​Vụ “Cố ý gây thương tích” ở Yên Phong: Nhiều dấu hiệu oan sai, cần xét lại theo trình tự giám đốc thẩm

(PLO) - Vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn huyện Yên Phong đã được xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm (2 năm tù giam) đối với bị cáo Vũ Công Sửa từ cách đây khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, luồng dư luận tại thị trấn Chờ vẫn nóng lên hàng ngày… bởi họ cho rằng ông Sửa bị oan. Và mới đây, đơn đề nghị xem xét lại toàn bộ vụ án cũng được Văn phòng Luật sư Sơn Hoàng và cộng sự gửi đi. 

Tại sao bị hại phải khai man về hiện trường vụ án?

Theo đơn đề nghị, vụ án này là vụ án thiếu khách quan toàn diện, không thu được tang vật vụ án, không chứng minh được hành vi phạm tội của ông Vũ Công Sửa. Thực tế khách quan diễn ra tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng thấy rõ, đây là một vụ án phức tạp, lời khai của bị hại và bị cáo đối lập nhau hoàn toàn. 

Tuy nhiên, theo Luật sư Hoàng Sơn, từ hồ sơ vụ án có thể chỉ ra được những vi phạm mà cơ quan tố tụng huyện Yên Phong đã mắc phải trong vụ án này. Như: “Tại sao công an huyện Yên Phong lại không đưa giấy chứng nhận thương tích của BV đa khoa Yên Phong (nơi khám chữa ban đầu) vào trong hồ sơ giám định? Tại sao Công an huyện Yên Phong lại “làm thất lạc” bản ảnh hiện trường cho tới khi tiến hành xét xử phúc thẩm lần 1. 

Trong bản án phúc thẩm lần 1 (bị hủy án), HĐXX nhận định “Theo quy kết của cấp sơ thẩm thì bị cáo đã dùng vật cứng có cạnh đập vào đầu, mặt gây thương tích cho bị hại. Theo bị cáo khai thì sau khi đập ông Phụng đã bỏ lại phòng, tuy nhiên cơ quan điều tra không thu hồi được vật chứng mặc dù hiện trường khi cơ quan điều tra khám nghiệm vẫn còn nguyên vẹn. Hoặc giả sử vật chứng đó bị cáo có mang theo người không, đã tiêu hủy hay cất giấu ở đâu cũng chưa được điều tra làm rõ”. 

Bản án phúc thẩm lần 1 cũng ghi rõ “ông Phụng khai và luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại có xuất trình bản ảnh chụp bàn làm việc của ông Phụng không có ngăn kéo, đại diện người làm việc tại Công ty cũng xác định bàn làm việc của ông Phụng không có ngăn kéo. Tuy nhiên, theo bản ảnh hiện trường mới bổ sung thì bàn làm việc của ông Phụng có 3 ngăn kéo, trong đó ngăn thứ nhất ở tình trạng đã được kéo ra”.  

Luật sư Sơn bức xúc khẳng định: “Ngay từ đầu Công an huyện Yên Phong đã cố tình làm sai lệch vụ án. Nếu đưa bản ảnh ra ngay từ khi bắt đầu điều tra, chắc hẳn sẽ chứng minh được vết thương của ông Phụng là do ông tự ngã trong quá trình truy đuổi ông Sửa và có thể va mặt, đầu vào ngăn kéo”. 

Sự thật vụ án đã bị làm sai lệch?  

“Điều quan trọng là bản án phúc thẩm lần 1, do Chánh tòa hình sự Nghiêm Thị Lượng làm chủ tọa đã nhận định việc điều tra chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo là chưa đầy đủ, tuyên hủy án để điều tra lại. Tuy nhiên, Công an huyện Yên Phong không làm rõ được vấn đề nào trong các yêu cầu trên của TAND tỉnh Bắc Ninh mà HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng ông Sửa phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên phạt 2 năm tù giam” - Luật sư Sơn phân tích.  

Cũng theo Luật sư Hoàng Sơn, hồ sơ vụ án không có phim chụp CT sọ não tại một bệnh viện tư nhân. “Vấn đề là chính từ phim chụp CT sọ não này mới có vết thương tụ máu dưới màng cứng 3,3mm, gây ra thương tích 21%,  là cơ sở duy nhất để truy tố ông Sửa”. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, khi luật sư hỏi ông Phụng phim chụp CT sọ não, ông Phụng không ngần ngại khẳng định “đứa trẻ con 3 tuổi cũng biết phim chụp CT là do bệnh viện giữ”. Tuy nhiên, thực tế, chúng tôi đã xác minh được, tại bệnh viện mà ông Phụng tiến hành CT sọ não, tất cả phim chụp CT đều được trả lại cho bệnh nhân.

Vậy vấn đề đặt ra, tại sao ông Phụng phải giấu phim chụp CT sọ não, chứng cứ quan trọng nhất của vụ án? Tại sao Công an huyện Yên Phong chấp nhận một hồ sơ chỉ có dữ liệu lời khai mà thiếu chứng cứ vật chất (phim chụp CT) trong khi đây là một vụ án phức tạp, không có người chứng kiến, lời khai của bị hại và bị cáo mâu thuẫn hoàn toàn với nhau? Tại sao bị hại phải khai man hiện trường khi cố tình giấu đi ngăn kéo 3 ngăn tại phòng làm việc?

Có lẽ câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ có thể làm rõ khi TAND Tối cao, VKSND Tối cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội vào cuộc, xem xét lại toàn bộ vụ án để tìm ra sự thật khách quan. Từ đó có thể minh oan cho một cựu chiến binh, một đảng viên hơn 30 năm tuổi đảng. 

Người thân và đồng đội của ông Sửa dự phiên tòa phúc thẩm hôm đó bị ám ảnh bởi hình ảnh ông gày gò, nhỏ bé khảng khái tra tay vào còng số 8- bị bắt ngay tại phiên tòa, ngay trước thềm Xuân, dù oan ức nhưng ông vẫn “tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước” (trích thư bị cáo vào đêm trước phiên xử phúc thẩm lần 2). Liệu niềm tin của ông có được đáp trả?  

Đọc thêm