Vụ 30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên: Phán quyết sơ thẩm thiếu căn cứ?

(PLO) - Mới đây, TAND TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) đã đưa vụ án “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Lâm Thành Dũng (trú tại số 141 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi,  TP Hưng Yên) và bị đơn là bà Chu Thị Cúc (trú tại số 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên) ra xét xử và quyết định bác đơn khởi kiện của ông Dũng. 
HĐXX sơ thẩm liệu đã công tâm, khách quan?
HĐXX sơ thẩm liệu đã công tâm, khách quan?

Quyết định này của HĐXX khiến nhiều người không tin đó là sự thật và khẳng định còn nhiều tình tiết bất thường của vụ án vẫn chưa được làm rõ.

Bản án thiếu thuyết phục?

Ngày 12/5 vừa qua, TAND TP Hưng Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Dũng (ủy quyền cho ông Lâm Quang Đức, trú tại phường Hiến Nam, TP Hưng Yên) và bị đơn là bà Cúc, do Thẩm phán Đỗ Quang Lịch làm chủ tọa phiên tòa. Trước đó, HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa vào ngày 27/4. 

Mặc dù nhận định trong sổ mục kê và bản đồ đo năm 1963 (diện tích đất đang có tranh chấp, hiện do bà Cúc đang sử dụng - PV) mang tên ông Dũng, nhưng HĐXX vẫn quyết định bác đơn khởi kiện của ông Dũng đòi bà Cúc trả lại 97,3m2 đất tại số 139 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi mà bà Cúc đang sử dụng.

“HĐXX sơ thẩm đã dựa vào lời khai không có căn cứ, suy diễn của bà Cúc cùng những chứng cứ vô lý để bác yêu cầu khởi kiện của tôi. Trong khi những chứng cứ phản ánh đúng sự thật, khách quan lại không được xem xét. Phán quyết của HĐXX là không đúng với bản chất sự việc. Mặc dù xác định nguồn gốc đất đang tranh chấp giữa tôi và bà Cúc là của tôi nhưng HĐXX lại cho rằng đã được Nhà nước lấy để cấp cho bà Cúc từ năm 1964?

Việc Nhà nước thực hiện chính sách đất đai nên không được đòi lại theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và Nghị quyết số 755/2005/QH11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ  Quốc hội là hoàn toàn không có cơ sở, bởi tại Công văn số 1459/UBND-TNMT ngày 08/12/2016 của UBND TP Hưng Yên nêu rõ:

“Hiện nay, UBND thành phố không lưu giữ các tài liệu liên quan đến việc quy hoạch mở rộng đường Điện Biên tại thời điểm năm 1963 -1964; việc thực hiện chế độ chính sách di dời những hộ dân bị lấy đất để mở rộng đường Điện Biên theo như nội dung cung cấp của ông Dương Mạnh Tiến và Trần Văn Ngự không được thể hiện trên văn bản cụ thể nào. Như vậy, nếu cho rằng, Nhà nước thực hiện chính sách đất đai (thu hồi đất, trưng dụng đất) của tôi thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cụ thể là UBND TP Hưng Yên thừa nhận và được thể hiện bằng văn bản”, ông Dũng cho biết.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Luật sư Lê Trung Sơn  (Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng) cho biết: việc HĐXX áp dụng Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho rằng: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/7/1991; Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”. Tuy nhiên, lại không nêu ra được việc lấy đất của gia đình ông Dũng cấp cho gia đình bà Cúc được hiện theo chủ trương, chính sách nào? 

Trong khi Điều 2 Nghị quyết quy định rõ: “Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách như: Cải tạo nhà đất cho thuê; Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh có liên quan trực tiếp đến nhà đất; Quản lý nhà đất của các tổ chức, cá nhân (diện 2/IV) ở các tỉnh, thành phố phía Nam sau ngày giải phóng (30/4/1975); Quản lý nhà đất vắng chủ; Quản lý nhà đất trong từng thời điểm nhất định và nhà đất của các đoàn hội, tôn giáo; Quản lý nhà đất của những người di tản, chuyển vùng hoặc ra nước ngoài”.

“Vậy trong 6 mục chính sách của Nhà nước nêu trên, đất đai của gia đình ông Dũng được quản lý theo chính sách nào? HĐXX không nêu ra được”, Luật sư Sơn cho biết.

Mặt khác, việc HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 755/2005/QH11 để cho rằng nhà đất của ông Dũng bị Nhà nước trưng dụng không thời hạn, do đó UBND cấp tỉnh xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đó. Việc áp dụng này hoàn toàn thiếu căn cứ bởi: tại Điều 3 Nghị quyết này quy định rõ: “Các văn bản quản lý được áp dụng khi giải quyết các trường hợp quy định tại Nghị quyết này bao gồm quyết định, thông báo, công văn, văn bản kê biên, kiểm kê, danh sách kiểm kê và các giấy tờ khác liên quan đến việc quản lý, bố trí sử dụng nhà đất của Ủy ban hành chính, Ủy ban quân quản, UBND cách mạng, UBND, cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế nhà nước, tổ chức xã hội”. 

Như vậy, “nếu HĐXX cho rằng Nhà nước trưng dụng nhà đất của gia đình ông Dũng thì việc trưng dụng đó được thể hiện ở văn bản quản lý nào ở thời kỳ đó trong số các văn bản được Nghị quyết 755/2005/QH11 liệt kê nêu trên”, Luật sư Sơn đặt câu hỏi.

Việc HĐXX cho rằng, ông Dũng thừa nhận diện tích đất đang tranh chấp là của bà Cúc trong các tài liệu giải quyết tranh chấp mốc giới năm 1987 và đặt câu hỏi “tại sao đất của gia đình ông mà ông không yêu cầu bà Cúc trả luôn, chứ việc gì phải giải quyết mốc giới” là hết sức chủ quan, mang tính ước lượng bởi việc tranh chấp mốc giới sử dụng thực tế giữa hai nhà là do bà Cúc khởi kiện chứ không phải ông. Việc khẳng định đất bà Cúc đang quản lý sử dụng là đất của mình, ông Dũng đều thể hiện trên các văn bản, đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền từ trước đến nay. 

Do không đồng tình với phán quyết của cấp sơ thẩm, ông Dũng đã làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét, đánh giá lại toàn bộ vụ án nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Đọc thêm