Vụ tranh chấp Hợp đồng đặt cọc ở huyện Đức Hòa: Nguyên đơn có “phép phân thân”?

(PLO) - Ông Nguyễn Tuấn Khanh (Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) xác nhận lúc 15h30 phút ngày 9/3/2017, ông Dương Tuấn Tú (SN 1974, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) “đến UBND xã Đức Hòa Hạ”. Nhưng cùng thời  điểm này, nhân viên Văn phòng Công chứng (VPCC) Đức Hòa lại xác nhận, chứng kiến ông Tú có mặt ở VPCC. 
Tờ “Đơn xin xác nhận” của ông Tú
Tờ “Đơn xin xác nhận” của ông Tú

Chuyển nhượng đất bất thành

Ngày 22/08/2016, ông Dương Tuấn Tú (SN 1974, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) và ông Đinh Ngọc Hùng (SN 1954, ngụ quận 11, TP HCM) ký “Hợp đồng đặt cọc” thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (diện tích 9.663m2 , thửa 43, 50 tờ bản đồ số 15 xã Đức Hòa Hạ, mang tên hộ gia đình ông Hùng) với giá 41,5 tỷ đồng.

Cùng ngày, ông Tú đặt cọc cho ông Hùng 3 tỷ đồng. Đến ngày 09/9/2016 ông Tú chuyển tiếp 7 tỷ đồng vào tài khoản của vợ ông Hùng. Số tiền còn lại, ông Tú sẽ thanh toán ngay sau khi hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng tại cơ quan công chứng ngày 09/03/2017.

Theo đơn khởi kiện của ông Tú, ngày 09/3/2017, ông đã thông báo cho ông Hùng đến VPCC Đức Hòa lúc 14 giờ cùng ngày để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng ông Hùng không đến với lý do, vợ ông Hùng (bà Nguyễn Thị Kim Quy) không đồng ý chuyển nhượng. Do đó, ông Tú đề nghị tòa án buộc ông Hùng, bà Quy phải trả 10 tỷ đồng và bồi thường 3 tỷ đồng do vi phạm hợp đồng. 

Trong khi đó, theo ông Hùng thì vào ngày 09/3/2017, ông và ông Tú có gặp nhau tại Phòng Công chứng số 4, quận Tân Bình, TP HCM. Ông Hùng có thông báo về việc mình đồng ý thực hiện việc chuyển nhượng đất  nhưng do thửa đất thuộc quyền sử dụng của cả hộ gia đình nên cần phải có sự đồng ý của vợ và 5 người con. Vì vậy, hai bên chưa thể thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng tại Phòng Công chứng số 4.

Bà Nguyễn Thị Kim Quy cho biết, việc ông Hùng tự ý ký “Hợp đồng đặt cọc” mà không có sự đồng ý các thành viên gia đình là vô hiệu. Thế nhưng, ông Tú vẫn cố tình chuyển tiền vào tài khoản của bà. Ngay khi biết chuyện này, bà đã yêu cầu ông Hùng trả lại. Việc ông Tú khởi kiện buộc vợ chồng bà phải liên đới bồi thường cho ông Tú 3 tỷ đồng là vô lý.

Ngày 12/10/2017, TAND huyện Đức Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. HĐXX (Chủ tọa là Thẩm phán Đỗ Bình An) đã căn cứ vào “Đơn xin xác nhận” của ông Tú và việc ông Tú đã chuyển tiền vào tài khoản của bà Quy để nhận định rằng, ông Hùng, bà Quy vi phạm “Hợp đồng đặt cọc”. HĐXX đã tuyên buộc ông Hùng, bà Quy phải trả cho ông Tú 10 tỷ đồng và phạt cọc 3 tỷ đồng.

Phán quyết sơ thẩm thiếu căn cứ? 

Ngay sau đó, vợ chồng ông Hùng, bà Quy đã kháng cáo. Theo  bị đơn thì bản án có nhiều sai phạm và thiếu căn cứ vì bên ký kết “Hợp đồng đặt cọc” chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải là 7 thành viên trong hộ gia đình. Ông Tú và ông Hùng biết rõ điều này nhưng vẫn tự ký hợp đồng, xâm phạm đến quyền và lợi ích của 6 thành viên còn lại nên phải xem là vô hiệu. Nhưng HĐXX vẫn chấp nhận “Hợp đồng đặt cọc” và cho rằng bị đơn vi phạm “Hợp đồng đặt cọc” là chưa đúng bản chất sự việc và quy định pháp luật.

Ngoài ra, 6 thành viên trong gia đình ông Hùng cần được coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng không được tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Đối với chứng cứ là “Đơn xin xác nhận” của ông Tú đề ngày 09/3/2017 gửi UBND xã Đức Hòa Hạ và VPCC Đức Hòa với nội dung: “Đề nghị VPCC  Đức Hòa và UBND  xã Đức Hòa Hạ xác nhận rằng tôi đã có mặt tại Phòng Công chứng Đức Hòa và chuẩn bị đầy đủ tài chính để thực hiện theo thỏa thuận tại khoản 2 Điều 3 hợp đồng đặt cọc. Nhưng bên bán là ông Đinh Ngọc Hùng không có mặt để thực hiện hợp đồng…”.

Sau đó, ông Nguyễn Trần Trọng Nhân (nhân viên VPCC) đã ký tên và xác nhận “Ngày 09/3/2017 tôi có chứng kiến ông Dương Tuấn Tú đến VPCC Đức Hòa từ 14 giờ và ở lại đến 15 giờ 30 phút”. 

Trong khi đó thì ông Nguyễn Tuấn Khanh (Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ) cũng xác nhận:  “Vào lúc 15h30 phút cùng ngày 09/3/2017, ông Dương Tuấn Tú  có đến UBND xã trình bày về việc ký kết hợp đồng thửa đất số 43, 50 tờ bản đồ số 15 xã Đức Hòa Hạ đối với ông  Đinh Ngọc  Hùng (có hợp đồng đặt cọc kèm theo) nhưng ông Đinh Ngọc Hùng không đến để tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc”.

Ở hai địa điểm khác nhau nhưng cả nhân viên VPCC và Phó Chủ tịch UBND xã đều xác nhận ông Tú “có mặt” lúc 15h30 thì chẳng khác nào ông Tú có “phép phân thân”? Ngoài việc xác nhận của ông Nhân và ông Khanh không hợp lý thì nội dung xác nhận cũng phiến diện. Việc HĐXX sử dụng “Đơn xin xác nhận” này để làm chứng cứ buộc ông Hùng, bà Quy liệu có hợp lý?

Tại phiên tòa, ông Tú có thừa nhận sáng 9/3/2017 có gặp ông Hùng tại Phòng Công chứng số 4 quận Tân Bình.  Do chưa có sự đồng ý của 6 thành viên còn lại nên chưa thực hiện ký kết. Tuy nhiên, trong bản án, HĐXX lại không ghi nhận nội dung này là thiếu khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn.

Từ những nội dung trên, vợ chồng ông Hùng đề nghị TAND tỉnh Long An xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn. 

Đọc thêm