Vụ kiện rắc rối về căn nhà thuê mướn nửa thế kỷ

(PLO) -Trong lúc đó, căn nhà tranh chấp đã bị cưỡng chế thi hành án. Vợ chồng ông Ba cùng 6 người con phải khăn gói rời nhà. Phía nguyên đơn đang sử dụng nhà làm nơi cho thuê lại. 
Ông Ba mong vụ việc sớm được giải quyết công bằng.
Ông Ba mong vụ việc sớm được giải quyết công bằng.

Vụ án “Tranh chấp đòi nhà cho thuê” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1953, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM) với bị đơn là ông Nguyễn Văn Ba (SN 1934, ngụ 322/9 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp) kéo dài hơn 30 năm.

Đã hơn 4 năm kể từ ngày có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án phúc thẩm năm 2009 và sơ thẩm năm 2008, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử lại, sự việc vẫn chưa ngã ngũ. 

Nhập nhằng ai là chủ sở hữu

Ông Ba – bị đơn trong vụ án trình bày, năm 1964, ông thuê căn nhà số 322/9 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp (trước đây là 6/30 Phan Thanh Giản) rồi đưa cả gia đình cùng lên sinh sống.

Căn nhà ban đầu chỉ là gian nhà kho đựng vật liệu xây dựng chật hẹp, diện tích 18m2; được ông làm thủ tục thuê với ông Nguyễn Văn Lộc, hợp đồng thuê chỉ bằng miệng, tiền thuê nhà hàng tháng thời đó là 250 đồng.

Ông kể, năm 1985, hai bên có ý định mua bán nhà, ông Lộc dẫn ông đến gặp một người tên Nghiêm Xuân Việt để thỏa thuận. Người này nói toàn bộ bất động sản đã giao cho Nhà nước nên hai ông ra về. Từ đó ông đóng tiền thuê nhà đều đặn cho Phòng Xây dựng Gò Vấp.

Đến năm 1986, Phòng Xây dựng Gò Vấp không quản lý nữa, ông lại trả tiền thuê nhà cho ông Lộc theo gợi ý của hai người con ông Lộc lúc đó đang làm việc ở Phòng xây dựng.

Cuối năm 1986, ông Lộc khởi kiện ông Ba đòi lại nhà. Hòa giải thành, ông Lộc tiếp tục cho ông Ba thuê. Năm 1990, ông Ba ký hợp đồng thuê nhà với ông Lộc, tiền thuê nhà mỗi tháng 3.000 đồng, đến năm 1992 tăng lên 5.000 đồng. Vì những mâu thuẫn cá nhân, thời gian này ông Lộc tiếp tục khởi kiện đòi nhà, quá trình thụ lý tòa đã tạm ngưng giải quyết vì giao dịch dân sự trước năm 1991. 

“Năm 1995, tôi không đồng ý trả tiền thuê nhà cho ông Lộc nữa vì phát hiện người chủ sở hữu thực sự là ông Nghiêm Xuân Việt (theo bằng khoán điền thổ), ông Lộc chỉ là quản gia được ủy quyền trông coi mọi việc. Năm 1999, TAND Gò Vấp quyết định tiếp tục đưa vụ việc ra xét xử.

Tòa quận chuyển vụ việc lên TAND TP, rồi kéo dài cho đến bây giờ... Vợ chồng ông Việt đã mất, những người thân còn lại đều định cư ở nước ngoài, ông Lộc cũng mất. Giờ các con của ông Lộc đứng ra đòi nhà, trong khi đó chủ nhà không phải là họ mà là ông Việt hoặc ông Việt đã trao trả cho Nhà nước quản lý.

Căn nhà đó ban đầu chỉ là cái kho 18m2, vợ chồng tôi đã phải bỏ bao nhiêu công sức, tiền bạc và thời gian để sửa chữa mở rộng cơi nới thành 43m2, nhưng đến bây giờ lại trở nên trắng tay”, bị đơn cho hay. 

Hai bản án sơ thẩm năm 2008 và phúc thẩm năm 2009 đều tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông Ba cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải trao trả lại căn nhà đã thuê với diện tích 43m2. Bởi một số tài liệu cho rằng thời điểm năm 1986 ông Việt đã có xác nhận đã cho ông Lộc và không có tranh chấp gì thêm. 

Tháng 3/2010, gia đình ông Ba bị cưỡng chế thi hành án, buộc phải rời khỏi nơi mình đã gắn bó hơn 50 năm. 

Nhiều chi tiết chưa được làm rõ

Không cam chịu bản án, ông Ba tiếp tục ôm đơn đến các cơ quan “đáo tụng đình”. Quyết định kháng nghị năm 2011và giám đốc thẩm năm 2013 tuyên hủy hoàn toàn các bản án trước, đưa vụ án tranh chấp hi hữu trở lại vạch xuất phát.

Quyết định kháng nghị của TDNDTC ngày 25/8/2011 và quyết định giám đốc thẩm ngày 18/3/2013 đã đưa ra những chi tiết chưa được làm sáng rõ trong các phiên xử trước. Trong đó, điểm mấu chốt là những mâu thuẫn giữa diện tích đất thuê ban đầu 18m2 và diện tích buộc ông Ba phải trao trả lên đến 43m2. Đồng thời những mâu thuẫn chưa thể lý giải được trong câu hỏi “ai mới là chủ sở hữu thực sự của căn nhà”?

Quyết định giám đốc thẩm lý giải, thực hiện chính sách của Nhà nước trước năm 1977, ông Ba kê khai đối với nhà đất số 322/9 Phan Thanh Giản, bao gồm diện tích đất của khu là nhà là 31,50 m2; diện tích xây cất 30m2; diện tích sử dụng chính là 22,50m2.

Tại biên lai thu thuế nhà đất năm 1993, ông Ba đã nộp thuế nhà đất, diện tích chịu thuế là 18m2. Tại giấy chứng nhận đã kê khai đăng ký nhà UBND phường 5 chứng nhận ông Ba kê khai đăng ký với diện tích thuê là 36m2, diện tích sử dụng là 22,50m2.

Trong khi đó tại hợp đồng cho thuê nhà giữa ông Lộc và ông Ba ngày 12/3/1990, hai bên đã thỏa thuận việc thuê căn nhà với diện tích thuê là 18m2, diện tích còn lại để ở là 18m2. Như vậy, diện tích nhà đất ghi trong các tài liệu nói trên là không thống nhất. 

TANDTC nhận định, quá trình giải quyết vụ án ông Ba cho rằng quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất, gia đình ông có lấn chiếm một phần đất công để làm nhà ở. Tại biên bản hòa giải ngày 11/6/2001, nguyên đơn là bà Thủy thừa nhận gia đình bà cho ông Ba thuê nhà đất có diện tích là 36m2, còn lại 07m2 là do ông Ba lấn chiếm.

Do đó, trường hợp này lẽ ra phải thu thập chứng cứ để xác định chính xác diện tích căn nhà khi hai bên thỏa thuận thuê và diện tích đất ông Ba lấn chiếm để áp dụng các quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 14/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 để giải quyết mới đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ các vấn đề trên nhưng lại buộc gia đình ông Ba trả lại cho những người thừa kế của ông Lộc toàn bộ căn nhà trên 43m2 đất là không chính xác, không phù hợp với thực tế. 

Ngoài ra tại Quyết định số 67/QĐ-UB ngày 13/1/1986, UBND TP.HCM xác định Nhà nước quản lý 16 căn nhà cho thuê của ông Việt, bà Thình (vợ hai của ông Việt), bao gồm 14 căn nhà ở quận 1 và 2 căn nhà ở quận Gò Vấp.

Tại công văn 1053/CV-UB ngày 15/12/2003 lại cho rằng căn nhà tranh chấp không có trong quyết định quản lý của Nhà nước của UBNDTP. Tuy nhiên, Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp lại cho rằng căn nhà trên được xây dựng trên nền đất của ông Nghiêm Xuân Việt và đã có quyết định quản lý nhà đất cho thuê của UBNDTP. 

Ở một điểm khác, tại công văn số 184/CV-QLĐT ngày 30/3/2004, UBND quận Gò Vấp lại cho rằng “... căn nhà 322/9 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp do ông Nguyễn Văn Lộc xây dựng để ở trên nền đất của ông Nghiêm Xuân Việt (khoảng năm 1940). Đến năm 1948, gia đình ông Lộc chuyển sang ở căn nhà khác còn căn nhà cũ cho ông Ba thuê lại từ năm 1964. Đến năm 1986 UBND TP mới ban hành quyết định 67/QĐ-UB không quản lý phần đất trên”. 

Như vậy, các công văn trả lời của UBND quận Gò Vấp về việc Nhà nước đã có quyết định quản lý đối với căn nhà đang tranh chấp hay chưa là không thống nhất. Chủ sở hữu thực sự của căn nhà là ai chưa rõ nên chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án. 

Ông Ba rầu rĩ: “Sau khi bị cưỡng chế nhà, vợ tôi vì quá buồn bã nên lâm bệnh qua đời. Tôi bị bệnh tim cũng đã lâu, nay vẫn phải tha phương nay xóm trọ này mai khu trọ khác. Cha con tui tan đàn mỗi người một nơi. Dù hơn 4 năm nay đã có quyết định hủy các bản án trước nhưng vẫn sự việc vẫn “nằm chờ”, im hơi lặng tiếng. Trong khi căn nhà vẫn được bà Thủy sử dụng cho thuê. Tôi chỉ mong sao, tòa sớm giải quyết giúp gia đình tôi sớm có nơi che nắng che mưa để trở về đoàn tụ...”.

Đọc thêm