trinh khi anh Trần Xuân Tuấn đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Cũng từ đây, các tài sản, bao gồm đất đai, nhà cửa, hoa màu mà vợ chồng chị Trần Thị Ngọc Trinh quản lý, sử dụng và sản xuất nông nghiệp bắt đầu phát sinh mâu thuẫn với một số người phía gia đình nhà chồng, trong đó có các bà Trần Thị Oanh, Trần Thị Mai, Trần Thị Lộc (là chị gái ruột anh Tuấn) và Trần Văn Hùng (cháu anh Tuấn).

 “Sau khi chồng tôi mất một thời gian, các chị gái chồng tôi, nhất là vợ chồng chị Mai đã tự ý thu hoạch hạt điều của tôi và còn chửi mắng, đánh đập và đuổi tôi ra khỏi nhà, nhằm chiếm đoạt công sức, tài sản của vợ chồng tôi bấy lâu nay tạo dựng. Không còn chỗ ở, tôi đã phải trở về nhà mẹ đẻ sinh sống nhờ...”, chị Trinh bức xúc.

 Ngày 29/3/2013, UBND xã Đạ Oai đã mời chị Trinh cùng những người tranh chấp tài sản, đất đai với gia đình chị Trinh tới hòa giải, chia tài sản nhưng bất thành. Để bảo vệ quyền lợi của mình, buộc chị Trinh phải khởi kiện các bà Trần Thị Oanh, Trần Thị Mai, Trần Thị Lộc và anh Trần Văn Hùng ra TAND huyện Đạ Huoai với mong muốn được tòa nhanh chóng giải quyết dứt điểm tranh chấp để ổn định cuộc sống và làm ăn. 

Tòa “ngâm” án!?

Tháng 4/2013, chị Trần Thị Ngọc Trinh có đơn khởi kiện những người trên tới TAND huyện Đạ Huoai. Tháng 5/2013, TAND huyện Đạ Huoai ra thông báo thụ lý đơn khởi kiện, đồng thời yêu cầu chị Trinh tới Chi cục Thi hành án dân sự để đóng tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án. 

Tuy nhiên theo phản ánh của chị Trinh, đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng vụ án “tranh chấp về chia tài sản thừa kế và chia tài sản chung thuộc sở hữu chung” giữa chị Trinh và bà Trần Thị Oanh, Trần Thị Mai, Trần Thị Lộc và anh Trần Văn Hùng vẫn chưa được tòa đưa ra xét xử. Sự chậm trễ của cơ quan xét xử đã đẩy chị  vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, không nhà cửa ổn định để ở, hoa màu không được thu hoạch, cây cối không ai chăm sóc dẫn đến hư hỏng, đời sống vô cùng khó khăn. 

Theo chị Trinh, TAND huyện Đạ Huoai đã viện mọi lý do để “trì hoãn” đưa vụ án này ra xét xử. Trong đó, lý do được toà án đưa ra nhiều nhất là chờ định giá tài sản tranh chấp. Từ khi tòa thụ lý đơn đến nay, đã có tổng cộng 6 lần định giá tài sản, kể từ ngày định giá đầu tiên là ngày 16/7/2013, tiếp đó là ngày 22/5/2014, ngày 9/3/2017, ngày 13/7/2016, ngày 25/5/2017 và cuối cùng là ngày 3/7/2017. 

Những năm qua, cùng với việc cứ vài tháng lại phải đi nộp tiền chi phí giám định tài sản một lần, chị Trinh lại phải làm đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương về việc bị TAND huyện Đạ Huoai “ngâm án”. Chị Trinh cho biết, các đơn từ, chứng cứ chị đã cung cấp đầy đủ cho tòa án nhưng tòa vẫn tìm mọi cách để tiếp tục kéo dài và đã cũng “kinh qua nhiều đời” thẩm phán thụ lý nhưng vẫn chưa được giải quyết. 

Ngày 24/11/2016, chị Trinh làm đơn đến TAND huyện Đạ Huoai, HĐND, TAND và VKSND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, ngày 8/12/2016, TAND huyện Đạ Huoai đã mời chị Trinh lên làm việc và lập biên bản “hứa” sẽ giải quyết việc tranh chấp và chia tài sản thừa kế theo đúng pháp luật. 

Tuy nhiên đến ngày 23/7/2017, TAND huyện Đạ Huoai mới chịu đưa vụ án “tranh chấp về chia thừa kế tài sản và chia tài sản chung thuộc sở hữu chung” ra xét xử. Nhưng ngay sau đó, phiên tòa lại phải hoãn do các bị đơn đề nghị định giá lại tài sản với lý do một số diện tích hoa màu đến nay đã bị chết. 

“Từ đó đến nay, vụ án lại chìm vào im lặng một cách khó hiểu? Việc giải quyết của tòa quá chậm trễ, cố tình kéo dài, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sức khỏe cho tôi. Hoàn cảnh của tôi vô cùng khó khăn, không chỗ ở ổn định. Sau những năm triền miên theo đuổi vụ kiện, tôi đã quá mệt mỏi, khánh kiệt, còn những người thực thi pháp luật thì vô cảm đến tàn nhẫn đối với tôi...”, chị Trinh bức xúc nói. 

Đọc thêm