Vụ án “Cố ý gây thương tích” ở quận Hoàng Mai (Hà Nội): Nhiều vấn đề cần được làm rõ?

(PLO) - Dù trong hồ sơ vụ án còn những điểm chưa làm rõ, nhưng thay vì suy đoán vô tội, các cơ quan điều tra Công an quận và VKSND quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang suy luận người cầm dao là người gây ra vết thương…

Theo Cáo trạng của VKSND quận Hoàng Mai, trên cơ sở kết quả điều tra xác định như sau: Khoảng 9h30’ ngày 19/02/2017, chị Nguyễn Thị Linh mở cửa phòng trọ tại số 33 ngõ 83 Yên Duyên (tổ 03 phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) thì thấy khu vực trước cửa phòng có nhiều rác nên đã lấy chổi ra quét và vừa quét vừa chửi người vứt rác ra ngõ. Khi Linh chửi thì có Ngô Quang Trung (ở số nhà 26 ngõ 83 Yên Duyên) đối diện phòng trọ nhà Linh đi ra và cho rằng rác là do con của Trung ăn mì tôm vứt vỏ ra rồi bay sang phòng trọ nhà Linh chứ không ai vứt rác ra ngõ. Sau đó hai bên xảy ra cãi chửi nhau, dẫn đến xô xát giữa Linh, Nguyễn Minh Hoạt (chồng cũ của Linh) và vợ chồng Trung. Sau đó, mọi người can ngăn và Công an phường Yên Sở đã mời mọi người lên Công an phường làm việc.

Đến khoảng 22h cùng ngày, sau khi làm việc ở Công an phường Yên Sở về, anh Hoạt và chị Linh gặp Ngô Trung Dũng – là anh họ của Trung, giữa hai bên xảy ra cãi nhau. Dũng và Trung đánh Linh, Linh chạy vào nhà lấy dao bằng inox ra chém vào cổ chân trái Dũng gây thương tích.

Trong số tang vật thu giữ có 1 con dao inox dài khoảng 32cm, phần lưỡi dao dài khoảng 18cm, bản rộng 9cm, chuôi màu nâu và 01 con dao inox dài khoảng 31cm, phần lưỡi dao dài khoảng 17cm, bản rộng 5cm, chuôi gỗ màu nâu.

Giám định thương tích cho thấy, anh Dũng bị tổn thương cơ thể 10%, anh Trung – 3%, chị Linh – 2%.

 Cho rằng Nguyễn Thị Linh đã cầm dao chém gây ra vết thương cho anh Dũng, ngày 30/5/2017, Công an quận Hoàng Mai ra Quyết định khởi tố vụ án Hình sự “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự và quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Linh.

Căn cứ bản Kết luận điều tra số 374 ngày 30/9/2017 của Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai và Bản kết luận điều tra bổ sung số 02 ngày 13/1/2018 ngày 01/02/2018, VKSND quận Hoàng Mai có cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Linh về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009, nay là điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (dùng hung khí nguy hiểm).

Tuy nhiên, vụ án này còn có những nội dung mà cơ quan tiến hành tố tụng cần tập trung làm rõ. Đối với lời khai của người làm chứng, không có người làm chứng nào khẳng định nhìn thấy chị Linh cầm dao chém vào chân anh Dũng. Tất cả chỉ khẳng định là Linh có cầm dao đuổi theo Dũng. Ngay kể cả việc có nhìn thấy Linh chém dao xuống hay không và hành động chém xuống của Linh có tác động vào chân Dũng và gây nên vết thương nói trên hay không, thì đây là nội dung còn cần được làm rõ. 

Thêm nữa, trong lời khai miêu tả của những người làm chứng đều thể hiện hai con dao có kích thước ngang nhau, nhưng biên bản thu giữ tang vật của cơ quan điều tra, cũng được thể hiện trong kết luận điều tra, thì kích thước hai con dao là khác nhau, một con 17cm và một con 32cm, trong khi đó, cáo trạng lại nêu một con 31cm và một con 32cm.

Bản kết luận điều tra cũng như cáo trạng cũng chưa làm rõ có vết máu lưu lại trên con dao được xem là hung khí hay không? Và vết máu đó có phải là máu anh Dũng hay không?

Các cơ quan  điều tra và VKS quận căn cứ vào việc chị Linh có cầm dao và anh Dũng có bị thương, và kết quả kết luận giám định có nội dung vết thương của anh Dũng là do vật sắc gây ra (không thể hiện cơ chế hình thành nên vết thương) để đưa ra suy luận là con dao chị Linh cầm là nguyên nhân trực tiếp gây ra vết thương cho anh Dũng là một suy luận thiếu thuyết phục. 

Mặt khác, cơ quan tiến hành tố tụng cũng không xem xét, đánh giá tới điều kiện thời tiết, ánh sáng (thời điểm xảy ra sự việc thì trời đã hơn 22h), ảnh hưởng không ít đến quan sát, tầm nhìn của những người liên quan.

Căn cứ vào quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh tội phạm, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật này thì: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Thế nhưng, nếu không làm rõ những nghi vấn trên, cơ quan  tiến hành tố tụng sẽ không giải tỏa được nghi vấn đã đi ngược lại suy đoán vô tội khi liên kết hành vi cầm dao của chị Linh và vết thương của anh Dũng để kết luận hành vi phạm tội. 

Đọc thêm