Trận chiến chống “quan ăn đất” của đảng viên làng Vạc (Bài 3): Những gáo nước lạnh dội xuống ngọn lửa tâm huyết

(PLVN) - Năm năm đã trôi qua, cụ Nhữ Đình Vây (SN 1942) vẫn chưa quên nổi cảm giác giận dữ khi mang đơn và tài liệu đến VKSND huyện Bình Giang tố cáo đường dây quan chức “xẻ thịt” hàng vạn m2 đất công; nhưng đề nghị của người Đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng đã bị từ chối.   
Diện tích đất ao thùng ở làng Vạc chính là “mỏ vàng” cho các đối tượng tham nhũng.
Diện tích đất ao thùng ở làng Vạc chính là “mỏ vàng” cho các đối tượng tham nhũng.

“Điệp khúc” giao đơn vị  sai phạm điều tra… chính mình

Giải thích việc vì sao “Đơn đề nghị” của Chi bộ làng Vạc (xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) ngày 14/9/2014 gửi đích danh đến Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh, cụ Vây cho hay: “Khi đó Chi bộ nhận thấy huyện, xã đều có dấu hiệu bao che sai phạm, nên mới cực chẳng đã phải làm đơn gửi Bí thư Tỉnh. Chi bộ quyết liệt như vậy còn vì thời điểm đó chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động được thực hiện rất mạnh mẽ. Ai cũng tin tưởng huyện, xã có thể bao che cho nhau, nhưng tỉnh thì nhất định không”.

Thực tế chống tham nhũng ở địa phương này đã phũ phàng hơn những gì Đảng viên làng Vạc tin tưởng, ngóng chờ.

Dù thôn Vạc và Trụ sở Đảng ủy xã cách nhau đoạn đường dăm phút đi bộ, nhưng 12 ngày sau, Đảng ủy xã mới có Văn bản 43-CV/ĐU gửi về, yêu cầu Chi bộ báo cáo sự việc.

Đáng lưu ý, Phó Bí thư Thường trực Phạm Ngọc Mạnh, Đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ làng Vạc, chính là người Chi bộ nghi vấn “có phải là người liên đới cấp trên “bật đèn xanh”, là “ô dù” che đỡ cho đồng chí Thắng đi ngược đường lối lãnh đạo của Đảng, làm trái pháp luật Nhà nước, dẫn đến tham nhũng hay không”, ký văn bản này.

Về phía UBND tỉnh Hải Dương, ngày 24/9 có Văn bản 246/PCĐ-UBND gửi về Chi bộ, cho biết đã chuyển đơn đến Chủ tịch UBND huyện.

Về phía Công an tỉnh, ngày 25/9/2014 có Văn bản 330/CSĐT-PC44, cho hay sau khi nhận được đơn do Giám đốc Công an tỉnh chuyển đến, đã chuyển đơn về Công an huyện Bình Giang.

Về phía VKSND tỉnh, ngày 29/9/2014 có Văn bản 143/GBT-VKS-P1, cho hay “đã chuyển đơn này đến VKSND huyện Bình Giang để cùng phối hợp Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Giang báo cáo Huyện ủy Bình Giang xin ý kiến chỉ đạo giải quyết”.

Về phía Huyện ủy Bình Giang, tới ngày 8/10/2014 mới có Thông báo 1099-TB/HU, “giao Đảng ủy xã Thái Học lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã giải quyết đơn đề nghị của Chi bộ thôn Vạc”. Một lần nữa, quy trình điều tra xử lý sai phạm ở huyện Bình Giang lại “có vấn đề”, khi giao chính người bị tố cáo đi xử lý việc mình bị tố cáo.

Ông Nguyễn Quang Đoàn, Bí Chi bộ thôn Vạc cho biết không nhận được văn bản phản hồi gì gửi từ Tỉnh ủy Hải Dương.

Niềm tin của những Đảng viên trung kiên Chi bộ thôn Vạc bị sứt mẻ. Sai phạm của các đối tượng không chỉ vi phạm điều lệ Đảng, còn có dấu hiệu “vi phạm quy định về quản lý đất đai” theo Điều 174, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 281, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS 1999…

Hiếm thấy trong lịch sử khi nào 74/75 Đảng viên trong một Chi bộ đồng lòng gửi đơn vượt cấp lên cấp trên đề nghị chỉ đạo giải quyết sự việc. Vậy nhưng những động thái phản hồi của cấp tỉnh đã như một gáo nước lạnh dội vào bầu máu nóng nhiệt huyết chống tham nhũng của Đảng viên làng Vạc.

Quy trình điều tra xử lý sai phạm trong vụ việc ở huyện Bình Giang “có vấn đề”, khi giao chính cơ quan bị tố cáo đi xử lý việc mình bị tố cáo.
 Quy trình điều tra xử lý sai phạm trong vụ việc ở huyện Bình Giang “có vấn đề”, khi giao chính cơ quan bị tố cáo đi xử lý việc mình bị tố cáo.

Cụ Nhữ Đình Vây bức xúc: “Phát biểu tại một Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra “công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm;… việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu”. Thế nhưng ở địa phương tôi lại có nghịch lý “dưới nóng, trên lạnh”: Chi bộ sôi sục khẩn thiết yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm ở làng mình; nhưng xã, huyện, tỉnh lại “lạnh ngắt”.

Con voi bị “hô biến” hóa… con kiến

Trở lại với việc “xử lý” đường dây cán bộ câu kết bán “chui” đất công, sau khi được Huyện ủy Bình Giang giao nhiệm vụ xử lý sai phạm của… chính mình, UBND xã Thái Học tiếp tục có bản báo cáo giấu giếm, sai sự thật. Trong bản báo cáo này, sai phạm to như con voi cuối cùng đã bị “hô biến” nhỏ như con kiến.

Báo cáo số 20/BC-UBND ngày 28/10/2014 do Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch ký, trước tiên tiếp tục lờ đi việc xã đã không quản lý diện tích đất công theo quy định trong Luật Đất đai 2003. Bản báo cáo còn “giấu tiệt” chuyện xã thôn mang bán đứt sân kho, nhà trẻ cho một số người làm nhà ở.

Dấu hiệu sai phạm của đương kim Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch, nguyên Chủ tịch xã Đỗ Văn Mỳ, Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Phong, Phó Chủ tịch xã Vũ Hồng Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Nhữ Đình Trang và Phó Bí thư xã Phạm Ngọc Mạnh khi ký xác nhận hoặc có tên trong các bản hợp đồng sai quy định hay “bán chui” đất cũng không được nhắc đến.

UBND xã đã báo cáo sai khi cho rằng việc “chuyển mục đích sử dụng đất” đã được Kỳ họp thứ 5 HĐND xã khóa 17 nhiệm kỳ 2004 – 2011 ra Nghị quyết số 02/2006/NĐ-NQND ngày 19/1/2006 “về việc chuyển diện tích các ao ô nhiễm không nuôi thả cá được chuyển sang mục đích khoán thầu lâu dài cho các hộ nhân dân”.

Đây là tình tiết gian trá cắt xén. So sánh với bản Nghị quyết này, thấy rằng UBND xã đã cắt xén đoạn HĐND yêu cầu phải “công khai đấu thầu, công khai kinh phí nộp vào ngân sách… theo đúng Luật Đất đai và Luật Ngân sách quy định”.

Về diện tích đất đã bị bán chui, ngay từ ngày 7/10/2011 HĐND xã đã có Văn bản 05/TB-HĐND xác định “từ 2009 – 2011, thôn Vạc giao khoán 34948m2 đất tại 50 ao thùng chuyển sang trồng cây làm vườn, thời hạn 20 – 30 năm.

Như vậy là vượt thẩm quyền, trái quy định pháp luật và Nghị quyết HĐND xã. Toàn bộ số tiền thu được, thôn không nộp về ngân sách UBND xã…”. Thế nhưng trong báo cáo, UBND xã vẫn sử dụng thủ thuật khi chỉ báo cáo tình hình đến năm 2012, và gian dối số liệu khi cho rằng diện tích đất bị bán chui chỉ là 11.180m2.

