Vì sao lão nông chăn vịt đòi ôm mìn “cùng sống chết” với ngân hàng?

(PLO) -Mới 64 tuổi, nhưng ông Tiện già khọm rọm, mặt mày nhăn nheo, đôi mắt sâu hoắm bởi những đêm mất ngủ triền miên. Là người nông dân chân chất, quanh năm suốt tháng chỉ biết theo đuôi đàn vịt trên những cánh đồng làng, ông chẳng ngờ có ngày tự tay mình đẩy gia đình đến bờ vực mất cửa mất nhà.
Vợ chồng ông Tiện rầu rĩ với khoản nợ “trên trời rơi xuống”
Vợ chồng ông Tiện rầu rĩ với khoản nợ “trên trời rơi xuống”

Ông Đặng Tiện (SN 1953, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mượn của bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (ngụ phường Phú Hậu, TP Huế) 100 triệu đồng. Ông Tiện cầm sổ đỏ cùng bà Oanh lên ngân hàng thế chấp vay 100 triệu đồng để trả cho bà Oanh. Bà Oanh làm thủ tục, nhận tiền, ông Tiện chỉ việc ký. Do không đọc kỹ hợp đồng, nên ông Tiện không hề hay biết bà Oanh đã vay 400 triệu chứ không phải 100 triệu như ông vẫn nghĩ.

“Bút sa gà chết”

Năm 2010, vợ chồng ông Tiện vì thiếu tiền chăn nuôi vịt, nên đã bán cho bà Oanh một đám đất. Cũng từ đó, vợ chồng ông Tiện và bà Oanh mới bắt đầu mối quan hệ quen biết. Năm đó, sau khi bán đất vẫn còn thiếu 100 triệu, nên bà Oanh đã cho vợ chồng ông Tiện mượn. Ông Tiện hứa sẽ thế chấp thửa đất đang sinh sống để vay ngân hàng trả lại tiền cho bà Oanh.

Theo đơn tố cáo của ông Tiện, do quá tin tưởng bà Oanh, nên cả hai vợ chồng ông đồng ý đưa sổ đỏ để bà Oanh đến Ngân hàng thương mại cổ phần XNK Việt Nam chi nhánh Huế làm thủ tục thế chấp vay 100 triệu đồng, trả lại cho bà Oanh. Quá trình làm thủ tục, bà Oanh đều thay mặt ông Tiện đứng ra giao dịch.

Người nhận tiền cũng là bà Oanh. Ông Tiện chỉ ký vào các hợp đồng vay. Do tin tưởng bà Oanh, nên khi đặt bút ký, ông Tiện lại không đọc kỹ hợp đồng. Do vậy ông không hề hay biết số tiền vay 100 triệu đồng đã bị bà Oanh “biến” thành 400 triệu.

Cứ đinh ninh mình chỉ vay ngân hàng 100 triệu đồng, nên hàng tháng vợ chồng ông đưa tiền gốc và tiền lãi (của 100 triệu đồng) cho bà Oanh, để bà này trả cho ngân hàng. Do bà Oanh không thực hiện trả nợ, nên ngân hàng đưa giấy báo về cho gia đình ông Tiện. Lúc này, đôi vợ chồng già mới tá hỏa, khi biết bị bà Oanh lừa, vay thêm và chiếm đoạt 300 triệu đồng.

Mới 64 tuổi, nhưng ông Tiện già khọm rọm, mặt mày nhăn nheo, đôi mắt sâu hoắm bởi những đêm mất ngủ triền miên. Là người nông dân chân chất, quanh năm suốt tháng chỉ biết theo đuôi đàn vịt trên những cánh đồng làng, ông chẳng ngờ có ngày tự tay mình đẩy gia đình đến bờ vực mất cửa mất nhà.

Ông Tiện cho rằng, phải chăng ngân hàng có sự thông đồng với bà Oanh? Bởi bà Oanh là người trực tiếp lập hợp đồng với cán bộ ngân hàng. Vợ chồng ông là người đặt bút ký vay, nhưng cán bộ ngân hàng không hề giải thích cho ông các điều khoản vay.

“Tui là nông dân, hiếm khi đến mấy cơ quan như thế. Một xấp hợp đồng dày cộm, họ chỉ tui ký chỗ mô thì tui ký chỗ đó, chứ mô đọc hết được. Cũng không biết trang mô quan trọng, đoạn nào quan trọng để đọc. Nếu cán bộ ngân hàng chỉ cần nhắc nhở tôi đã vay bao nhiêu tiền, mỗi tháng trả lãi trả gốc bao nhiêu, thời hạn vay bao nhiêu tháng, thì tui mô có bị bà Oanh lừa gạt, chiếm đoạt hết 300 triệu đồng”, ông Tiện bày tỏ.

Khoản nợ “trên trời rơi xuống”

Sau khi vụ việc vỡ lỡ, ngân hàng đã tổ chức một buổi làm việc gồm ba bên: ông Tiện, bà Oanh và phía ngân hàng vào ngày 10/11/2012. Tại đây, bà Oanh đã nhận trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng khoảng tiền gốc 300 triệu đồng (và lãi).

Do bà Oanh vẫn không trả nợ như đã cam kết, ngân hàng khởi kiện vợ chồng ông Tiện ra TAND huyện Phú Vang. TAND huyện đã tổ chức hòa giải thành và lập biên bản hòa giải thành ngày 24/1/2013 với nội dung vợ chồng ông Tiện trả cho ngân hàng số tiền 92 triệu đồng tiền gốc (và trả lãi theo quy định). Bà Oanh trả cho ngân hàng số tiền gần 276 triệu đồng tiền gốc (và lãi theo quy định). Thế nhưng, trong thời hạn luật định, ngân hàng thay đổi ý kiến, không đồng ý với thỏa thuận tại văn bản trên.

Tại buổi hòa giải ngày 24/4/2013 do TAND huyện tổ chức, ngân hàng cùng vợ chồng ông Tiện đã thỏa thuận không đưa bà Oanh tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nữa, đồng thời các bên đương sự đạt được thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Theo đó, ngày 2/5/2013, TAND huyện Phú Vang ra quyết định số 03, công nhận: Vợ chồng ông Tiện phải trả số tiền gốc còn lại gần 368 triệu đồng cho ngân hàng (và lãi theo quy định).

Không có tiền để trả ngân hàng, trong khi lại không đòi được tiền từ bà Oanh, vợ chồng ông Tiện đành khởi kiện bà Oanh ra TAND TP Huế. Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Huế ra quyết định số 20 ngày 17/3/2015 công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Bà Oanh có trách nhiệm thanh toán cho vợ chồng ông Tiện tổng số tiền 420 triệu đồng. Trong đó nợ gốc là 300 triệu đồng, nợ lãi là 120 triệu đồng. Thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 9/5/2015.

Quá thời hạn trả nợ theo quy định của tòa án thành phố, nhưng bà Oanh vẫn không trả tiền, ông Tiện đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục thi hành án dân sự TP Huế, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bế tắc

Vợ chồng ông Tiện rầu rĩ khi phải è lưng ra trả nợ ngân hàng, trong khi số tiền bà Oanh nợ mình thì lặn mất tăm. “100 triệu kia tôi vay tôi trả. Nhưng 300 triệu kia, vì bị lừa nên giờ mới ôm nợ, ức lắm. Chẳng thà mình vay mình phải trả, đằng này chẳng xài đồng nào vẫn phải è lưng ra trả, sao chịu nổi. Tui già ri, kiếm mô ra tiền để trả, nên ngân hàng rục rịch đòi về lấy nhà”, ông Tiện chán nãn.

Cũng vì ức, nên có lần, ông Tiện lên ngân hàng, đòi ôm mìn “cùng sống chết” với ngân hàng. Vợ ông Tiện thì ứa nước mắt, bảo cả đời lam lũ, cực khổ, mới dựng được ngôi nhà che mưa che nắng, không ngờ đến cuối đời, lại có nguy cơ mất cửa mất nhà, không chốn dung thân. 

Theo thông tin từ Chi cục thi hành án, do bà Oanh có rất nhiều khoản nợ, nên tài sản của bà này đã bị phát mãi trước đó. Hiện chấp hành viên đang trong quá trình xác minh bà Oanh còn tài sản nào khác thì mới cưỡng chế thi hành được. 

Theo Ls. Ths Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc công ty luật Ngọc Hạnh & Cộng sự: Ký thế chấp phải qua hai bước. Đầu tiên phải ký hợp đồng thế chấp tại phòng công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.Sau đó ký hợp đồng tín dụng và giải ngân tại ngân hàng. Bất kỳ bước nào cũng cần chữ ký của đương sự. Hợp đồng thế chấp còn ghi rõ hạn mức, thời hạn thế chấp ngay trong hợp đồng. Như vậy, nếu xác định trách nhiệm đầu tiên là đương sự quá chủ quan.

Các đương sự cho rằng cán bộ ngân hàng không giải thích rõ nên họ bị lừa và cho rằng sự việc nêu trên có sự tiếp tay của ngân hàng. Nhưng nếu quy trình được đảm bảo và đương sự làm đúng thì không thể lừa được vì họ phải đọc tất cả các văn bản trước khi ký. Thậm chí phải có chữ ký của họ mới giải ngân được. Sau khi ký thì phải có 1 bộ hồ sơ tín dụng với đầy đủ thông tin giao cho họ. Nếu cho rằng tại chỗ không đọc kịp thì về nhà vẫn đọc được để phát hiện những thông tin sai trái.

Luật sư Hạnh cảnh báo, từ rủi ro pháp lý như trường hợp của ông Tiện, mọi người cần phải đề cao cảnh giác và thực hiện hết những quy định của pháp luật như: trực tiếp làm việc với những quan hệ liên quan đến quyền sở hữu của mình. Không nên thông qua người khác. Đọc kỹ các văn bản trước khi đặt bút ký bất kỳ giấy tờ gì. Khi ký giải ngân hay ký trả tiền cần kiểm tra số tiền đó chuyển cho ai, bao nhiêu, như thế nào.

Nếu ký bảo lãnh cho người khác vay, phải hiểu rõ hậu quả pháp lý xảy ra khi người vay không trả được nợ. Khi làm việc với cán bộ ngân hàng, nếu không đọc hết các văn bản, phải đọc những thông tin tối thiểu như: thời hạn vay, số tiền vay, lãi suất, các chế tài vi phạm. Nếu có vấn đề gì còn nghi ngại, cần phải hỏi rõ trước khi ký. Khi ký xong phải yêu cầu một bộ hồ sơ gốc để lưu trữ và đối chiếu khi cần thiết.

Về vấn đề ông Tiện tố cáo bị bà Oanh lừa đảo. Theo luật sư Hạnh, Nếu có đủ căn cứ cho rằng bị bà Oanh lừa dối, vợ chồng ông Tiện có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo. 

Ông Tiện cho rằng, phải chăng ngân hàng có sự thông đồng với bà Oanh? Bởi bà Oanh là người trực tiếp lập hợp đồng với cán bộ ngân hàng. Vợ chồng ông là người đặt bút ký vay, nhưng cán bộ ngân hàng không hề giải thích cho ông các điều khoản vay.
“Tui là nông dân, hiếm khi đến mấy cơ quan như thế. Một xấp hợp đồng dày cộm, họ chỉ tui ký chỗ mô thì tui ký chỗ đó, chứ mô đọc hết được. Cũng không biết trang mô quan trọng, đoạn nào quan trọng để đọc. Nếu cán bộ ngân hàng chỉ cần nhắc nhở tôi đã vay bao nhiêu tiền, mỗi tháng trả lãi trả gốc bao nhiêu, thời hạn vay bao nhiêu tháng, thì tui mô có bị bà Oanh lừa gạt, chiếm đoạt hết 300 triệu đồng”, ông Tiện bày tỏ.

Đọc thêm