Vụ kiện đất đai tại An Giang: Giải quyết kiểu “tréo ngoe” khiến đương sự 15 năm vất vả

(PLO) - Một vụ tranh chấp đất nông nghiệp giữa những người thân trong gia đình vốn không mấy phức tạp, nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND tỉnh An Giang và các cơ quan chức năng của tỉnh này lại giải quyết theo kiểu “tréo ngoe” khiến người dân suốt 15 năm nay phải “đâm” đơn khiếu nại.
Bà Thu phản ánh sự việc, cho rằng quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại.
Bà Thu phản ánh sự việc, cho rằng quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại.

Diễn biến phức tạp

Bà Lý Thị Ngọc Thu (ngụ tại phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) có đơn gửi đến Báo PLVN với nội dung: Năm 1989, cha của bà là ông Lý Bảo Thiện được ông nội bà (Lý Bảo) cho phần đất nông nghiệp diện tích 10.237m2 tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Năm 1990, UBND huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu) đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số 00012/QSDĐ/aD ngày 14/6/1990 cho diện tích đất trên. 

Năm 1992, cha bà Thu cầm cố cho người ngoài 7000m2 (gia đình ông đã chuộc lại diện tích đất trên vào năm 1999), diện tích 3000m2 đất còn lại, em gái ông là bà Lý Thị Thu Trang vẫn quản lý và cho người khác thuê. Năm 1999 cha bà Thu mất, giữa bà Thu và cô ruột (Lý Thị Thu Trang) nảy sinh tranh chấp 3000m2 đất nói trên. UBND thị trấn Tân Châu hòa giải không thành, hồ sơ được chuyển lên huyện. 

Ngày 21/12/2000, UBND huyện Tân Châu ra Quyết định số 1313/QĐ.UB-KN bác đơn xin tách quyền sử dụng 3000m2 đất của bà Trang, giữ nguyên diện tích 10.237m2 đất theo GCN số 00012/QSDĐ/aD ngày 14/6/1990 do cha bà Thu đứng tên. 

Tuy nhiên, việc tranh chấp không dừng lại mà diễn biến ngày một phức tạp khi các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang thụ lý hồ sơ và giải quyết vụ việc theo hướng ngược lại với UBND huyện Tân Châu. 

Theo đó ngày 23/5/2002, UBND tỉnh An Giang ra Quyết định số 1301/QĐ.UB.KN hủy bỏ các quyết định trước đó của UBND huyện Tân Châu, đồng thời thu hồi GCN mà UBND huyện đã cấp trước đây để điều chỉnh và cấp GCN cho bà Trang diện tích 3000m2 đất tranh chấp nói trên; đồng thời cho đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Không đồng tình với quyết định của UBND tỉnh An Giang, ròng rã nhiều năm qua, bà Thu đã gửi đơn kêu cứu đến Trung ương và các bộ, ngành chức năng đề nghị vào cuộc, xác minh, làm rõ hồ sơ vụ tranh chấp đất giữa bà và người cô ruột, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Huyện nói đúng, tỉnh bảo sai

Theo phúc tra xác minh của UBND huyện thì nguồn gốc diện tích đất 10.237m2 do ông Lý Bảo Thiện đứng tên trong GCN số 00012/QSDĐ/aD ngày 14/6/1990 là của ông Lý Văn Minh - là ông nội của ông Thiện và bà Trang; ông Lý Văn Minh để lại phần đất trên trong tổng diện tích 5,6ha cho con trai là ông Lý Bảo - cha của ông Thiện và bà Trang, từ trước năm 1975. Khoảng năm 1978 - 1979 toàn bộ số đất trên được đưa vào HTX nông nghiệp, đến năm 1989, ông Lý Bảo đứng ra xin lại được 10.237m2 thuộc phần đất chưa bị truất hữu sau khi HTX nông nghiệp giải thể. 

Năm 1989, ông Lý Bảo viết giấy cho đứt toàn bộ diện tích đất trên cho con trai trưởng của mình là Lý Bảo Thiện, lý do cho đứt toàn bộ diện tích đất trên cho một mình người con trai trưởng được ông Lý Bảo giải thích rõ trong Tờ ủy quyền cho đứt đất sản xuất nông nghiệp là để “… giữ gìn, thờ cúng ông bà vì đất thổ cư, vườn ở xã Long Sơn, huyện Phú Tân tôi đã chia phần cho các con còn lại thừa hưởng…”, được Chủ tịch UBND thị trấn Tân Châu lúc bấy giờ là ông Tiêu Thành Nghiệp ký tên, đóng dấu ngày 15/4/1989.

Căn cứ vào văn bản có tính pháp lý là Tờ ủy quyền cho đứt đất nông nghiệp của ông Lý Bảo cho con trai (về bản chất, đây là văn bản cho, tặng tài sản giữa cha và con), UBND huyện Tân Châu đã cấp GCN số 00012/QSDĐ/aD ngày 14/6/1990 cho ông Thiện. Việc UBND huyện Tân Châu cấp GCN cho ông Thiện là hoàn toàn đúng theo luật định. 

Thế nhưng ngày 23/5/2002, UBND tỉnh An Giang lại ra Quyết định số 1301/QĐ.UB.KN hủy bỏ quyết định của UBND huyện Tân Châu, thu hồi GCN mà huyện này đã cấp cho ông Thiện với lý do: “Đất tranh chấp có nguồn gốc của ông Lý Bảo, thực tế sau khi xin lại được diện tích 10.237m2 vào năm 1989 thì bà Trang là người trực tiếp sử dụng đất, ông Thiện không có quá trình sử dụng phần đất này. Do đó, việc cấp GCN cho ông Thiện vào năm 1990 là trái quy định của pháp luật đất đai và các quy định về cấp GCN theo Quyết định số 201QĐ/ĐKTK ngày 14/7/1989 của Tổng cục Quản lý ruộng đất” và “Bà Trang canh tác khoảng 3000m2 đất nông nghiệp từ năm 1989 cho đến nay nên bà Trang yêu cầu được tiếp tục sử dụng và được cấp GCN là phù hợp với các quy định về pháp luật đất đai…”.

Phản bác quan điểm trên, có ý kiến cho rằng rõ ràng, bà Trang canh tác trên đất trước đó thuộc quyền sử dụng của cha đẻ và sau này là của anh trai mình (trên thực tế bà Trang cũng không canh tác mà đem cho thuê). Việc UBND tỉnh trong khi giải quyết vụ việc đã lấy lý do ông Thiện “không có quá trình sử dụng” trên diện tích đất của chính mình để ra quyết định thu hồi GCN mà UBND huyện Tân Châu đã cấp cho ông Thiện là trái luật. 

Từ chỗ không được xác định rạch ròi chủ sở hữu thực sự của toàn bộ diện tích 10.237m2 đất trên ngay từ ban đầu nên việc tranh chấp, khiếu nại của người dân kéo dài nhiều năm và vụ việc ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện bà Thu vẫn đang tiếp tục gửi đơn đề nghị phúc tra vụ việc trên.

Đọc thêm