Bản báo cáo của UBND xã còn thể hiện những sự “hồn nhiên” lạm quyền, khi cho hay sau khi Trưởng thôn Vạc có văn bản đề nghị xin chuyển một số diện tích ao thành vườn thời hạn đến 30 năm, Chủ tịch xã đã xác nhận: “Đồng ý để địa phương thực hiện, yêu cầu (…) thực hiện đúng mục đích chuyển đổi”. Ở đây, thôn đã lạm quyền xã, và Chủ tịch xã đã lạm quyền Chủ tịch UBND huyện.

UBND xã xác nhận việc Trưởng thôn thu nhiều tỷ, và “toàn bộ việc hạch toán thu, chi và quản lý tiền mặt (…) chỉ ghi cập nhật vào sổ theo dõi, một số nội dung chi không có chứng từ gốc, không có giấy biên nhận”, “một số nội dung chi sai mục đích, lý do không rõ ràng”. 

Trong “Đơn đề nghị” của Chi bộ làng Vạc trước đó đã nêu rõ hành vi của ông Thắng và các cán bộ xã khiến “Đảng viên, nhân dân đang bức xúc ngóng đợi việc xử lý vi phạm, tham ô, tham nhũng”; nên đề nghị “Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật cấp tỉnh vào cuộc”.

Giấy báo tin của VKSND tỉnh Hải Dương cũng xác nhận “Đơn đề nghị” của Chi bộ thôn Vạc có nội dung tố cáo hành vi “bán đất không đúng thẩm quyền”, “dấu hiệu tham ô”… Thế nhưng báo cáo của UBND xã Thái Học vẫn “biến đen thành trắng” khi cho rằng Chi bộ thôn Vạc “vẫn chưa có ý kiến kết luận cụ thể về việc làm đúng, sai của Trưởng, phó thôn”.  

Phần kết báo cáo này, UBND xã kiến nghị “xét kỷ luật chức danh Phó Bí thư thôn Vạc của đồng chí Trưởng thôn”. Không thấy nhắc đến việc hơn 80 “thương vụ” bán đất sai quy định sẽ khắc phục xử lý ra sao.

Sai phạm dấu hiệu hình sự nhưng chỉ bị… khiển trách

Phải gần hai năm sau khi sự việc bị phát hiện, ngày 25/1/2016, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thắng mới bị “xử lý” với hình thức Cảnh cáo. Người ký quyết định này là ông Phạm Ngọc Mạnh, lúc này là Bí thư xã. Ông Mạnh cũng chính là người Chi bộ thôn Vạc đã nêu “có phải là người liên đới cấp trên “bật đèn xanh”, là “ô dù” che đỡ cho đồng chí Thắng đi ngược đường lối lãnh đạo của Đảng, làm trái pháp luật Nhà nước, dẫn đến tham nhũng hay không”.    

Về phía cán bộ xã, nguyên Chủ tịch xã Đỗ Văn Mỳ, nguyên Bí thư xã Nhữ Đình Trang, Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Phong, Phó Chủ tịch xã Vũ Hồng Tâm, chỉ bị khiển trách. Về mặt chính quyền, không có bất kỳ hình thức xử lý gì. Tất cả vẫn “yên vị”. 

Về phía Bí thư xã Phạm Ngọc Mạnh và đương kim Chủ tịch xã Phạm Đình Mạch, không bị bất kỳ hình thức kỷ luật gì, dù ông Mạch trước đó thậm chí ký xác nhận vào những bản hợp đồng cho thuê đất hàng chục năm với thửa đất không xác định vị trí, diện tích.

Cụ Nhữ Đình Vây nhớ lại: “Chán lắm, chối lắm, buồn lắm, các đồng chí ạ. Xử lý kiểu như vậy thì “cả làng cả nước” ai còn tin vào sự lãnh đạo của Đảng ở địa phương, ai còn tin vào thực thi pháp luật ở địa phương?”. 

