Vụ án nguyên GĐ Vietinbank Yên Bái: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự

(PLO) - Theo nhận định tại bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013 của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…

Vụ án nguyên giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Yên Bái cùng các nhân viên dưới quyền vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng gây thất thoát hàng chục tỷ đồng gây chấn động tỉnh miền núi nghèo Yên Bái nhưng quá trình điều tra, xét xử ở cấp sơ thẩm đã bị Tòa phúc thẩm – TAND tối cao nhận định “điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được” và hàng loạt sai sót trong thủ tục tố tụng nghiêm trọng cũng đã được chỉ ra. Điều này dẫn tới, Tòa phúc thẩm đã buộc phải tuyên hủy án để điều tra lại từ đầu. 
Theo nhận định tại bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013 của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Cụ thể, chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” để đánh giá tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội tỏng việc xác định tội phạm và quyết định hình phạt không vững chắc.
Bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013 của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội
Bản án phúc thẩm số 735/2013/HSPT ngày 28/11/2013 của Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội 
Theo Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm, mặc dù đã “tách số tiền nợ của Cty TNHH Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác”, nhưng bản án cấp sơ thẩm vẫn xác định, Cty Thẩm Hường vay trái pháp luật là 12.206.000.000 đồng (Mười hai tỷ hai trăm linh sáu triệu đồng). Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Cty Thẩm Hường cùng Ngân hàng phát triển Việt Nam vào tham gia tố tụng và do việc “tách số tiền nợ của Cty TNHH Thẩm Hường để giải quyết bằng một vụ án khác”, nên hậu quả chính xác của vụ án chưa thể xác định được (kết quả tranh chấp về số tiền còn nợ của Cty Thẩm Hưởng với Vietinbank, kết quả giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ bảo lãnh của Ngân hàng phát triển Việt Nam với Vietinbank chưa có, mà đây chính là hậu quả của vụ án hình sự này.
HĐXX cấp phúc thẩm cũng nhận định, có căn cứ để cho rằng vụ án có đồng phạm khác.
Theo đó, ngoài các bị cáo Ngô Văn Hanh (Nguyên giám đốc Vietinbank Yên Bái), Trần Sỹ Trường (nguyên trưởng phòng tín dụng), Hoàng Xuân Phong (nguyên cán bộ phòng tín dụng), chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có một số đồng phạm khác trong hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Mặc dù xác định hậu quả của vụ án thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và bản án sơ thẩm cũng đã xác định rõ hành vi đồng phạm của 10 người khác nữa, trong đó có một số người có vai trò tích cực như: Phó giám đốc chi nhánh Vietinbank Yên Bái – Tạ Bích Thủy, nguyên tổ trưởng tổ Quản lý rủi ro – Trịnh Thị Ngọc Hoa, nguyên Phó trưởng phòng khách hàng – Nguyễn Thành Chung và nguyên Kế toán trưởng trưởng – Nguyễn Thị Minh Thúy, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại đồng tình với việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với số người này của Viện kiểm sát sơ thẩm là không phù hợp với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, không đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật giữa những người có hành vi phạm tội với nhau.
Ngoài ra, theo HĐXX cấp phúc thẩm, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự thì chỉ những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng mới bị coi là tội phạm, nhưng Cáo trạng của VKSND tỉnh Yên Bái truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm xết xử các bị cáo chủ yêu căn cứ vào các quy định của pháp nhân Vietinbank (không phải là quy định của pháp luật) là không đúng với quy định về loại tội phạm này.
Gần một năm đã trôi qua, kể từ ngày 28/11/2013, sau khi HĐXX Tòa phúc thẩm – TAND tối cao tại Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu  Cơ quan điên tra cấp sơ thẩm tổ chức, điều tra lại, giải quyết đúng pháp luật, nhưng cho đến nay theo Cty TNHH Thẩm Hường, các cơ quan chức năng liên quan dường như vẫn “án binh bất động”, vẫn chưa hề thấy bất kỳ hoạt động điều tra, xác minh làm rõ và xét xử đúng pháp luật, khiến tội phạm vẫn đang “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
Với những sai phạm tố tụng đã được chỉ rõ trong bản án của Tòa phúc thẩm, cũng như những tố cáo của các đương sự có liên quan xung quanh vụ án kinh tế “gây chấn động ở tình miền núi nghèo Yên Bái”, nhưng không hiểu sao cho đến lúc này “sự thật khách quan” của vụ án theo yêu cầu của Tòa phúc thẩm vẫn chưa được Cơ quan điều tra cấp sơ thẩm trả lời. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái nhanh chóng vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm vụ án, sớm trả lại tính nghiêm minh và thượng tôn của pháp luật./.
Báo Pháp luật Việt nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này...
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm