Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Nhiều khuất tất cần làm sáng tỏ!

(PLO) - Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) được thành lập cuối năm 2014 trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện đa khoa Yên Lạc, Trung tâm Y tế Yên Lạc và Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm.
Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc: Nhiều khuất tất cần làm sáng tỏ!

Theo phản ánh của bạn đọc thì ngay từ khi mới giữ chức Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Trung Long đã cho sửa chữa và sơn lại dẫy nhà khám bệnh. Một năm sau, khi nhà chưa xuống cấp thì Trung tâm lại tiếp tục sơn, sửa lại, gây lãng phí không cần thiết. Rồi nhiều cây bóng mát, cây cổ thụ tuy không ảnh hưởng gì tới cảnh quan, không vướng nhưng không hiểu sao vẫn bị chặt hạ để trồng cây khác.

Đáng nói, việc sơn, sửa nhà cũng như việc chặt cây, bán gỗ đều không được đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch. Tương tự, thực hiện dịch vụ trông xe tại Trung tâm cũng không được thấy được công khai về các khoản thu, chi. 

Vào đầu năm 2017, Trung tâm đã tiến hành xây dựng hàng loạt ki ốt không có phép, không đủ thủ tục pháp lý… rồi cho thuê làm nơi kinh doanh bán lẻ thuốc, bán kính mắt và dịch vụ phẫu thuật răng, hàm, mặt… 

Vào tháng 3/2018, trả lời báo chí về việc trên, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính của Trung tâm thừa nhận, Trung tâm vẫn chưa có Giấy phép xây dựng và Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy. Còn kinh phí xây dựng các ki ốt này được lấy từ ngân sách của đơn vị…

Thế nhưng, theo phản ánh thì trong việc xây dựng trên, Trung tâm đã không thực hiện đúng các thủ tục pháp lý, bỏ qua quy trình đấu thầu… Liên quan đến việc xây dựng này, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc  và UBND huyện Yên Lạc đã từng có yêu cầu Trung tâm hoàn thiện hồ sơ dự án theo Luật Đầu tư công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với lĩnh vực xây dựng cơ bản, việc đầu tư mua sắm của Trung tâm cũng bị nhiều cán bộ cho là có khuất tất, có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ để “rút ruột” ngân sách. Đơn cử như việc làm biển điện tử, mua máy nổ…

Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc được Nhà nước cung cấp trang thiết bị, máy móc để thực hiện công tác khám, chữa bệnh nhưng gần đây đã xuất hiện cái gọi là “khám, chữa bệnh theo yêu cầu” (tức là làm dịch vụ bằng trang thiết do Nhà nước đầu tư). Việc khám, chữa bệnh “theo yêu cầu như vậy” có đúng với quy định của ngành Y tế không? Không biết số tiền thu được sẽ được quản lý, thu chi như thế nào?

Ngoài ra, Khoa khám bệnh thuộc Trung tâm đã quảng cáo rất “kêu” rằng, “lần đầu tiên tại Yên Lạc triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu từ chuyên gia y tế Hà Nội” hoặc “hợp tác với đội ngũ là giáo sư, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương về khám”. 

Tuy nhiên, theo phản ánh thì quáng cáo là không chính xác vì từ năm 2016 đến nay, không có giáo sư, bác sĩ nào có uy tín ở Trung ương về khám chữa bệnh ở đây.

Huyện Yên Lạc có 17 trạm y tế xã, thị trấn trực thuộc. Theo quy định thì các trạm được hưởng tiền khám, chữa bệnh BHYT nhưng theo phản ánh thì Trung tâm lại “vẽ” ra các loại quỹ để thu 60%, chỉ chi cho các trạm 40%. Ví dụ như năm 2017, tiền khám bệnh BHYT của 17 trạm khoảng 1,7 tỷ đồng  nhưng Trung tâm chỉ trả các trạm khoảng 650 triệu đồng. Tương tự như vậy, 17 trạm y tế đến nhận truy lĩnh tiền trực cũng bị “cấn” lại 20%. Đơn cử, tiền trực 17 trạm y tế từ 2012-2014 đã bị giữ lại hơn 37.957.000 đồng. Đáng nói, tuy bị giữ lại tiền nhưng các trạm vẫn phải ký vào 1 bảng thể hiện đã lĩnh đủ tiền,   phục vụ quyết toán.

Trước phản ánh về những khuất tất trên, đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ.

Đọc thêm