Vạch trần mánh khóe rút ruột quỹ ốm đau - thai sản

(PLVN) - Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam – cho biết, việc trục lợi quỹ BHXH cũng đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó trục lợi quỹ ốm đau - thai sản xảy ra ở nhiều nơi, nhiều hình thức với các hành vi có tổ chức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trục lợi có tổ chức

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có chế độ ốm đau, thai sản ưu việt nhất châu Á, bởi thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 6 tháng, trong khi đó mức bình quân của thế giới chỉ được 3,5 tháng. Bên cạnh đó, chúng ta còn có chế độ thai sản cho lao động nam có vợ sinh con, chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và lao động nữ nhờ mang thai hộ, chế độ ốm đau cho người lao động (NLĐ) có con dưới 7 tuổi bị ốm.

Chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản sẽ giúp bù đắp tiền lương cho NLĐ khi họ phải nghỉ việc. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lạm dụng, trục lợi chế độ này.

Theo ghi nhận của PV, ở Quảng Nam, trục lợi quỹ ốm đau chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực điều trị ngoại trú. Còn trục lợi quỹ thai sản xảy ra chủ yếu ở việc lựa chọn ngược đối tượng hưởng, chỉ đóng đủ thời gian đóng BHXH hưởng chế độ thai sản, nâng mức đóng để hưởng chế độ thai sản...

Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam – cho biết: Qua kiểm tra, BHXH tỉnh Quảng Nam đã phát hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu trục lợi bằng các hình thức tổ chức khác nhau. 

Cụ thể, trường hợp thứ nhất, chỉ đóng BHXH khi phát sinh điều kiện hưởng (lao động nữ có bầu mới đóng BHXH). Về trường hợp này, qua kết quả kiểm tra ngẫu nhiên, BHXH tỉnh Quảng Nam đã phát hiện Công ty TNHH Mai Phương sử dụng 02 lao động hưởng lương từ  tháng 9/2016 là bà Phạm Thị Thanh Thảo và Phạm Thị Hồng nhưng đến tháng 1/2017 mới đóng để hưởng chế độ thai sản; Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương sử dụng lao động hưởng lương từ  tháng 6/2017 là bà Lê Thị Nga nhưng đến tháng 12/2017 mới đóng để hưởng chế độ thai sản.

Một trường hợp khác là Cty TNHH MTV Giang Phú Thành cũng sử dụng 03 lao động hưởng lương từ tháng 7/2018 là bà Nguyễn Thị Hà, Hồ Thị Thùy Như, Nguyễn Thị Hạt nhưng đến tháng 9/2018 mới đóng để hưởng chế độ thai sản.

Thứ hai, các đơn vị kê khống NLĐ không thuộc đối tượng đóng BHXH và đóng đủ thời gian 6 tháng hưởng chế độ thai sản. Như trường hợp xảy ra tại Công ty TNHH MTV Truyền thông và Quảng bá thương hiệu Việt, đơn vị này đóng BHXH đủ 6 tháng cho Nguyễn Thị Thu Trang và Nguyễn Thị Luận để hưởng chế độ thai sản nhưng không có trả lương tại đơn vị. Còn Cty CP Thắng Lợi báo tăng cho bà Nguyễn Thị Ngân Hoa từ tháng 9/2018 cho đủ 6 tháng nhưng kiểm tra thì bà Ngân Hoa mới hưởng lương từ tháng 10/2018.

Hình thức trục lợi thứ ba là chỉ đăng ký đóng BHXH cho đối tượng có chế độ thai sản (không đóng cho người khác). Điển hình là tại Công ty CP Thực phẩm Quảng Nam cùng thời điểm tháng 7/2016 có ông Trần Văn Thuận và bà Lương Thị Nguyệt Quỳnh thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc nhưng chỉ đóng BHXH cho bà Nguyệt đủ 6 tháng để hưởng thai sản, sau khi hưởng hết chế độ nghỉ dưỡng sức, bà Nguyệt nghỉ việc đến tháng 9/2018 đi làm lại và tiếp tục đề nghị nghỉ chế độ thai sản lần 2.

Hay tại Công ty TNHH XD và TVTK Tàu thủy Silicat cùng thời điểm tháng 12/2017 ký hợp đồng với ông Phan Quang Diệp và bà Phan Thị Xuân Lệ nhưng chỉ đóng cho bà Lệ để hưởng chế độ thai sản và đang đề nghị giải quyết chế độ cho bà. 

Trường hợp trục lợi khác là nâng lương bất thường ở 6 tháng cuối trước khi nghỉ chế độ thai sản. Cụ thể, Cty TNHH Hải Yến có Huỳnh Thị Kim Liên tháng 12/2017 vẫn hưởng lương 3,552 triệu nhưng lại báo tăng nâng lương lên 5 triệu đồng, Cty TNHH MTV Kim tự tháp tăng cùng mức từ 3,777.1 triệu đồng lên 6 triệu đồng cho Kế toán trưởng, kế toán viên và thủ quỹ để hưởng chế độ thai sản trong khi đóng BHXH cho giám đốc 3,777.1 triệu đồng.  Còn ở Công ty CP Tư vấn Kỹ Thuật Công Nghệ đóng cho Kế toán trưởng cao hơn Phó Giám đốc để hưởng thai sản, Công ty TNHH XD và DV Tân Chiêm Sơn, đóng cho NLĐ bằng mức lương tối thiểu vùng nhưng đóng cho Kế toán trưởng 10.000.000đ để hưởng chế độ thai sản và hết thai sản đóng lại mức lương tối thiểu vùng.  

Bên cạnh đó, còn có cả trường hợp NLĐ đi làm hưởng lương nhưng đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Do đó, sau khi kiểm tra, năm 2018 BHXH tỉnh Quảng Nam đã từ chối thanh toán và thu hồi tại 14 đơn vị sử dụng lao động bị kiểm tra với số tiền hơn 138,867 tỉ đồng.

Đẩy mạnh xử lý hình sự 

Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quy định đã tăng thêm nhiều quyền lợi về chế độ ốm đau, thai sản (như tăng ngày nghỉ ốm), đồng thời, cắt giảm nhiều thủ tục (đầu vào) tạo thuận lợi cho NLĐ, người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, việc này lại đang gây khó cho cơ quan quản lý, kiểm soát đầu vào, nhất là khi đơn vị sử dụng lao động thiếu phối hợp trong quản lý chấm công, trong khi đó, chưa có chế tài xử lý gian lận BHXH. 

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Danh cho biết, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường rà soát hồ sơ, đối chiếu dữ liệu khám chữa bệnh (KCB) trước khi giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra và phối hợp Sở Y tế đề nghị chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại các cơ sở KCB.

Bên cạnh đó, BHXH sẽ có văn bản gửi cho đơn vị sử dụng lao động đề nghị phối hợp quản lý chi trả chế độ ốm đau, thai sản và chỉ đạo BHXH huyện, phòng chuyên môn tăng cường công tác quản lý chi trả chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

“Thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền nội dung Nghị quyết 05/20198NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội Gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội Gian lận BHYT và Điều 216 về tội Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự. Hi vọng đây sẽ là chế tài nhằm hạn chế và xử lý tình trạng trên” – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh. 

Đọc thêm