Vụ chia tài sản sau ly hôn bị “ngâm” 3 năm: Tòa kéo dài vụ án đã giúp bị đơn có khoản thu nhập “khủng”?

(PLO) - Vụ án “chia tài sản sau ly hôn” giữa ông Hà Huy Niên (nguyên đơn, SN 1947, trú tại 83 Cầu Giấy, Hà Nội) và bà Trần Thị Sen (bị đơn, SN 1951, trú tại số 6 Phạm Văn Đồng, Hà Nội) đã bị TAND quận Cầu Giấy (Hà Nội) “ngâm” 3 năm nay. Bức xúc trước sự việc này, ông Niên cho rằng, trong khi ông bị đẩy vào cảnh khốn cùng thì việc Tòa “ngâm” án như trên đã giúp bị đơn có khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Như PLVN đã thông tin, ngày 5/1/2015, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã thụ lý vụ án chia tài sản sau ly hôn theo đơn khởi kiện của ông  Niên. Nhưng đến nay (tức là sau hơn 3 năm kể từ khi thụ lý vụ án), TAND quận Cầu Giấy vẫn chưa có quyết định mở phiên tòa sơ thẩm.

Phản ánh đến báo PLVN, ông Niên cho rằng, việc TAND quận Cầu Giấy kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử như trên là việc làm bất bình thường không chỉ vi phạm tố tụng mà còn  tạo điều kiện cho bị đơn chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp tài sản chung của vợ chồng. Trong khi đó, ở tuổi 70, ông Niên đang bị bệnh tật, phải đi thuê nhà để ở và chờ ngày được Tòa mở phiên tòa trong sự vô vọng và bức xúc.

Lý giải rõ hơn, ông Niên cho biết, hai khối tài sản chung ông đề nghị Tòa phân chia trong vụ án này là nhà, đất diện tích 830m2 tại 83-85 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và nhà đất 147m2 tại 6 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Giấy tờ, tài liệu đều thể hiện rõ ông Niên là người mua nhà đất nói trên và bản thân ông Niên cũng đã từng sinh sống tại 83-85 Xuân Thủy.

Theo ông Niên thì cách đây 3 năm, bà Sen đã thuê người đến đe dọa, ép ông phải ra khỏi nhà rồi tự ý cho thuê nhà đất tại 83-85 Xuân Thủy (để bán quần áo và hàng ăn) với giá 200 triệu mỗi tháng. Ông Niên đã nhiều lần đề nghị chính quyền can thiệp, xử lý để ngăn chặn việc bà Sen chiếm dụng tài sản, tự ý cho thuê nhà đất này nhưng đều không được giải quyết”. 

Quá bức xúc vì bị ngâm án, ông Niên nghi ngờ, “với cả tỷ đồng chiếm dụng được của tôi trong những năm qua, không biết bà Sen đã sử dụng vào việc gì hay dùng số tiền này để đi “quan hệ” các nơi nhằm cố kéo dài vụ kiện?”.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Vũ Toàn Giang (thẩm phán được phân công giải quyết vụ kiện) thừa nhận vụ án bị kéo dài như trên và cho hay, “chúng tôi đang làm giải trình về việc kéo dài vụ án này với Tòa cấp trên. Khi nào thực hiện giải trình xong, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể với phóng viên”.

Về tiến trình giải quyết vụ án trong thời gian sắp tới, ông Giang cho biết, “chúng tôi đã nhiều lần tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp nhưng bà Sen không đồng ý làm việc và không hợp tác. Đến nay, chúng tôi đã tiến hành xong thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ và sắp sửa tiến hành thủ tục định giá tài sản. Sau đó mới có thể mở phiên tòa”.

Liên quan đến sự “bất hợp tác” của bà Sen trên đây, ông Niên cho rằng, Thẩm phán Vũ Toàn Giang đã có biểu hiện “ưu ái” cho bị đơn. Theo quy định thì cho dù bà Sen có bất hợp tác hay từ chối tham gia xem xét thẩm định thì Tòa án vẫn phải tiếp tục thủ tục này khi có đại diện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Thẩm phán đã hoãn xem xét, thẩm định hết lần này đến lần khác chỉ vì lý do bà Sen không hợp tác hay có đơn tố cáo. Thậm chí, có những buổi xem xét thẩm định như buổi ngày 14/12/2016, tất cả các thành phần đều đã có mặt đông đủ thì ông Giang mới tuyên bố “hoãn làm việc”. Sau đó, ông còn được giao tờ “Thông báo hoãn” do ông Giang ký từ 12/12/2016 . Tên đương sự tại Thông báo này cũng ghi là “Hà Huy Sen” chứ không phải Hà Huy Niên. Rồi thông báo hoãn xem xét thẩm định ngày 28/7/2016 cũng không có ngày tháng ký ban hành. 

Trước những bất thường về giấy tờ như trên, ông Niên nghi ngờ rằng, việc tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản dường như chỉ là “màn kịch” được tiến hành cho có. Thể hiện ở chỗ, khi Tòa đã xuống hiện trường rồi nhưng không thực hiện thẩm định được thì mới ký thông báo ghi “lùi ngày” hoặc cố tình không ghi ngày tháng để hợp thức hóa về trình tự thời gian nhằm lấp đi san phạm trong thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ. 

Được biết, ông Niên đã có đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan đề nghị làm rõ trách nhiệm của TAND quận Cầu Giấy trong việc kéo dài vụ kiện,cũng như làm rõ về sự vô lý trên các tài liệu, giấy tờ trên liệu có phải để “hợp thức hóa” cho việc “ngâm án” này. 

Trích Quyết định số 120/QĐ-TANDTC  ngày 19/ 6/ 2017 của Chánh án TAND Tối cao ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND

Điều 10. Xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao

Thẩm phán bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày khi có một trong những hành vi vi phạm sau đây:

1. …

3. Để từ trên 03 vụ, việc quá thời hạn dưới 06 tháng hoặc 01 vụ, việc trở lên quá thời hạn từ 06 tháng trở lên kể từ ngày hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng.

Đọc thêm