Vụ bán đất “giá bèo” tại Điện Biên: Có phải nạn nhân của “tín dụng đen”?

(PLO) - Trong khi nguyên đơn cho rằng, việc họ cho vay tiền và việc mua nhà đất là hai quan hệ độc lập thì bị đơn một mực khẳng định hợp đồng mua bán đất được lập “giả cách” theo yêu cầu của nguyên đơn khi cho vay tiền. Hợp đồng chuyển nhượng đất này liệu có bị xác định là vô hiệu hay không, đang chờ phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên tại phiên tòa phúc thẩm tới đây.
Nhà đất ông Tuyến cho rằng chỉ bán “giả cách”
Nhà đất ông Tuyến cho rằng chỉ bán “giả cách”

Em trả xong nợ, anh có nguy cơ mất nhà

Là bị đơn trong vụ kiện đòi nhà đất tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), ông Nguyễn Quang Tuyến (trú tại phường Láng Thượng, Hà Nội) cho biết, năm 2013 vợ chồng em ông là Nguyễn Viết Cường và Phạm Thị Nga (trú tại tố 21 phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ) có nhu cầu vay tiền của ông Bùi Văn Bột (làm nghề cầm đồ tại tổ 21 phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).

Theo điều kiện của ông Bột, bên vay nợ phải viết giấy bán nhà đất như một hình thức bảo đảm cho khoản vay. Tuy nhiên, thời điểm đó ông Cường, bà Nga không có nhà đất nên phải mượn thửa đất 99m2 mang tên hộ ông Tuyến tại tổ 23, phường Mường Thanh để “thế chấp”.

Để đáp ứng yêu cầu của ông Bột và của em mình, ông Tuyến cùng vợ là Nguyễn Kim Oanh đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng  đất (QSDĐ) cho ông Bột (giá 600 triệu đồng) vào ngày 31/7/2013. Hợp đồng được công chứng tại Văn phòng công chứng (VPCC) Xuân Phúc (TP Điện Biên Phủ). Sau đó, vợ chồng ông Cường mới được ông Bột cho vay 500 triệu đồng.

Theo trình bày của ông Tuyến cũng như ông Cường, bà Nga thì thời điểm đó, các bên đều thống nhất là khi ông Bột nhận đủ tiền gốc và lãi sẽ trả lại giấy tờ đất cho ông Tuyến để hủy bỏ việc bán đất “giả cách” này. Tuy nhiên, sau khi đã khởi kiện vợ chồng ông Cường ra tòa để đòi tiền vay, được Tòa công nhận “hòa giải thành” và được cơ quan thi hành án thu hồi xong khoản nợ, ông Bột không thực hiện thỏa thuận trên mà đã tự ý làm thủ tục sang tên thửa đất tại tổ 23 phường Mường Thanh và khởi kiện vợ chồng ông Tuyến để đòi nhà đất theo nội dung hợp đồng “giả cách”.

Bức xúc trước việc bị kiện trên và có nguy cơ mất trắng nhà đất trị giá cả tỷ đồng, ông Tuyến đã có đơn tố cáo đến cơ quan công an cho rằng mình bị “dính” vào một thủ đoạn lừa đảo tinh vi. Đồng thời, trong quá trình TAND TP Điện Biên Phủ thụ lý và xét xử sơ thẩm vụ án, ông Tuyến và các em (được Tòa xác định là người làm chứng) đều khẳng định hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho ông Bột là “giả cách”, không có hiệu lực và cần phải hủy bỏ.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn bác bỏ lời khai của bị đơn, của nhân chứng và cho rằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 31/7/2013 đã tuân thủ các điều kiện về “nội dung hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” và “hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở” nên đã tuyên buộc phía bị đơn giao cả nhà lẫn đất cho ông Bột.

Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có vấn đề

Được biết, ngoài việc kháng cáo bản án trên thì mới đây, ông Tuyến đã gửi đơn khởi kiện đề nghị TAND TP Điện Biên Phủ tuyên bố văn bản công chứng của VPCC Xuân Phúc tại hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 31/7/2013 là vô hiệu do có vi phạm pháp luật.

Theo ông Tuyến, vi phạm trước hết thể hiện ở việc công chứng viên (CCV) đã “lồng” tài sản là ngôi nhà 2,5 tầng trên đất vào hợp đồng mặc dù biết rõ không có bất cứ giấy tờ, tài liệu nào thể hiện đó là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bên bán (bên bán mới chỉ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, không có chứng nhận về quyền sở hữu nhà).

Đồng tình với quan điểm trên, một số luật sư cho hay, pháp luật đã quy định rõ, trong trường hợp hợp đồng liên quan đến tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì người yêu cầu công chứng phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó. Như vậy, nếu bên bán không có giấy tờ chứng minh ngôi nhà thuộc sở hữu của mình thì CCV không thể chứng nhận việc chuyển nhượng ngôi nhà đó, nếu chứng nhận thì nội dung chứng nhận này cũng vô hiệu.

Việc Tòa án coi hợp đồng ngày 31/7/2013 “tuân thủ hình thức của hợp đồng mua bán nhà ở” (theo quy định của Điều 450 Bộ luật Dân sự) là không đúng quy định trên và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người có sở hữu chung căn nhà này (như con cái hoặc bố mẹ ông Tuyến…). 

Một yếu tố nữa cũng có thể dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng là việc Giấy chứng nhận QSDĐ của bên bán bị thay đổi tên người SDĐ một cách bất thường và có dấu hiệu vi phạm: Ngày 31/7/2013 (đúng ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng đất) thì Văn phòng đăng ký QSDĐ TP Điện Biên Phủ đã tiến hành “đính chính” Giấy chứng nhận QSDĐ từ “hộ gia đình” thành tên của cá nhân vợ chồng ông Tuyến, thay đổi năm sinh và số chứng minh nhân dân của vợ chồng ông Tuyến. Trong khi đó, vợ chồng ông Tuyến khẳng định không hề có đơn đề nghị việc đính chính như trên. 

Hơn nữa, theo quy định thì việc đính chính chỉ được thực hiện khi nội dung trên Giấy chứng nhận QSDĐ sai lệch so với giấy tờ tại thời  điểm cấp. Thế nhưng Văn phòng đăng ký QSDĐ TP Điện Biên Phủ lại lấy cả chứng minh nhân dân của vợ chồng ông Tuyến được cấp năm 2010 và 2011 để đính chính “ngược” cho Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp năm 2008.

Cho rằng đã bị tước bỏ quyền sử dụng chung đối với thửa đất, hai người con của ông Tuyến đã có đơn đề nghị Văn phòng đăng ký QSDĐ hủy bỏ việc đính chính này. Ngoài ra, ông Tuyến cũng có đơn đến cơ quan này đề nghị làm rõ việc tại sao vợ chồng ông không đến cơ quan chức năng làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận QSDĐ, không đến cơ quan thuế nộp thuế thu nhập cá nhân và cũng không ủy quyền cho ai làm những việc này nhưng UBND TP Điện Biên Phủ vẫn sang tên thửa đất cho ông Bột?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả phiên tòa cũng như nội dung trả lời của cơ quan chức năng về đơn khiếu nại của bố con ông Tuyến. 

Đọc thêm