Trộm cắp sổ đỏ, chính quyền “bó tay”?

(PLO) - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay còn gọi là sổ đỏ thể hiện các quyền của người sử dụng đất như cầm cố, chuyển nhượng, thế chấp…Thế nhưng, khi bị người khác chiếm giữ sổ đỏ, khổ chủ khởi kiện nhưng Tòa không thụ lý; xin chính quyền cấp lại, chính quyền từ chối…
Trộm cắp sổ đỏ, chính quyền “bó tay”?
Ông bà Tư Thuận ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang) có 4 người con, ba gái, một trai đều đã khôn lớn, lập gia đình và ra ở riêng, duy chỉ có út Thuân là ở chung với cha mẹ.
Thuân vốn được cưng chiều từ nhỏ nên chẳng màng đến việc đồng áng, suốt ngày lêu lổng ăn chơi, đá gà, cờ bạc. Để có tiền tiêu xài, Thuân đã nhiều lần đem sổ đỏ của cha mẹ đi cầm cố. Những lần như vậy, ông Thuận đều “bấm bụng” đem tiền chuộc về. Ông Thuận than thở: “Tìm không thấy sổ đỏ đâu là tôi nghi ngay cho nó. Cả nhà chất vấn, nó thừa nhận, nhưng hỏi sổ đỏ đâu thì dứt khoát nó không nói”.  Trong đơn kêu cứu gửi UBND xã, ông Thuận lo lắng: “…Chúng tôi sợ sau khi mình qua đời, Thuân sẽ bán hết đất đai để ăn chơi, đàn đúm nên muốn giữ lại cho con. Nay nhờ chính quyền can thiệp, buộc Thuận phải trả lại sổ đỏ cho chúng tôi”!
Không riêng gì trường hợp của ông Thuận, nhiều người đã bị kẻ gian lấy trộm sổ đỏ hay bị người khác chiếm giữ trái phép nhưng việc đòi lại thì vô cùng khó khăn, phức tạp. 
Lo lắng của ông Thuận, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) giải tỏa như sau:
Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Điều 163 Bộ luật Dân sự quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo quy định tại điểm 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Giấy tờ có giá bao gồm: Séc, trái phiếu Chính phủ, kỳ phiếu, cổ phiếu…
Do vậy, sổ đỏ không phải là giấy tờ có giá mà nó chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng  đất (QSDĐ) của cá nhân, tổ chức. Bản thân sổ đỏ đơn thuần chỉ là một “tờ giấy” theo nghĩa đen, và nếu bị mất sổ đỏ họ có thể tiến hành thủ tục xin cấp lại. Việc giao sổ đỏ của mình cho người khác hoặc tổ chức tín dụng để được vay tiền không phải là thế chấp “tờ giấy” mà chính là thế chấp QSDĐ (giá trị của diện tích đất) của người vay tiền, đồng thời cũng là để bảo đảm cho việc thanh toán vay theo hợp đồng.
Vì không được coi là tài sản như đã phân tích ở trên nên người lấy trộm sổ đỏ không bị truy tố về hành vi trộm cắp tài sản và cũng không thể xử phạt vi phạm hành chính được. Người mất sổ đỏ cũng không thể kiện đến Tòa án để đòi lại sổ đỏ vì xác định nó không phải là tài sản. Có chăng, nếu phát hiện người chiếm giữ sổ đỏ đem đi cầm cố thì người có sổ đỏ có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng cầm cố và yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng này vô hiệu, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận (sổ đỏ và tiền). 
Nếu không phát hiện được người đã trộm sổ đỏ thì làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ bị mất, tuy nhiên nếu quá trình thông báo có người đứng ra nhận mình đang giữ sổ đỏ thì chính quyền cũng không thể cấp lại sổ đỏ cho người bị mất được. 
Về trường hợp của ông Tư Thuận, con ông đã thừa nhận đang giữ sổ đỏ nên ông không thể xin cấp lại. Nếu phát hiện con của ông đã đem sổ đỏ đi cầm cố ở một nơi nào đó, ông chỉ còn cách đem tiền chuộc về chứ không nên kiện ra Tòa, bởi có kiện cũng chỉ tốn công sức mà thôi. Suy cho cùng, ông vẫn là người phải xuất tiền ra thay con ông trả lại số tiền mà con ông đã nhận của người cầm cố, còn người cầm cố sẽ trả lại sổ đỏ cho ông. Vậy nên, giải pháp tốt nhất vẫn là giáo dục ý thức của con ông, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh việc con ông trộm sổ đỏ đem đi cầm cố lần nữa. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm