Từ Sơn (Bắc Ninh): Nghi vấn lọt tội danh, bỏ sót đồng phạm vụ lừa đảo bán đất Dự án

(PLO) - Theo luật sư bảo vệ quyền lợi của người bị hại, diễn biến khách quan của vụ án thể hiện, hành vi của bị cáo có dấu hiệu phạm vào các tội “Lừa đảo” và “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” nhưng chỉ bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo”. Chưa kể, người tiếp tay cho bị cáo chiếm đoạt lô đất mua chung với 2 người bị hại khác vẫn không bị xem xét trách nhiệm hình sự…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi quân nhân khoác áo “siêu lừa”

Theo cáo trạng, năm 2007, Dương Văn Hảo là sĩ quan tại ngũ thuộc Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) và ông Phạm Đình Phú (ngụ phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng một số người khác thành lập Cty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng Hà Thành (trụ sở tại 142 phố Minh Khai, TX Từ Sơn, Bắc Ninh). Về mặt pháp lý, Hảo không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập Cty Hà Thành nhưng Hảo nhờ em vợ là Trần Thị Thanh Phúc đại diện cho phần vốn góp của mình đứng tên trong Hội đồng sáng lập Cty. Tháng 9/2009, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép Cty Hà Thành thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cụm sản xuất Công nghiệp và Dịch vụ giới thiệu sản phẩm làng nghề tại Từ Sơn, quy mô tổng diện tích 73,63ha; trong đó diện tích đô thị là trên 31,3ha.

Đầu năm 2010, khi Cty Hà Thành chưa được UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất và Cty cũng chưa có chủ trương huy động vốn để đầu tư vào dự án nhưng Hảo đã gặp bà Nguyễn Thị Nga- Giám đốc Cty CP Bắc Mỹ (trụ sở tại TX Từ Sơn, Bắc Ninh) và tự giới thiệu mình là thành viên Hội đồng quản trị của Cty Hà Thành, tự “nổ” là được phép bán đất thuộc dự án dưới hình thức hợp đồng vay vốn. Hảo nhờ bà Nga giới thiệu và trực tiếp tìm kiếm người có nhu cầu mua đất. Sau khi người mua đất đồng ý, Hảo đã soạn 4 Hợp đồng vay vốn ký giả tên Trần Thị Thanh Phúc, đóng dấu Cty Hà Thành và làm cam kết, viết phiếu thu, thu tiền và chiếm đoạt tiền của 5 người với tổng số tiền là 6,43 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, tháng 6/2010, với mục đích chiếm đoạt tài sản, Hảo đã rủ ông Dương Văn Tuyền góp 405 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Nga góp 1,487 tỷ đồng và Hảo góp 1,487 tỷ đồng (tiền này Hảo lấy từ việc lừa đảo của 5 bị hại mua đất ở dự án Từ Sơn) để mua chung một mảnh đất diện tích 168m2 tại thôn Cựu Quán (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Hảo đề nghị ông Tuyền và bà Nga để cho vợ Hảo là bà Trần Thị Hồng Hạnh đứng tên thửa đất trên. Ngày 1/12/2012, Hảo đã chuyển nhượng (gán nợ) mảnh đất mua chung với ông Tuyền, bà Nga đã được sang tên bà Trần Thị Hồng Hạnh cho ông Nguyễn Mạnh Hùng (bà Nguyễn Thị Dung là em gái ông Hùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp ông Hùng. Trên thực tế Hảo đã chiếm đoạt của ông Tuyền số tiền 405 triệu đồng, bà Nga 1,487 tỷ đồng. 

Với các hành vi lừa bán đất cho 5 người tại Từ Sơn (Bắc Ninh) và lừa bán thửa đất mua chung của 3 người  tại Hoài Đức (Hà Nội), Dương Văn  Hảo bị VKS Quân sự Thủ đô truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của 7 người bị hại số tiền tổng cộng trên 8,3 tỷ đồng. 

Đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Nga giúp Hảo giới thiệu cho một số người mua đất dự án, giúp Hảo thu tiền của các bị hại, CQĐT đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra, làm rõ vai trò của bà Nga nhưng các chứng cứ khách quan xác định: bản thân bà Nga cũng là người bị hại trong vụ án, bà Nga không cố ý thực hiện hành vi, không được hưởng lợi nên không có cơ sở xác định bà Nga là đồng phạm với Dương Văn Hảo.

Có dấu hiệu bỏ lọt hành vi, bỏ sót đồng phạm

Vụ án này đã trải qua một vòng tố tụng, Dương Văn Hảo từng bị tuyên án 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng bản án sơ thẩm bị hủy để xét xử lại từ đầu. Tại phiên tòa sơ thẩm (vòng tố tụng thứ 2) được mở vào ngày 24/8/2017, bị cáo Dương Văn Hảo ngoan cố không nhận tội, cho rằng mình bị truy tố oan. Bị cáo cho rằng mình không mạo danh Trần Thị Thanh Phúc lừa đảo khi ký tên người này mà cho rằng đó là cái tên gọi khác của bị cáo, bị cáo sử dụng cả hai tên này là do ảnh hưởng từ ngành nghề bị cáo được đào tạo. Bị cáo còn cho rằng bản án trước đã bị hủy thì các chứng cứ cũng bị hủy, chỉ có giá trị tham khảo; đồng thời phản cung, thay đổi các lời khai. Bị cáo cũng đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo được tại ngoại. Tuy nhiên, các chứng cứ khách quan cho thấy đủ căn cứ kết tội Hảo có hành vi lừa đảo đối với các bị hại. 

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Nga đã khai Hảo có dấu hiệu lừa đảo trong khoản vay 12,825 tỷ đồng của Cty CP Bắc Mỹ do bà Nga là người đại diện theo pháp luật bằng Hợp đồng vay tiền số 01/HĐ/11 ngày 1/3/2011. Theo đó, bị cáo Hảo có thừa nhận có vay trên và cam kết trả. Tuy nhiên, sau đó bị cáo đã làm giả giấy tờ tài liệu để thoái thác trách nhiệm trả nợ, nên có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 12,82 tỷ nói trên. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, VKS đã xác định không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Dương Văn Hảo về khoản vay này nên nội dung này không thuộc phạm vi xét xử của Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội. 

Tại phần tranh luận vụ án, luật sư Nguyễn Thị Gấm - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại Nguyễn Thị Nga đưa ra quan điểm: Đồng ý với cáo trạng truy tố bị cáo lừa đảo 5 người trong hành vi lừa đảo bán đất tại Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng không đồng ý với quan điểm cho rằng bị cáo lừa đảo đối với hành vi mua chung lô đất ở Hoài Đức. Luật sư Nguyễn Thị Gấm cho rằng hành vi này có dấu hiệu phạm tội khác; đồng thời đề nghị làm rõ vai trò đồng phạm của bà Trần Thị Hồng Hạnh.

Sau một ngày xét xử, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tuyên phạt Dương Văn Hảo mức án 9 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (giảm nhẹ hơn 6 tháng tù so với bản án sơ thẩm ở vòng tố tụng thứ nhất). 

Được biết, sau bản án sơ thẩm trên, ngày 6/9/2017, người bị hại Nguyễn Thị Nga đã làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với Dương Văn Hảo về khoản vay 12,825 tỷ đồng bằng Hợp đồng vay tiền số 01/HĐ/11 ngày 1/3/2011 của Cty CP Bắc Mỹ do bà Nga là làm Giám đốc vì cho rằng có dấu hiệu Hảo lừa đảo khi vay số tiền này. Sau đó Hảo có nộp cho CQĐT 1 Bản cam kết thỏa thuận đề ngày 1/3/2011 có nội dung Hảo ký Hợp đồng số 01 ngày 1/3/2011 và các giấy tờ liên quan đến hợp đồng chỉ có giá trị giúp bà Nga hợp thức sổ sách, giấy tờ với Cty Bắc Mỹ và cho rằng Hảo không có trách nhiệm phải trả số tiền này. Tại phiên tòa cũng như trong đơn kháng cáo, bà Nga đã tố cáo Bản cam kết thỏa thuận mà Hảo đưa ra thực chất là giấy tờ giả và đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người làm giả Bản cam kết trên nhằm mục đích để Hảo chiếm đoạt số tiền 12,825 tỷ đồng trên của bà Nga.  

Trong đơn kháng cáo, người bị hại Dương Văn Tuyển đề nghị xử lý đối với hành vi chiếm đoạt lô đất mua chung giữa 3 người (bà Nga, ông Tuyển và Hảo) ở Hoài Đức (Hà Nội) của vợ chồng Dương Văn Hảo và Trần Thị Hồng Hạnh đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, việc gộp chung hành vi này của Dương Văn Hảo với hành vi lừa đảo 5 người trong dự án bán đất là không hợp lý, bỏ lọt vai trò đồng phạm của Trần Thị Hồng Hạnh. Những người bị hại hy vọng phiên tòa phúc thẩm tới đây của Tòa án Quân sự Trung ương sẽ xét lại vụ án một cách thấu đáo, khách quan, bảo đảm quyền lợi cho các bị hại.   

Đọc thêm