Trạm y tế “đắp chiếu” hai thập kỷ và giấc mơ của người dân

(PLO) - “Cơ sở y tế không có đã đành, thế mà trạm y tế của thôn lại bỏ hoang suốt gần 20 năm nay. Mỗi khi trong thôn có người ốm đau, người thân rất khổ sở vì đường tới trạm y tế xã, bệnh viện huyện vô cùng gian nan. Người dân chúng tôi ở đây chỉ có nguyện vọng trạm y tế sớm được sửa chữa, có bác sĩ, y tá hoạt động cho dân bớt khổ…” - bà Nguyễn Thị Thận, sinh năm 1958, thôn Minh Tân, xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ. 
Gần 20 năm nay trạm y tế thôn Minh Tân bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp
Gần 20 năm nay trạm y tế thôn Minh Tân bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp
Hoạt động 2 năm rồi “đắp chiếu”
Theo tìm hiểu của người viết, trạm y tế thôn Minh Tân được đầu tư xây dựng từ năm 1995. Thế nhưng, điều kỳ lạ là trạm chỉ đi vào hoạt động được khoảng hai năm rồi bỏ hoang cho đến nay. Do bị “đắp chiếu” suốt một thời gian dài nên hiện tại, hạ tầng của cơ sở y tế này đang xuống cấp trầm trọng. 
Toàn bộ phần tường bao, cả bên trong, bên ngoài và trần của trạm bị nước thấm dột, rêu phủ ken dày. Đường dây và các thiết bị điện như đèn, ổ cắm bị hư hỏng nặng nề, nhiều cánh cửa ngăn phòng bên trong bị mục nát, mối mọt được tháo bỏ, quăng dưới nền nhà. Một phần mái trần bị bong tróc lớp vữa chát, lộ ra nhiều vết nứt kéo dài trơ ra những thanh sắt hoen gỉ.
Không chỉ vậy, xuất phát từ việc thiếu người trông coi nên dù cho trạm nằm ở địa thế khá đẹp, sát với trường học và trong khu vực nhà văn hóa thôn nhưng nơi đây lại trở thành nơi phóng uế, chăn thả trâu bò. 
Tường bên trong và bên ngoài trạm y tế bị thấm nước, rêu mốc mọc xanh.
Tường bên trong và bên ngoài trạm y tế bị thấm nước, rêu mốc mọc xanh. 
Bà Dương Thị Tuệ, sinh năm 1947, ở đội 2, thôn Minh Tân cho biết, trước kia khi mới khánh thành trạm, có một y tá về đây làm việc nhưng được khoảng 2 năm, trạm xá này đóng cửa, bỏ hoang cho đến nay. Hệ lụy là, suốt hai mươi năm nay, mỗi khi trong thôn có người đau ốm đều phải đưa đến trạm y tế xã cách đó trên 10km hoặc đến bệnh viện huyện cách gần 30km. 
Thấy cơ sở y tế thôn bỏ hoang suốt một thời gian dài nên cách đây ít lâu, một phòng của trạm y tế này được người dân địa phương tận dụng để loa phát thanh và một phòng khác chứa các đồ đạc, vật dụng phục vụ tang lễ của thôn.
Nguyện vọng chưa thành hiện thực
Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi mới hiểu được những khó khăn vất vả, nỗi khổ sở mà họ đang từng ngày phải chịu đựng. Theo lời bà Tuệ, những năm về trước kinh tế khó khăn không có xe máy, mỗi khi trong thôn có người đi viện, người thân phải khiêng bằng võng hoặc đưa đi bằng xe đạp ra ngoài thôn rồi gọi xe đưa đến bệnh viện. Vì đường giao thông từ thôn đến các địa phương khác thuộc dạng “độc đạo”, bị xuống cấp trầm trọng suốt nhiều năm nên cánh lái xe không muốn vào, dù  người dân bảo cam đoan sẽ trả thêm tiền. 
“Đã có nhiều trường hợp người dân bị bệnh nặng hoặc đi cấp cứu nhưng đang đi trên đường chưa tới bệnh viện thì tử vong. Nếu đường đi lại không khó khăn, trạm y tế của thôn hoạt động thì có lẽ nhiều người có cơ hội được cứu sống” - bà Tuệ chua xót.
Bà Thận ở đội 2 phân bua, nguyên tắc của trạm y tế là phải có bác sỹ, y tá để phục vụ người dân trong công tác khám chữa bệnh, sơ cấp cứu. Bệnh tật thì không biết xảy ra khi nào, người già và trẻ nhỏ thường xuyên ốm đau. Người dân chúng tôi thuộc vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn thấp, không biết mua loại thuốc gì để dự phòng trong nhà. 
Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân (bên trái) và Phó thôn trao đổi với phóng viên.
Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân (bên trái) và Phó thôn trao đổi với phóng viên.
 
“Người dân chúng tôi ở đây chỉ có nguyện vọng trạm y tế sớm được sửa chữa và có bác sỹ, y tá vào hoạt động để vấn đề sức khỏe và nhu cầu khám chữa bệnh được đảm bảo và thuận tiện, nhưng điều này đến nay vẫn chưa thành hiện thực”, bà Thận bày tỏ nguyện vọng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân cho biết: “Vấn đề giao thông và y tế ở địa phương rất nhiều năm nay không được đảm bảo khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi đó, trạm y tế của thôn được đầu tư xây dựng không biết tốn kém bao nhiêu tiền nhưng giờ lại bỏ hoang, vô cùng lãng phí. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng thực trạng này vẫn chưa được khắc phục. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch tu bổ, sửa chửa và đưa vào hoạt động”. 
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương nơi đây. Ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch xã Minh Trí thừa nhận, trạm y tế thôn Minh Tân bị bỏ hoang, không hoạt động gần 20 năm nay và hiện tại bị xuống cấp rất nhiều, không thể hoạt động.
Lý giải về thực trạng đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục ở địa phương, ông An cho biết: “Do ngành y tế không có người để phân công, không có chỉ tiêu vào làm. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên huyện và Phòng Y tế huyện xem xét cải tạo nâng cấp và điều động nhân lực vào trạm y tế để duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống, sức khỏe cho người dân”.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, cùng với sự chung sức của các cấp chính quyền địa phương, ngành y tế huyện Sóc Sơn, thôn Minh Tân sẽ thực hiện được ước mơ có trạm y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.
Không chỉ vậy, đây còn là động lực giúp người dân Minh Tân vươn lên xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm