Viết tiếp vụ: “Vòng xoáy tranh chấp, gây họa người vô can”: Vì sao TAND Cấp cao tại TP HCM không tuân thủ quy định pháp luật?

(PLO) - Vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV có Công văn số 1043/UBTP14 ngày 04/1/2018 đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, đúng pháp luật  đối với việc TAND Cấp cao tại TP HCM “ngâm” Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao  hơn 18 tháng không mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, khiến đương sự là ông Vòng Mành Chi (ngụ quận 11, TP HCM) liên tục có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng và  kêu cứu tới cơ quan báo chí.
Nhiều công văn của Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao… đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định pháp luật về mở phiên xét xử giám đốc thẩm
Nhiều công văn của Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao… đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định pháp luật về mở phiên xét xử giám đốc thẩm

Đây là lần thứ hai, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) có công văn đề nghị. Hơn một năm trước, ngày 29/12/2016 UBTP của Quốc hội đã có Công văn số 365/UBTP14 gửi Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP HCM đề nghị giải quyết  vụ việc và thông báo kết quả đến UBTP.  Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội cho biết: UBTP vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Với trách nhiệm được pháp luật quy định: UBTP của Quốc hội giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp; giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. 

Việc TAND Cấp cao tại TP HCM “phớt lờ” đề nghị của UBTP của Quốc hội là coi thường việc thực hiện giám sát của Quốc hội. Đây là hành vi không thể chấp nhận, gây bức xúc trong dư luận.

Ở vụ án mà Báo PLVN đã phản ánh trên bài viết “Vòng xoáy tranh chấp, gây họa người vô can”, Chánh án TAND Tối cao đã có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 74/2016/KN-DS ngày 15/6/2016. Theo quyết định kháng nghị và quy định tại Điều 293 của Bộ luật Tố tụng Dân sự: Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP HCM phải mở phiên xét xử giám đốc thẩm. Tuy nhiên, bất chấp thời hạn mà pháp luật quy định, TAND Cấp cao tại TP HCM vẫn không mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngoài các văn bản đề nghị của UBTP, Văn phòng Chính phủ thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với TAND Tối cao và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 4202/VPCP-V.I ngày 25/4/2017 đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Tiếp đó, ngày 26/5/2017  ông Trần Mạnh Hùng -  Phó Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân Tối cao  ký Văn bản số 155/TANDTC-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao chuyển đơn của ông Vòng Mành Chi đến TAND Cấp cao tại TP HCM giải quyết theo quy định pháp luật. 

Quy định pháp luật về thời hạn mở phiên xét xử giám đốc thẩm thì ai cũng biết, thế nhưng TAND  Cấp cao tại TP HCM lại không thực hiện.

Quá bức xúc, ông Vòng Mành Chi tiếp tục vác đơn kêu cứu đến Quốc hội. Ngày 02/11/2017 Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Công văn số 674/BDN chuyển đơn ông Chi đến Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét, giải quyết, trả lời cho ông Chi, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Song, mọi đề nghị của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và cả chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao đều không được TAND Cấp cao tại TP HCM nghiêm túc thực hiện. Điều này minh chứng ở việc: Phiên xét xử thủ tục giám đốc thẩm theo Quyết định kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao đến nay đã hơn 18 tháng vẫn chưa được mở, vi phạm nghiêm trong quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Có thể, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra nhiều lý do, nhưng không có một lý do nào cho phép “ngâm” kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao hơn 18 tháng mà không mở phiên xét xử giám đốc thẩm. 

Phải chăng, đây là một sự ngoại lệ của một cơ quan tư pháp cấp cao “cầm cân nảy mực” vốn được nhân dân tin tưởng, Quốc hội tín nhiệm? Người dân sẽ nghĩ gì khi TAND Cấp cao lại làm sai luật thì tư cách gì để “ xét xử” các bản án của cấp dưới?  Đây là câu hỏi đang đợi Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM phải trả lời trước công luận.

Đọc thêm