Tranh cãi quanh đề xuất chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông về Viettel

(PLO) - Bộ Quốc phòng đề xuất chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Viettel, chỉ sau khi Học viện này rời Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chưa đầy năm. Sự kiện này đang là “tâm điểm” trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông những ngày gần đây.

Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Xin nguyên trạng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông về Viettel
Thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2014, VNPT đã bàn giao lại Học viện Bưu chính viễn thông (Học viện) về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quản lý để đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực TT-TT. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm chuyển từ mô hình quản lý thuộc DN về cơ quan quản lý nhà nước, ngày 25/4 Bộ Quốc phòng đã có Tờ trình số 3346/TTr-BQP đề nghị chuyển nguyên trạng Học viện từ Bộ TT-TT về Viettel. Viettel sẽ tiếp nhận đầy đủ, gồm cả quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với sinh viên, khách hàng, đối tác (nếu có) của Học viện. 
Theo Bộ Quốc phòng, điều chuyển nguyên trạng Học viện về Viettel là cần thiết, bởi điều này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá... Hơn nữa, thực tế hiện nay nhu cầu về nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel đang rất cấp bách vì Viettel đang đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển. 
Bộ Quốc phòng cho rằng Viettel có thể giúp các trường, học viện, viện nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo mô hình DN; đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, viện, học viện. Thậm chí Viettel có thể thay đổi cơ chế để tuyển được các giáo viên giỏi trên toàn cầu, có đầu ra cho đào tạo vì nhu cầu nội bộ mỗi năm của Viettel cần tuyển dụng 4.000 -5.000 kỹ sư, chưa tính đến nhu cầu của thị trường ngoài Viettel; có thể đưa nhân viên Tập đoàn này từ 10 nước trên thế giới về học tập, đào tạo... 
Vì thế, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, Học viện phù hợp và đáp ứng với nhu cầu hiện tại của Viettel. Ngoài nhiệm vụ giáo dục đào tạo, Học viện còn có Viện nghiên cứu kinh tế và Viện nghiên cứu phát triển công nghệ viễn thông sẽ giúp Viettel trong việc đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước và quốc tế; nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông công nghệ cao, cả quân sự và dân sự. Từ các lý do trên, việc tiếp nhận Học viện sẽ tạo thuận lợi, chủ động cho Viettel trong việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và sản xuất kinh doanh.
Sau khi Bộ Quốc phòng có đề xuất, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có công văn gửi các Bộ: TT-TT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội để có ý kiến về đề nghị của Bộ Quốc phòng. Đây được coi là cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. VPCP đề nghị 5 Bộ trên gửi ý kiến về VPCP trước ngày hôm nay 12/5/2015. 
Từ cơ sở đào tạo quy mô quốc gia quay trở lại là cơ sở đào tạo cho doanh nghiệp
Trước đề xuất này, trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Lâm - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT -TT) cho biết, ông khá ngỡ ngàng khi nhận được thông tin này. “Thực tế, việc Học viện nhập về Bộ TT-TT là chủ trương rất hợp lý của Chính phủ, bởi khi ấy Học viện sẽ không chỉ chăm lo cho việc đào tạo, nghiên cứu riêng cho VNPT nữa mà còn phục vụ nhu cầu nhân lực, nghiên cứu của cả ngành TT-TT nói chung”.
Dù rất đồng cảm với mong muốn có một cơ sở đào tạo và nghiên cứu đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của Viettel nhưng ông Lâm cho rằng, có những câu hỏi chưa có lời giải đáp ở đây. “Nếu Học viện chuyển hẳn về Viettel thì ngành công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp CNTT sẽ không còn cơ sở đào tạo và nghiên cứu quy mô quốc gia nữa. Trong khi đó, nguồn nhân lực CNTT - TT đang rất thiếu. Cơ sở đào tạo cũng thiếu. Việc Học viện về Viettel không giúp tăng năng lực đào tạo và nguồn cung nhân lực CNTT - TT cho xã hội. Muốn tăng, ta cần xây thêm các cơ sở đào tạo mới chứ việc “chuyển chỗ đơn thuần” không giải quyết được sự thiếu hụt đó” – nguyên Thứ trưởng Lâm đặt vấn đề.
Ông Lâm phân tích, một cơ sở đào tạo, nghiên cứu, cung cấp nhân lực TT-TT cho cả nước, phục vụ cả xã hội thì nên đặt ở Bộ TT-TT là chính danh và hợp lý nhất. Theo ông Lâm, sẽ là hợp lý hơn nếu Bộ vẫn duy trì Học viện và đầu tư, nâng tầm Học viện lên, đáp ứng “cơn khát” nhân lực CNTT - TT của nền kinh tế hiện nay. Vị cựu lãnh đạo ngành BCVT tin rằng, với năng lực, khả năng tài chính, sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Viettel hoàn toàn xây dựng được một cơ sở nghiên cứu phục vụ mục đích, nhu cầu của riêng Tập đoàn trong một thời gian ngắn.
