Vĩnh Phúc: Vì sao người dân muốn giữ lại Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng?

(PLO) - 25 năm thành lập, phát triển với nhiều thành tích trong dạy và học, nhưng mới đây hầu hết phụ huynh, học sinh và các thế hệ thầy cô giáo đã từng giảng dạy ở ngôi trường này không khỏi hoang mang khi biết ngôi trường bị “xóa sổ”?
Trong khi làm việc với lãnh đạo Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng ngày 6/7, nhiều phụ huynh vẫn đến trường bày tỏ quan điểm được giữ lại ngôi trường này
Trong khi làm việc với lãnh đạo Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng ngày 6/7, nhiều phụ huynh vẫn đến trường bày tỏ quan điểm được giữ lại ngôi trường này

Bề dày thành tích

Trong đơn gửi Báo PLVN, đại diện hàng nghìn phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo đã từng giảng dạy tại Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng (Trường HBT), thị xã Phúc Yên, cho biết: Trường thành lập đến nay đã 25 năm; sự ra đời và phát triển của nhà trường thực sự đáp ứng nhu cầu là một môi trường giáo dục toàn diện có chất lượng cao cho con em nhân dân địa phương, phù hợp mô hình trường phổ thông liên cấp và bình đẳng như các trường phổ thông đơn cấp khác trong hệ thống Giáo dục quốc dân…

Là đội ngũ giáo viên đã từng tham gia giảng dạy trực tiếp ở nhà trường nhiều năm, chúng tôi thấy trong suốt quá trình thành lập (1992-2017) đến nay, chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của trường luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh và cả nước. Nhiều năm liên tục nhà trường đứng trong tốp 100 trường trong cả nước được xếp hạng về chất lượng giáo dục toàn diện. 

Học sinh lớp 9 thi đỗ 100% vào lớp 10 các trường THPT trong tỉnh. Nhiều em trúng tuyển vào các trường chất lượng cao như Chuyên Vĩnh Phúc, Chuyên Đại học Sư phạm I Hà Nội, Chuyên Ngữ, Chuyên Khoa học tự nhiên, Chu Văn An...

Học sinh lớp 12 thi vào các trường đại học, cao đẳng đỗ từ 98 -100%, rất nhiều em đỗ vào các trường đại học như: Đại học Bách Khoa, Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính... trong đó có nhiều em đoạt ngôi thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học và nhiều học sinh được tuyển thẳng vào đại học do đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia.

Năm học nào nhà trường cũng có nhiều học sinh đạt giải cấp thị xã, cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế, chất lượng học sinh giỏi chỉ đứng sau Trường Chuyên Vĩnh Phúc.

Song song với các hoạt động giáo dục đức dục, trí dục, các em học sinh còn được thể hiện tài năng, năng khiếu và đạt giải cao qua các cuộc thi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, các sân chơi trí tuệ trên truyền hình như: Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olimpia...

Nhà trường luôn có một đội ngũ thầy cô giáo có năng lực, tâm huyết, tận tụy với nghề và mến trường, yêu trẻ; có tinh thần hợp tác và đoàn kết phấn đấu vươn lên. Nhiều thầy cô giáo đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua các cấp; tập thể cán bộ giáo viên nhà trường luôn dành được niềm tin yêu, mến mộ của học sinh, của các bậc phụ huynh và nhân dân địa phương. 

Từ những thành tích đạt được, nhà trường đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua các cấp từ huyện, thị, tỉnh, bộ, ngành đến Chính phủ, đặc biệt, năm 2004-2005 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Dù đã nghỉ hưu, không còn đứng trên bục giảng nữa song lúc nào chúng tôi cũng quan tâm đến Trường HBT. Việc nhà trường bị chia tách, giải thể, chúng tôi thực sự sốc và đau lòng; như vậy sẽ mất đi một môi trường giáo dục tốt, thực sự hấp dẫn và có sức thuyết phục; mất đi một nhà trường đã góp phần dạy dỗ, đào tạo có chất lượng toàn diện cao nhiều thế hệ học sinh của thị xã Phúc Yên nói riêng, của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và các khu vực lân cận; sự nghiệp “Vì lợi ích trăm năm trồng người” của thị xã Phúc Yên mất đi một địa chỉ đáng tin cậy, xứng đáng tự hào mà nhiều địa phương khác dày công đầu tư xây dựng cũng chưa có được.

Có vội vàng?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN thì việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các trường học thuộc các bậc học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối với lĩnh vực GD&ĐT trong đó có Trường HBT thị xã Phúc Yên là nóng vội, gây hoang mang trong nhân dân, phụ huynh và học sinh trước thềm năm học mới.

Như đã nói ở trên, Trường HBT là ngôi trường liên thông cấp 2 và 3, có chất lượng giảng dạy, học tập và có nhiều thành tích cao nhất, nhì trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của hầu hết phụ huynh học sinh nơi đây và nguyện vọng của họ là được giữ nguyên ngôi trường như hiện nay. Bởi việc lấy ý kiến người dân, cũng như việc trả lời kiến nghị của họ chưa được xem xét một cách thỏa đáng và họ chưa được bàn, chưa chuẩn bị tâm lý… trong khi đó chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối với việc sắp xếp với ngôi trường này còn thiếu lộ trình, gượng ép và như thể cố cho bằng được.

Theo đó, tại Văn bản số 4939/UBND-VX2 ngày 3/7/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho UBND thị xã Phúc Yên xây dựng Đề án thành lập trường THCS trên địa bàn phường Trưng Nhị (trong khi Trường HBT đóng trên địa bàn phường này-PV); xây dựng Đề án tiếp nhận đội ngũ giáo viên và toàn bộ cơ sở vật chất, số học sinh bậc THCS chuyển từ Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng về Phòng GD&ĐT thị xã Phúc Yên quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh…trong khi năm học mới 2017-2018 đang sắp bắt đầu, khiến phụ huynh học sinh và người dân nơi đây hoang mang là điều dễ hiểu.

“Ngày 14/6/2017, Sở có quyết định giao chỉ tiêu phát triển giáo dục công lập năm 2017-2018, trong đó Trường HBT được tuyển sinh 135 học sinh. Chúng tôi rất phấn khởi bởi các cấp lãnh đạo đã quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân thị xã Phúc Yên là giữ nguyên mô hình Trường HBT. Bởi ngôi trường có truyền thống và chất lượng giáo dục tốt trong hệ thống giáo dục quốc gia. 

Nhưng đến ngày 26/6/2017, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc lại ban hành Công văn số 667/SGDĐT-GDTrH về việc tạm dừng tuyển sinh vào lớp 6 THCS đối với Trường HBT. Chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng không thể yên tâm làm ăn và công tác, con em chúng tôi thì rất buồn bã và tâm lí hoang mang vì không được học ở ngôi trường mà các con hằng mơ ước. Mong muốn của chúng tôi là được giữ lại nguyên ngôi trường này. Nếu vì sự nghiệp phát triển chung của giáo dục thì hãy quan tâm và đầu tư vào ngôi trường này…”, nhiều phụ huynh bày tỏ. 

Đọc thêm