Vụ án 'Cố ý gây thương tích' ở Thái Bình: Hủy án sơ thẩm để điều tra lại

(PLO) - Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tuyên bị cáo Lê Tiến Bắc (thôn Linh Thanh, xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) phạm tội "Cố ý gây thương tích", đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên hủy bởi chưa có đủ cơ sở vững chắc để kết luận bị cáo phạm tội và quá trình điều tra chưa đầy đủ.
Sau khi cắt cây bạch đàn khô, giữa ông Bắc và ông Bằng xảy ra xô xát
Sau khi cắt cây bạch đàn khô, giữa ông Bắc và ông Bằng xảy ra xô xát

Mâu thuẫn từ cây bạch đàn khô

Theo hồ sơ, khoảng 12h30 ngày 17/01/2017, ông Giang Văn Bằng (hàng xóm ông Bắc) thuê người cắt cây bạch đàn khô để làm củi đun thì xảy ra tranh chấp với ông Bắc vì cả hai đều nhận cây bạch đàn khô là của mình. Tuy đã ai về nhà nấy nhưng do có lời nói đe dọa, thách thức nhau nên cả hai lại đi ra chỗ cây bạch đàn khô. Khi đó ông Bằng cầm theo 1/2 viên gạch đỏ. Tại hiện trường, giữa ông Bắc và ông Bằng xảy ra tranh cãi rồi đánh nhau. Theo ông Bằng thì ông đã bị ông Bắc dùng gạch đánh vào đầu làm ông bị ngã. Sau đó, ông Bắc tiếp tục đánh, gây thương tích cho ông. 

Ông Bằng được đưa đến điều trị tại Trạm y tế xã Thái Thuần và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đến ngày 23/01/2017. Trạm y tế xã Thái Thuần xác định: vào 13h ngày 17/01/2017, ông Bằng đến Trạm y tế xã với tình trạng: "Vết thương phần mềm sưng nề vùng đầu, rách môi trên dài 1cm, sâu 1cm, xây xát vùng tay phải".

Trong khi đó, ông Bắc cho rằng, khi ông Bằng cầm gạch giơ lên định đánh ông thì ông có giơ tay đỡ khiến viên gạch (do ông Bằng cầm) văng vào miệng ông Bằng. “Đây là hành động tự vệ, tôi không gây thương tích cho ông Bằng mà ông Bằng tự gây thương tích cho mình”- ông Bắc cho biết.

Theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 33/17/TgT ngày 08/5/2017, Trung tâm Pháp y Sở Y tế Thái Bình xác định ông Giang Văn Bằng thương tích 12%. Sau đó, ông Bắc bị khởi tố và truy tố về tội "Cố ý gây thương tích”.

Hủy án sơ thẩm vì chưa đủ cơ sở vững chắc để kết tội

Ngày 30/1/2018, TAND huyện Thái Thụy đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Tiến Bắc 1 năm 3 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích", buộc bồi thường hơn 19 triệu đồng cho phía bị hại.

Không đồng tình, bị cáo và bị hại đều kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngày 1/6/2018, TAND tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm vụ án và nhận định: Trong vụ án, lời khai của những người làm chứng, bị hại, bị cáo có nhiều mâu thuẫn với lời khai của chính họ và có sự mâu thuẫn với nhau, nhưng chưa được đối chất giữa người làm chứng với bị cáo, bị hại là thiếu sót. CQĐT chưa tiến hành thực nghiệm điều tra để làm rõ với khoảng cách 60,2m từ sân nhà ông Đỗ Văn Sơn (người chứng kiến sự việc) đến vị trí xảy ra xô xát, những người làm chứng có thể quan sát rõ mọi diễn biến hành vi của bị cáo và bị hại hay không…

 Do chưa có đủ cơ sở vững chắc để kết luận bị cáo phạm tội như bản án sơ thẩm nên HĐXX phúc thẩm đã tuyên hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2018/HSST ngày 30/1/2018 của TAND huyện Thái Thụy, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.

Theo ông Bắc thì trong vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa được làm rõ như: Khoảng gần nửa năm sau khi xảy ra vụ xô xát, ông Bằng mới đề nghị trưng cầu giám định và được Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Thái Bình tiến hành giám định pháp y là không khách quan. Và, theo quy định tại Mục 5, Phần I quy trình giám định pháp y của Thông tư 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế: "Giám định thường quy yêu cầu phải có hai Giám định viên và hai người giúp việc", tất cả các Giám định viên phải ký và ghi rõ họ tên trong phần giám định viên. Nhưng đối chiếu tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 33/17/TgT thì chỉ có duy nhất một Giám định viên là vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục tiến hành giám định, không thể làm cơ sở để xác định thương tích của ông Bằng và là chứng cứ buộc tội trong vụ án này.

Ngoài ra, Bản kết luận giám định đã dựa trên hồ sơ bệnh án ông Bằng cung cấp mà không tiến hành giám định trực tiếp vết thương của ông Bằng và kết luận: "Ông Bằng bị nhiều thương tích vùng đầu, vùng môi trên bên trái và vùng sau tai phải do vật tày, cứng tác động đã được xử lí: khâu cầm máu, phục hồi vết thương, dùng các loại thuốc giảm đau...Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12%"  là không đảm bảo tính chính xác, khách quan.

Đọc thêm