Trong “tâm thư” gửi Bộ trưởng TT-TT, ông Nguyễn Huy Luận - nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính viễn thông I (nay là Học viện) cũng nhấn mạnh rằng, ngay từ khi được thành lập (1953), sự phát triển của Học viện đã luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, đặc biệt là của Tập đoàn VNPT. Tập đoàn đã gây dựng, tạo điều kiện cho Học viện lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, trở thành không những là một cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong hệ thống các trường đại học trên cả nước mà còn là một cơ sở đào tạo, cung cấp nhân lực viễn thông, CNTT chất lượng cao cho VNPT nói riêng và ngành TT-TT nói chung. 
Chủ trương chung của Chính phủ khi tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước là tập đoàn, tổng công ty lớn phải thoái vốn, dừng đầu tư ngoài ngành. Do đó, VNPT đã chuyển Học viện về Bộ TT-TT quản lý, giống như Đại học Điện lực chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Bộ Công Thương quản lý...
Khi tách khỏi VNPT về trực thuộc Bộ TT-TT theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều tâm tư từ cả phía Tập đoàn lẫn Học viện, nhưng vì sự phát triển của Học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, VNPT và Học viện vẫn ủng hộ chủ trương này. “Tuy nhiên, nếu Học viện lại tiếp tục được chuyển về Viettel quản lý thì điều này không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của CBCNV của VNPT cũng như của Học viện qua các thời kỳ, cũng không đúng với tinh thần của Quyết định số 888/QĐ-TTg” - ông Luận nêu quan điểm.
Vì thế, không ít chuyên gia đặt ra vấn đề, nếu Học viện chuyển về Viettel thì có phù hợp với chủ trương yêu cầu các doanh nghiệp dừng đầu tư ngoài ngành hay không?
Học viện muốn được tự chủ
Với tư cách nguyên lãnh đạo ngành Bưu điện và nguyên lãnh đạo Học viện, ông Luận kiến nghị Bộ TT-TT báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét việc chuyển giao Học viện về Viettel quản lý. 
Bản thân VNPT, trong công văn gửi Bộ TT-TT mới đây cũng đề nghị tiếp tục để  Học viện trực thuộc Bộ quản lý để đáp ứng nhu cầu về đào tạo CNTT-VT cho các DN trong ngành nói chung và VNPT nói riêng. VNPT nêu rõ, hiện tập đoàn cũng đang có nhu cầu rất lớn về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ VNPT, cho hoạt động nghiên cứu triển khai gắn kết sản xuất kinh doanh, do đó rất cần đến sự hỗ trợ của Học viện. Hơn nữa, việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa VNPT và Học viện còn nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực (hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, lao động) mà VNPT đã đầu tư cho Học viện trong những năm qua...
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn San - Phó Giám đốc phụ trách Học viện cho biết, như trong công văn kiến nghị nhà trường đã gửi lên Bộ TT-TT hôm 5/5, 100% đội ngũ cán bộ Học viện đều bày tỏ quan điểm không đồng ý việc Học viện chuyển về Viettel. 
Theo ông San, gần một năm qua, sau khi “cởi trói” khỏi sự phụ thuộc DN, Học viện đã thực hiện chuyển đổi thành công từ đơn vị sự nghiệp được Nhà nước bao cấp sang đơn vị tự chủ toàn bộ, hoạt động không cần tới ngân sách nhà nước. Bản thân các cán bộ lãnh đạo trong Ban Giám hiệu, các khoa cũng chia sẻ thẳng thắn rằng, gần 1000 cán bộ, giảng viên Học viện rất tâm tư vì họ đã có quá trình lao động gắn bó nhiều năm với VNPT, nay lại phải chuyển sang một DN khác. 
Ngay cả các phụ huynh và học viên, sinh viên nhà trường cũng rất băn khoăn, lo lắng bởi khi thi vào Học viện, họ không xác định theo học ở một trường trong lực lượng vũ trang, trong khi Viettel có kế hoạch nhanh chóng tổ chức lại mô hình Học viện để phù hợp với thực tế và nhu cầu của Tập đoàn. 
“Mục tiêu của Viettel được xác định là xây dựng Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao CNTT -VT và vũ khí quân sự, ngược lại, Học viện có nhiều ngành đào tạo mang tính “phổ thông” như truyền thông đa phương tiện... Nếu tổ chức lại, các khoa đào tạo sẽ được sắp xếp lại ra sao, các chuyên ngành đào tạo sẽ bị thay đổi như thế nào? Sinh viên đang theo học sẽ được Viettel sắp xếp như thế nào? Những lợi thế truyền thống của Học viện, các dự án đang hợp tác dở dang với MobiFone, VNPT, Samsung.... sẽ xử lý ra sao?” – lãnh đạo Học viện bày tỏ./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm