Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất tại Đồng Nai: Bị đơn mòn mỏi chờ phiên tòa phúc thẩm

(PLO) - Sau khi bị HĐXX giám đốc thẩm hủy án, TAND tỉnh Đồng Nai đã thụ lý lại vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa bà Lê Thị Mỹ và vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong để xét xử phúc thẩm. Nhưng đã hơn 10 tháng kể từ khi thụ lý lại vụ án, TAND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa mở phiên tòa phúc thẩm khiến bị đơn cho rằng đang có sự khuất tất.
Bà Lan mòn mỏi vì vụ án bị kéo dài
Bà Lan mòn mỏi vì vụ án bị kéo dài

Luật quy định 2 tháng, tòa kéo dài 10 tháng

Theo Thông báo của TAND tỉnh Đồng Nai thì vào ngày 14/11/2017, Tòa này đã  thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Lê Thị Mỹ (nguyên đơn, trú tại xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai) và ông Nguyễn Xuân Phong, bà Trần Thị Lan (bị đơn, trú tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai (sau khi bản án phúc thẩm bị hủy, theo Quyết định giám đốc thẩm số 205/2017/DS-GĐT ngày 15/10/2017 của TAND Cấp cao tại TP HCM).

Nhưng đã hơn 10 tháng trôi qua kể từ khi có thông báo nêu trên, bị đơn không nhận được thêm bất kỳ quyết định nào của TAND tỉnh Đồng Nai thể hiện vụ án được tiếp tục giải quyết. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 286 BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải ra một trong các quyết định: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Với vụ án phức tạp hay có lý do bất khả kháng, Tòa có thể kéo dài thời hạn 2 tháng nhưng không được quá 1 tháng.

Đáng nói, vụ án đã bị kéo dài hơn 20 năm và từng qua 2 phiên tòa phúc thẩm. Hơn nữa, cả hai bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai trước đây đều đã bị hủy theo thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm. Vì vậy, vợ chồng ông Phong cho rằng, việc kéo dài việc xét xử phúc thẩm lần 3 như trên ẩn chứa nhiều điều không bình thường. Năm 2017, TANDTC đã ban hành Quyết định 120/QĐ-TANDTC  về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND, về thời hạn thụ lý, giải quyết vụ án… Không rõ những thẩm phán có lỗi trong việc chậm trễ mở phiên tòa như trên sẽ bị  xử lý như thế nào? 

Án xử đi xử lại vì đâu?

Như Báo PLVN đã từng phản ánh, năm 1991 ông Nguyễn Thanh Quang (cán bộ địa chính xã Long Tân) có sang nhượng cho vợ chồng ông Phong 4 ha đất tại bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen, xã Vĩnh Thanh (nay thuộc  xã Long Tân). Năm 1992, giữa bà Mỹ với ông Quang xuất hiện tranh chấp. Bà  Mỹ cho rằng tháng 6/1989 đã  nhờ ông Quang mua giúp 2 ha đất thuộc khu vực bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen với giá 160.000đ/ha. Bà Mỹ bỏ tiền cày và cây giống rồi thuê ông Quang trồng và chăm sóc. Nhưng sau đó, do bà Mỹ không trả hết tiền nên ông Quang sang nhượng đất cho vợ chồng ông Phong. 

Bà Mỹ có đơn kiện ông Quang đến Tòa. Tại phiên giải quyết ngày 19/5/1992, hai bên đã đối trừ phần bà Mỹ nợ ông Quang và thống nhất: ông Quang phải trả cho bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K (trong thời hạn 1 năm). Năm 1997 vợ chồng ông Phong được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 55.453 m2, trong đó có 2 ha chuyển nhượng từ ông Quang. Nhưng do ông Quang không trả nợ đúng hạn, bà Mỹ đã quay sang khởi kiện đòi vợ chồng ông Phong đất. Theo Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002, TAND tỉnh Đồng Nai đã buộc vợ chồng ông Phong trả cho bà Mỹ giá trị 2ha đất là 900 triệu đồng.

Sau 10 năm bị đơn khiếu nại liên tục, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã có kháng nghị tái thẩm, đề nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm. Tại Quyết định số 10/2012/DS-TT (26/12/2012) Tòa Dân sự TANDTC đã hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT (28/11/2002) của TAND tỉnh Đồng Nai và Bản án sơ thẩm số 58/DSST (18/6/2002) của TAND huyện Nhơn Trạch, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Nhơn Trạch xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định.

Quyết định kháng nghị và Quyết định tái thẩm đều nhận định rằng, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trái pháp luật ở chỗ đã buộc vợ chồng ông Phong trả tiền cho bà Mỹ trong khi họ đã trả tiền cho ông Quang.  

Tại Bản án sơ thẩm (lần 2) số 35/DS-ST ngày 11/7/2014, TAND huyện Nhơn Trạch đã làm rõ nội dung vụ án và ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ. Nhưng đến ngày 15/10/2015, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai lại ra Bản án số 247/2015/DS-PT với phán quyết gần giống như bản án đã bị hủy bỏ 13 năm trước đó (buộc bị đơn phải trả cho bà Mỹ 700 triệu đồng).

Sau khi có đơn khiếu nại của bị đơn cùng ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 12/7/2017, Chánh án TANDTC đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM  xét xử giám đốc thẩm, hủy bỏ Bản án phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM đã chấp nhận kháng nghị; hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại. 

Nhưng đã 10 tháng trôi qua, vợ chồng ông Phong vẫn đang mòn mỏi chờ TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên phúc thẩm đối với vụ việc của họ. Và liệu với lần xét xử phúc thẩm lần thứ 3 này, TAND tỉnh Đồng Nai có nhìn nhận một cách cầu thị những sai sót đã bị Tòa cấp trên chỉ ra trong bản án tái thẩm và giám đốc thẩm trước đây?  

Đọc thêm