Vụ “Cướp tài sản” ở Đông Anh: Cần làm rõ ý thức “chiếm đoạt” tài sản của các bị cáo như thế nào?

(PLO) - Bị cáo buộc do có hành vi đánh, ép “con nợ” trả tiền, bị cáo Nguyễn Hữu Tám (SN 1968, trú tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) cùng 4 bị cáo đã bị TAND huyện Đông Anh tuyên phạt về tội “Cướp tài sản”.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mới đây, bà Nguyễn Thị Sự (vợ bị cáo Tám) có đơn kêu oan cho chồng và cho rằng việc các bị cáo đánh người chỉ là do “bực tức” vì đã nhiều lần đòi nợ không được chứ không có mục đích chiếm đoạt…

Theo Bản án sơ thẩm thì đầu năm 2014, anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1984, trú tại xã Hải Bối) có nhờ Tám mua trang mạng cá độ bóng đá với giá 400 triệu và còn nợ 70 triệu đồng. Tám đòi nhiều lần nhưng anh Kiên không trả nên nói chuyện này với Nguyễn Đình Đường (trú tại huyện Đông Anh). Đường cho biết mình cũng đang nợ Kiên hơn 70 triệu đồng nên Tám bảo nếu Đường lấy được tiền của Kiên thì sẽ cho Đường số tiền trên. Đường đồng ý.

Ngày 20/4/2016, Đường cùng Nguyễn Đình Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn (cùng trú tại huyện Đông Anh) và Ngô Huy Cường (trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) đến xưởng cơ khí của anh Kiên tại xã Hải Bối ép anh Kiên về nhà Tám. Anh Kiên không chịu đi liền bị Đường, Điệp, Cường dùng chân tay đấm đá. Cả bọn yêu cầu anh Kiên lên xe ô tô do Tuấn lái về nhà Tám. Ngay tại cổng nhà mình, Tám đã chửi và đấm đá anh Kiên, yêu cầu anh Kiên trả nợ. Khi anh Kiên hứa một tháng sẽ trả nợ thì Tám đồng ý rồi bỏ đi. Ngay đêm đó, anh Kiên đã được đưa đến bệnh viện điều trị và được xác định bị tổn hại 14% sức khỏe.

Trong quá trình điều tra vụ án trên, Cơ quan CSĐT còn xác định Tám có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (Ketamine).

Từ cáo buộc trên, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Đông Anh cho rằng các bị cáo đã phạm tội “Cướp tài sản”  và tuyên xử Tám 8 năm tù; Đường 8 năm tù; Điệp 7 năm 5 tháng tù; Cường 7 năm 6 tháng tù; Tuấn 5 năm 6 tháng tù. Riêng Tám còn bị 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sau khi có bản án trên, vợ Tám là bà Trần Thị Sự đã có đơn kêu oan và cho biết, ngay tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Tám đã khai rõ “coi Kiên như con nuôi” và lý do đánh Kiên là “do ức quá, chứ có ai bố lại đi cướp của con bao giờ”. Ngoài ra, các bị cáo đều biết chắc rằng anh Kiên lúc đó không có tiền nên chỉ muốn đưa anh Kiên về nói chuyện nợ nần với Tám chứ không bắt trả nợ ngay tức khắc. Khi anh Kiên cố tình trốn tránh không đi thì mới bị các bị cáo bực tức và đánh đập. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư (LS) bào chữa cho Tám cho rằng hành vi của các bị cáo không cấu thành tội cướp tài sản vì anh Kiên chưa có thiệt hại gì về tài sản. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng hành vi dùng vũ lực của các bị cáo đối với anh Kiên nhằm chiếm đoạt số tiền 70 triệu đồng là đã cấu thành tội “Cướp tài sản”.

Về vụ án này, LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty TNHH Luật Trường Lộc) có quan điểm: Để xác định bị cáo có hành vi cướp tài sản thì phải làm rõ hành vi dùng vũ lực và ý thức chiếm đoạt của bị cáo. 

Việc dùng vũ lực trong vụ án này thì các bị cáo đã thừa nhận. Tuy nhiên, cần đánh giá lại về ý thức của các bị cáo có hướng đến việc chiếm đoạt 70 triệu của anh Kiên hay không? 

Có thể khẳng định, anh Kiên nợ Tám 70 triệu đồng là có thật và sau khi đánh anh Kiên thì các bị cáo không hề lấy tài sản để trừ nợ (xiết nợ); không bắt anh Kiên gọi người nhà mang tiền đến trả nợ…

Khi anh Kiên nói “Bố cho con khất 1 tháng con sẽ trả” thì Tám đồng ý và bỏ đi. Như vậy, có thể hiểu chính anh Kiên đã chủ động đưa ra thời hạn để trả nợ chứ các bị cáo không hề ép buộc hay ấn định thời hạn trả nợ. 

Với diễn biến trên thì việc quy kết các bị cáo cố tình chiếm đoạt tiền của anh Kiên là có phần khiên cưỡng. Việc chiếm đoạt tiền phải thể hiện qua việc cố ý chuyển dịch tài sản “trái pháp luật”. Nhưng ở đây, việc thỏa thuận thời hạn trả là xuất phát từ sự tự nguyện của anh Kiên. Pháp luật cũng khuyến khích chủ nợ và con nợ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc này.

Như vậy thì lời khai của Tám về việc “bực tức” nên đánh Kiên cần được HĐXX phúc thẩm xem xét, đánh giá một cách khách quan, thận trọng tại phiên tòa tới đây. 

Đọc thêm