Tổng Công ty Giấy Việt Nam có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng: Ai chịu trách nhiệm?

(PLO) - Ban kiểm soát nội bộ Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã có báo cáo công nợ tại Công ty Cổ phần Giấy BBP giai đoạn từ năm 2011-2016 với số tiền  hàng chục tỷ đồng và phần vốn góp hàng chục tỷ đồng của Tổng Công ty này đang có nguy cơ mất trắng…
Cty  BBP đã ngừng hoạt động sản xuất
Cty BBP đã ngừng hoạt động sản xuất

Hàng loạt sai phạm…

Thời điểm phát sinh công nợ khó đòi chủ yếu trong năm 2011 là 31,047 tỷ đồng, Cty CP Giấy BBP (Cty BBP) liên tiếp không thực hiện theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết về thời hạn thanh toán. Mặc dù, TCty Giấy Việt Nam đã có các giải pháp đôn đốc giải quyết việc thu hồi nợ, nhưng trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp quyết liệt như dừng cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khi Cty BBP có dấu hiệu vi phạm theo các điều khoản hợp đồng và trong các văn bản nhắc nợ đã không được thực hiện trong năm 2011. Do đó, dẫn đến công nợ đẩy lên cao, khó kiểm soát.

Theo đó, trách nhiệm thu hồi công nợ thuộc về ông Trịnh Văn Lâm – Phó Tổng Giám đốc (người phụ trách lĩnh vực kinh doanh, tài chính kế toán, quản lý vốn, công nợ, ký hợp đồng bán hóa chất…); ông Nguyễn Việt Đức – Phó Tổng Giám đốc (người trực tiếp ký các hợp đồng theo ủy quyền của Tổng Giám đốc).

Từ 2012-2015, khi công nợ đã ở mức cao (trên 30 tỷ đồng) thì các hợp đồng kinh tế vẫn được ký kết, công nợ theo đó tiếp tục phát sinh tăng trong năm 2012-2013, do trong điều khoản hợp đồng ký không ghi rõ hạn mức nợ và mức dư nợ là trái với Điều 2, khoản 2 Quy chế quản lý công nợ của Tổng Cty Giấy Việt Nam ngày 28/11/2011 (hợp đồng kinh tế phải thể hiện đầy đủ các nội dung như: các bên và người đại diện của các bên ký hợp đồng phải có năng lực pháp lý và phải đúng thẩm quyền; tên, chủng loại hàng hóa, giá cả, số lượng, quy cách, sản phẩm; thanh toán; hạn mức nợ, số dư nợ…).

Trách nhiệm của người đại diện phần vốn

Từ năm 2007-2011, người đại diện phần vốn tại Cty BBP là ông Võ Sỹ Dởng (Tổng Giám đốc) giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty BBP và ông Vũ Thanh Bình (Phó Tổng giám đốc) Ủy viên HĐQT BBP. Từ ngày 24/1/2011-23/8/2011, người đại diện phần vốn tại Cty BBP là ông Đỗ Xuân Trụ (Chủ tịch HĐTV – đại diện 29 tỷ đồng vốn góp) và ông Vũ Thanh Bình (Phó Tổng Giám đốc - đại diện 14,5 tỷ đồng vốn góp) Ủy viên HĐQT Cty BBP. Từ ngày 23/8/2011 đến 15/1/2012, người đại diện phần vốn tại Cty BBP là ông Vũ Thanh Bình (Tổng Giám đốc – đại diện ủy quyền 29 tỷ đồng) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó Tổng Giám đốc - đại diện ủy quyền 14,5 tỷ đồng). Từ ngày 15/1/2012 đến ngày 15/2/2012, người đại diện phần vốn tại BBP là ông Trịnh Văn Lâm (Phó Tổng Giám đốc - đại diện ủy quyền 43,5 tỷ đồng). Từ ngày 15/2/2012 đến ngày 26/6/2014, người đại diện phần vốn tại BBP là ông Nguyễn Việt Đức (Phó Tổng Giám đốc – đại diện ủy quyền 29 tỷ đồng) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó Tổng Giám đốc – đại diện ủy quyền 14,5 tỷ đồng). Từ ngày 26/6/2014 đến nay, người đại diện phần vốn tại BBP là ông Nguyễn Việt Đức (Phó Tổng Giám đốc – đại diện ủy quyền 34,84 tỷ đồng) và ông Trịnh Văn Lâm (Phó Tổng Giám đốc – đại diện ủy quyền 17,16 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong năm 2011, 2012 không có văn bản báo cáo nào của người đại diện phần vốn của TCty Giấy Việt Nam tại Cty BBP (phân tích đánh giá tình hình quản lý và sử dụng vốn tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán, kết quả kinh doanh…) là trái với quy định tại Điều 30, Quy chế quản lý tài chính của TCty Giấy Việt Nam được Bộ Tài chính phê duyệt ngày 17/8/2006 và Điều 39, Điều lệ tổ chức và hoạt động của TCty Giấy Việt Nam ban hành theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 6/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 

Điều 15 Quy chế quản lý tài chính của TCty Giấy Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con do Bộ Tài chính ban hành ngày 17/8/2006 thì, trách nhiệm của Công ty mẹ trong việc quản lý nợ phải thu là xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm cảu tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ. HĐQT, Tổng Giám đốc có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thể thu hồi được và nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định thì HĐQT, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm như báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty. Nếu không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước tại công ty thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Được biết, hiện nay Cty BBP đã ngừng hoạt động, do đó số tiền công nợ và hàng chục tỷ đồng phần góp vốn của TCty Giấy Việt Nam có nguy cơ mất trắng… Và ai là người chịu trách nhiệm?.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm