Vụ tranh chấp đất ở Nam Định: Xã không rõ nguồn gốc đất, VKS khẳng định là di sản thừa kế!

(PLVN) - Về thửa đất tranh chấp, chính quyền xã nhận định: “Trước năm 1982, đại diện UBND xã không biết rõ cụ thể về nguồn gốc thửa đất, không có sổ sách, tài liệu lưu trữ”. Nguyên đơn và một số nhân chứng thì cho rằng, đất được cấp trong cải cách ruộng đất nhưng lại không có tài liệu chứng minh. Mặc dù thiếu cơ sở nhưng vị đại diện Viện kiểm sát có mặt tại tòa vẫn cho rằng đó là di sản thừa kế.
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp đất
Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp đất

Tranh cãi đất tranh chấp có phải di sản thừa kế?

Ngày 2/8/2019, TAND tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm giữa nguyên đơn là ông Đoàn N., bị đơn là anh trai của ông N, ông Đoàn Văn X. 

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Cụ Đoàn Văn R (SN 1918, ở xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) có vợ cả là cụ bà Lại Thị Ng (SN 1911). Hai cụ có 3 người con, con trai lớn là ông X, con trai thứ ba là ông N. Với bà vợ thứ hai, cụ R có 12 người con.

Chính vì hoàn cảnh “đặc biệt” như thế nên khoảng năm 1956-1957, bà cụ Ng đưa 3 người con ra “ở riêng, ăn riêng” trên một mảnh đất khác. Theo hồ sơ thống kê ruộng đất 299, thửa đất này là thửa số 552, tờ số 02, có diện tích 860m2. Đây cũng chính là thửa đất mà hiện nay xảy ra tranh chấp.

Ngày 2/1/1989, bà cụ Ng qua đời, không để lại di chúc. Đến ngày 24/8/2001, cụ R qua đời, cũng không để lại di chúc. Từ khi mẹ qua đời, ông X – con trai cả vẫn ở trên mảnh đất này cho đến nay. Ông N sau một thời gian học tập ở Liên Xô, tiếp đó công tác ở Hà Nội. 

Cuối năm 2016, đầu năm 2017, sau khi nghỉ công tác, ông N có nguyện vọng về quê ở. Từ đây phát sinh ra tranh chấp. Cuối năm 2017, ông N có đơn khởi kiện ra TAND huyện Nghĩa Hưng đề nghị chia di sản thừa kế là thửa đất số 552 nói trên và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Nghĩa Hưng đã cấp cho ông X anh mình.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, Hiến pháp, Luật Đất đai đều quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Một người sử dụng đất nhưng thửa đất đó không đương nhiên trở thành di sản thừa kế. Tại thời điểm bà cụ Ng qua đời (năm 1989), theo mục II Thông tư 81/1981 của TAND Tối cao thì đất đai (kể cả đất canh tác, đất ở, đất hương hỏa...) “không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân, nên không thể là di sản thừa kế”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa) 

Sau này, việc xác định quyền sử dụng đất là di sản dựa theo hướng dẫn của nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP. Theo đó, đối với đất do người chết để lại mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (qua các thời kỳ luật đất đai) hoặc có   một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có một trong các loại giấy tờ trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác (...) gắn liền với quyền sử dụng đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì được chia ra làm các trường hợp khác nhau. Trong đó đều yêu cầu phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về nguồn gốc, tình trạng đất.

UBND xã không xác định được nguồn gốc đất

Quay trở lại với vụ án trên, trong biên bản làm việc tại trụ sở UBND xã Nghĩa Lợi ngày 15/3/2018 (BL 116), chính quyền xã đã nhận định: “Về nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp: Từ trước năm 1982, đại diện UBND xã không biết rõ cụ thể về nguồn gốc thửa đất, không có sổ sách, tài liệu lưu trữ về nguồn gốc thửa đất nói trên”.

Trong khi đó, theo trình bày của nguyên đơn và một số nhân chứng thì trong thời kỳ cải cách ruộng đất (1956-1957), gia đình cụ R đã được chính quyền cách mạng chia thêm cho thửa đất trên. Còn phía bị đơn lại cho rằng, thửa đất do bà cụ Ng và được gia đình bên ngoại hỗ trợ tạo lập. Điều đáng nói, ngoài “lời khai”, cả hai bên đều không có giấy tờ gì để chứng minh.

Đến năm 1982, thực hiện chỉ thị 299, địa phương có tổ chức đo đạc, đăng ký quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong xã. Theo đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất lập năm 1984, ông X là người đứng tên cho hộ gia đình. Văn bản số 509/UBND-TTr của UBND huyện Nghĩa Hưng (ngày 3/10/2018) cũng xác định: Bản đồ địa chính lập năm 1986 thể hiện thửa đất số 552, ghi chủ sử dụng đất là ông X.

Ngày 22/11/2006, UBND huyện Nghĩa Hưng đã có quyết định về việc cấp GCNQSDĐ, trong có có hộ ông Đoàn Văn X. UBND huyện Nghĩa Hưng cho rằng: “Hộ ông Đoàn Văn X đã có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15/10/1993. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 điều 100 Luật đất đai năm 2013, hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ dân cư của hộ ông Đoàn Văn X là hợp lệ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dân cư cho hộ ông Đoàn Văn X là đúng quy định của pháp luật đất đai”.

Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND tỉnh Nam Định lại trình bày quan điểm cho rằng, “Thửa đất nói trên là tài sản chung của vợ chồng cụ R và cụ Ng…việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông X là chưa đúng quy định tại điểm c khoản 1 điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Do đó cần phải hủy GCNQSDĐ trên để chia thừa kế theo quy định”.

Có thể thấy, lập luận trên có phần chưa thuyết phục, bởi lẽ, việc cấp đất cho vợ chồng cụ R – cụ Ng (vào khoảng năm 1956-1957) chỉ có lời khai chứ không hề có văn bản chứng minh. Thực tế, cụ Ng không sinh sống cụ R và đã tách khẩu riêng. Các hồ sơ địa chính còn lưu trữ (bao gồm cả GCNQSDĐ) đều không có tài liệu nào thể hiện thửa đất mang tên cụ R hoặc cụ Ng.

Trong khi đó, hộ ông X đã làm nhà kiên cố, ở ổn định, công khai. Lúc bà cụ Ng còn sống, cũng như suốt một thời gian dài các anh chị em đều không có ý kiến phản đối. Tại thời điểm UBND huyện Nghĩa Hưng cấp GCNQSDĐ lần đầu cho hộ ông X - là người đang sử dụng đất, bà cụ Ng đã qua đời từ lâu. 

Như vậy, việc đòi hỏi phải có giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất từ cụ Ng (hoặc cụ R) cho hộ gia đình ông X là không hợp lý.

Cần có một phán quyết hợp tình, hợp lý

Thửa đất xảy ra tranh chấp đã có một quá trình lịch sử lâu dài, qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thậm chí, ngay cả pháp luật điều chỉnh về các vấn đề liên quan (đất đai, thừa kế, hôn nhân và gia đình) cũng có nhiều thay đổi.

Theo dõi phiên tòa, mọi người ái ngại khi được nghe các đương sự và các nhân chứng (đầu đều đã bạc) kể về thời kỳ khó khăn, nghèo khó, “tay trắng” của anh em ông X, ông N. Những ngày tháng đói khổ ở căn nhà tranh vách đất bên bờ sông Hàng Tổng, phía đông là mương, phía bắc, phía tây là ruộng chắc hẳn không quên trong ký ức những người nay đều đã già. 

Người xưa có câu “vô phúc đáo tụng đình”, là “anh em như tay với chân”, “gà cùng một mẹ” lại phải đưa nhau ra chốn công đường quả là một điều đau xót. Mong sao, HĐXX sẽ có phán quyết công minh, thậm chí nếu cần phải điều tra, xác minh lại để có một bản án thật sự thấu tình, đạt lý./.

Đọc thêm