Trót đưa tài sản riêng vào khối tài sản chung, liệu người vợ có tiếp tục chịu thiệt?

(PLO) - Cho rằng nhà, đất tại 1A Hàng Bồ được mua bằng nguồn tiền bán ngôi nhà riêng của mình trước khi kết hôn với ông Trần Hoài Đức, bà Hoàng Thị Thanh Vân (SN 1961, hộ khẩu ở số 1A Hàng Bồ, Hà Nội) đã đề nghị tòa công nhận đây là tài sản riêng của mình hoặc Tòa cần phải ưu tiên chia cho người vợ vì đã có công sức rất lớn trong việc hình thành tài sản này
Trót đưa tài sản riêng vào khối tài sản chung, liệu người vợ có tiếp tục chịu thiệt?

Theo bản án sơ thẩm số 107/2017/HNGĐ-ST ngày 3/7/2017 của TAND TP Hà Nội, ông Trần Hoài Đức (nguyên đơn) và bà Hoàng Thị Thanh Vân (bị đơn) kết hôn vào đầu năm 1996. Trong quá trình chung sống, ông Đức cho rằng hai vợ chồng có nhiều mâu thuẫn nên đề nghị được Tòa cho ly hôn.

Về bất động sản, ông Đức khai vợ chồng có những tài sản chung gồm nhà, đất tại 84 Hàng Bông; nhà, đất tại 1A Hàng Bồ; nhà, đất tại 2B Hàng Bồ; nhà, đất tại tầng 2 Hàng Đào. Về nguồn gốc: nhà, đất tại 84 Hàng Bông (diện tích 20,2m2) là do ông mua vào năm 2001 từ nguồn tiền bán nhà tại 20 Nhà Chung (là nhà của bố, mẹ ông). Sau đó, ông mua thêm của 3 người là ông Hoàng Văn Thái, Nguyễn Trần Bình và Trần Khánh Thành, tổng diện tích gần 100m2. Phần 20,2m2 đứng tên ông Đức, bà Vân; phần phía sau đứng tên bố, mẹ bà Vân. 

Còn nguồn gốc nhà, đất tại 1A Hàng Bồ (diện tích 11m2, xây 05 tầng,  đã được cấp Sổ đỏ mang tên hai vợ chồng) là do mua của bà Nguyễn Thị Quý năm 2000. Nguồn tiền mua do hai vợ chồng cùng buôn bán chung và bán nhà ở Giáp Bát được 2,6 tỉ đồng. Nhà ở Giáp Bát cũng là tài sản chung của hai vợ chồng.

Trong khi đó, bà Vân thì không đồng ý ly hôn vì cho rằng mình vẫn còn tình cảm với chồng và mong muốn giữ được “mái ấm” cho con cái đỡ khổ. Còn trường hợp Tòa cho ly hôn thì đề nghị có phương án phân chia tài sản hai bên cho hợp lý, hợp tình và ghi nhận sự đóng góp tiền của của bà, nhất là đối với ngôi nhà tại tại 1A Hàng Bồ.

Trình bày trước Tòa, bà Vân cho rằng nhà đất này được hình thành từ nguồn tiền bán ngôi nhà biệt thự B1, 6 Giáp Bát – đây vốn là tài sản riêng của bà trước khi kết hôn với ông Đức. Khi làm thủ tục cấp sổ đỏ thì cơ quan chức năng đã yêu cầu bà kê khai tên cả hai vợ chồng. 

Tuy đứng tên hai người nhưng thực tế thì nhà đất 1 A Hàng Bồ đều do các con riêng của bà quản lý, sử dụng để buôn bán nuôi sống gia đình. Vì vậy, nếu Tòa coi nhà đất này là tài sản chung của vợ chồng thì bà đề nghị được lấy hiện vật là căn nhà này để có điều kiện buôn bán, nuôi sống hơn 10 con người. Việc chia như vậy cũng là để đảm bảo quyền lợi cho người đã góp tài sản riêng của mình vào khối tài sản riêng của vợ chồng. Còn ông Đức, sau ly hôn chỉ có một mình, nên được chia nhà 84 Hàng Bông là phù hợp vì ông Đức thường xuyên ăn, ở tại đây và cũng đúng theo lời khai của ông này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là “ưu tiên cho bà Vân chọn”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX nhận định rằng, về nguồn tiền mua nhà, đất tại 84 Hàng Bông thì ông Đức và bà Vân mỗi người khai một kiểu, nhưng đều thừa nhận đó là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, Tòa chia đôi, mỗi người ½ giá trị nhà đất.

Đối với nhà đất tại 1A Hàng Bồ: ông Đức khai nguồn tiền do hai người đóng góp và do bán biệt thự chung của vợ chồng ở Giáp Bát. Tuy nhiên, có đủ cơ sở để khẳng định ngôi biệt thự ở Giáp Bát được bán để lấy tiền mua nhà, đất 1A Hàng Bồ là tài sản riêng của bà Vân, có trước khi kết hôn với ông Đức. Tuy nhiên, do sổ đỏ có cả tên ông Đức nên có thể coi bà Vân đã tự nguyện nhập tài sản này là tài sản chung của vợ chồng.

Với nhận định trên, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định chia cho ông Đức sở hữu nhà 84 Hàng Bông và 1 xe ô tô;  Bà Vân sở hữu nhà 1A Hàng Bồ. Do ông Đức nhận giá trị nhà và tài sản cao hơn nên phải thanh toán lại cho bà Vân phần chênh lệnh là 3,3 tỉ đồng.

Sau khi có bản án sơ thẩm, ông Đức kháng cáo đề nghị được Tòa chia cho mình nhà 1A Hàng Bồ. Trong khi đó, bà Vân cũng kháng cáo đề nghị Tòa bác đơn xin ly hôn của ông Đức. Trong trường hợp phải ly hôn thì đề nghị tòa công nhận nhà 1A Hàng Bồ là tài sản riêng của mình.

Trước vụ việc này, một số luật sư cũng thể hiện sự đồng tình với Tòa cấp sơ thẩm khi cho rằng nhà đất 1A Hàng Bồ được hình thành từ nguồn tiền riêng của bà Vân, trước khi kết hôn với ông Đức. Tuy nhiên, do đã trót để ông Đức đứng tên cùng trên sổ đỏ nên nhà đất đã bị coi là tài sản chung của vợ chồng. Việc này khiến bà Vân phải chịu thiệt thòi nên Tòa cần cân nhắc nguyện vọng của bà Vân. Nguyên tắc chia là mỗi bên được hưởng ½ giá trị tài sản chung nhưng Tòa nên cho bà Vân được sở hữu nhà 1A Hàng Bồ, vì đây là khối tài sản hình thành từ nguồn tiền riêng của bà, vừa là nơi buôn bán đảm bảo cuộc sống cho gia đình bà. Còn ông Đức sở hữu nhà 84 Hàng Bông, có giá trị cao hơn nhưng phải bù lại tiền chênh lệch cho bà Vân. 

Đọc thêm