Vụ “Vợ kiện chồng vì… lấy trộm tài sản”: Cần đánh giá thấu tình, đạt lý nội dung vụ án

(PLO) - Báo PLVN đã có loạt bài phản ánh vụ việc người vợ chỉ vì “hiểu lầm” nên đã làm đơn tố cáo, đề nghị cơ quan Công an xử lý chồng về hành vi lấy trộm tài sản của mình. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2) nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc cần được xem xét để vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý.
Chiếc xe ô tô trong vụ án
Chiếc xe ô tô trong vụ án

Vương Thế Anh (SN 1976, chồng của chị Nguyễn Ngọc Diệp) được bố vợ là ông Nguyễn Bích Sử giao cho chiếc xe ô tô Toyota Zace để quản lý, kinh doanh và hàng tháng phải trả cho bố vợ 5 triệu đồng. Trong một lần ghen tuông, do hiểu nhầm chồng mang đi đặt xe lấy tiền làm việc bất chính, chị Diệp đã đến cơ quan Công an trình báo vụ việc. Ngay sau đó, Thế Anh đã đi chuộc lại xe và trả cho bố vợ.

Bản án hình sự sơ thẩm số 87 ngày 19-20/7/2011 của TAND quận Tây Hồ đã tuyên phạt Thế Anh 7 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bản án phúc thẩm số 239/2011/HSPT của TAND TP Hà Nội ngày 3/1/2012 tuyên y án sơ thẩm.

Sau nhiều lần Thế Anh và gia đình gửi đơn kêu oan, ngày 30/10/2012, VKSND Tối cao đã có Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/QĐ-VKSTC-V3 chỉ ra các vi phạm của tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Trên cơ sở này, TAND Tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/HS-GĐT hủy bản án hình sự phúc thẩm số 239/2011/HSPT ngày 3/1/2012 của TAND TP Hà Nội, chuyển hồ sơ cho TAND TP Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời gian đợi xét xử, vợ chồng Thế Anh do bị nhiều áp lực nên đã ly hôn. Bản thân Thế Anh bệnh tật, phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần và bỏ nhà đi lang thang mà gia đình không biết tìm ở đâu.

Ngày 4/4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2) xét xử vắng mặt bị cáo. Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội và các luật sư bào chữa cho bị cáo đều thống nhất đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp thuận và Bản án số 254/2017/HSPT đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, xử phạt Thế Anh 4 năm 6 tháng tù.

Không bàn đến tội danh của bị cáo, chỉ đề cập đến quá trình giải quyết vụ án đã cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Cụ thể, thời điểm chị Diệp có đơn tố cáo là ngày 24/8/2009 thì đến ngày 3/3/2010, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Việc khởi tố này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Thời hạn quy định chỉ có 20 ngày (trường hợp phức tạp cũng không quá 2 tháng) thì ở vụ án này, sau gần 7 tháng chị Diệp có đơn tố giác mới có quyết định khởi tố vụ án là không đảm bảo tính khách quan, không tuân thủ quy định pháp luật.

Ngoài ra, việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của VKSND quận Tây Hồ cũng vi phạm khoản 4 Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, ngày 3/3/2010, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng mãi tới hơn 3 tháng sau (quy định tối đa là 3 ngày), tức là đến 28/6/2010, VKSND quận Tây Hồ mới ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Đặc biệt, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự quy định, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. 

Trong vụ án này, Thế Anh ngay sau khi biết sự việc bị vợ “tố” nhầm đã hoàn trả lại xe nguyên trạng cho bố vợ. Trong khi hậu quả không còn và hành vi của Thế Anh không còn nguy hiểm cho xã hội thì thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá một cách khách quan, thấu tình đạt lý toàn bộ vụ án. 

Đọc thêm