Không chấp nhận sự thật phũ phàng này, người Đảng viên khi đó đã 72 tuổi vẫn viết đơn tố cáo với tư cách thành viên Tổ xác minh sai phạm, lọc cọc đạp xe mang đơn và tài liệu đi. Không đủ sức đạp xe đến VKSND tỉnh cách đó hơn 40 km, cụ tới VKSND huyện Bình Giang gửi đơn, đề nghị cơ quan có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp vào cuộc.

Cụ Vây cho hay, sau khi gặp kiểm sát viên và nhận được trả lời không thụ lý, cụ tiếp tục đề nghị gặp lãnh đạo VKS. Câu trả lời vẫn là yêu cầu cụ chuyển đơn sang công an huyện. “Tôi biết vậy là mình thua rồi”, cụ tâm sự cảm giác giận dữ trước sự “lãnh cảm” với sai phạm của cơ quan chức năng địa phương, cảm giác có lỗi với Đảng vì đã không hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng; đến bây giờ vẫn còn nhức nhối.

Cụ Nguyễn Quang Đấu (SN 1926, nguyên Chủ tịch xã Thái Học giai đoạn 1980-1990), thở dài: “Chi bộ làm quyết liệt lắm nhưng rồi cũng chả ăn thua gì, như vứt nắm đất xuống ao bèo”.

Bí thư Chi bộ thôn Vạc Nguyễn Quang Đoàn đánh giá: “Chi bộ đã cố gắng hết sức, đã làm hết trách nhiệm”. Nhưng “lực bất tòng tâm”. Khi làm lá đơn tâm huyết gửi Bí thư Tỉnh ủy, những Đảng viên đã tin rằng sai phạm tày trời sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn. Ai ngờ… Ông Đoàn nói: “Hiện Chi bộ chỉ còn cách tạm giữ lại, chưa trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho ông Thắng”.

Theo điều tra của PLVN, những sai phạm tày trời này có dấu hiệu được bao che, vì ngay chính bản thân lãnh đạo huyện Bình Giang cũng mắc sai phạm tương tự, lạm quyền Chủ tịch tỉnh chuyển mục đích sử dụng có khi tới 5ha mỗi lần.

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau. 

Luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Với đất nông nghiệp từ HTX hoặc đất được giao quyền quản lý về cấp xã, thì UBND xã chỉ được cho thuê dưới dạng hợp đồng giao khoán”.

Việc giao khoán phải tuân thủ Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP: Giao khoán tối đa 5 năm; hết hạn hợp đồng phải lập lại hợp đồng khác; giá đất phải điều chỉnh theo quy định của tỉnh. Xã không có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng. Thẩm quyền này thuộc về cấp huyện, thậm chí phải có kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.  

“Hành vi của các cán bộ xã Thái Học và thôn Vạc đã vi phạm quy định về quản lý đất đai gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả ở đây là ngân sách thất thu, trật tự về đất đai bị xâm hại. Và người dân xây dựng nhà cửa, công trình kiên cố hoặc bán lại cho người khác, thì còn rối bời hơn nữa. Theo tôi, có đủ căn cứ để khởi tố vụ án về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai” theo Điều 174 BLHS 1999. Thẩm quyền điều tra vụ này thuộc về Công an tỉnh Hải Dương”, LS Thanh nêu quan điểm.

Với đất nhà trẻ, sân kho, LS Thanh nói: “Đây không phải đất nông nghiệp nên UBND xã không có quyền cho thuê, giao khoán, mua bán. Thẩm quyền thuộc về UBND huyện Bình Giang. Việc mua bán phải thực hiện theo hình thức đấu giá.

Trước khi đấu giá phải tiến hành định giá. Việc cán bộ xã, thôn tự ý bán đất nhà trẻ, sân kho làm mất đất, thất thu ngân sách, là dấu hiệu tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cán bộ, lãnh đạo huyện Bình Giang có thể liên đới trách nhiệm vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đọc thêm