Vướng mắc trong kinh doanh cát sỏi tại Nghệ An: Biết sai, vẫn “phải” làm?

(PLO) - Bị thu hồi giấy phép do thuê đất trái thẩm quyền, hàng loạt đơn vị kinh doanh cát sỏi lâu năm phải ngừng hoạt động chờ cấp phép lại. Một số vừa tiếp tục hoạt động vừa chấp nhận chịu phạt. Trong đó có đơn vị hàng năm vẫn đóng thuế cả tỷ đồng. Tình trạng bất cập này đã diễn ra một thời gian dài tại một số địa phương ở Nghệ An.
Bến cát của Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành
Bến cát của Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành

Cuối năm 2015, tỉnh Nghệ An thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh cát sỏi trên địa bàn. Nhiều sai phạm đã được chỉ ra, yêu cầu chấn chỉnh khắc phục. Tuy nhiên, từ đây lại nảy sinh bất cập trong việc cấp phép lại.

Biết sai, vẫn làm

Qua kiểm tra, trên địa bàn TP Vinh, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Thanh Chương có 11 mỏ được cấp phép (trong đó 08 mỏ được cấp phép khai thác, 03 mỏ được cấp phép thăm dò trữ lượng); toàn tuyến có 74 bến thủy nội địa chuyên tập kết, kinh doanh cát, sỏi (trong đó 19 bến đã được cấp phép hoạt động theo quy định, 01 bến giấy phép mở bến thủy nội địa hết hạn vào tháng 01/2016; 13 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa, nhưng hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, 02 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa nhưng vi phạm hành lang ATGT cầu Nam Đàn, 03 bến có giấy phép mở bến thủy nội địa nhưng cấp phép sai thẩm quyền).

Chấn chỉnh vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương trên tăng cường công tác quản lý, giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các phường, xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân có liên quan không để tái diễn các hoạt động khai thác, vận chuyển, mở các bến, bãi tập kết cát sỏi trái phép.

Theo đó, UBND huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên đã thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động các bến thủy nội địa do thuê đất trái thẩm quyền và đình chỉ các bến chưa được cấp phép dọc tuyến sông Lam. Tuy nhiên, việc đình chỉ được chấp hành một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Đơn cử đơn vị vẫn hoạt động trong lúc chờ cấp phép lại là Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành (huyện Nam Đàn). 

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Nguyễn Trung Châu - Chủ tịch Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành cho biết: “Các bến cát mà chúng tôi hiện nay đang hoạt động bị cho là vi phạm quy định, trước đây đã được UBND huyện Nam Đàn cấp phép thời hạn đến năm 2018. Nhưng khoảng tháng 4/2016, huyện thu hồi giấy phép do cho thuê đất trái thẩm quyền theo quy định mới. Sau khi bị thu hồi giấy phép, chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục xin cấp phép lại và đã gửi cơ quan chức năng từ tháng 6/2016, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm?”

Theo ông Châu, các bến đã hoạt động từ nhiều năm và phải vay ngân hàng để đầu tư máy móc cùng với rất nhiều lao động, nên không thể nghỉ chờ cho đến khi được cấp phép lại. “Bến cũng đã được UBND tỉnh quy hoạch, mong rằng các cơ quan liên quan sớm tiến hành cấp phép để chúng tôi được hoạt động đúng quy định”, ông Châu kiến nghị.

Bến cát của Cty Cát sạn Thanh Chương
Bến cát của Cty Cát sạn Thanh Chương

Chưa cấp phép đã... đóng thuế tiền tỷ

Một trường hợp “dở khóc, dở cười” khác là Cty Cát sạn Thanh Chương cũng đang trong tình trạng chờ cấp phép nhưng công ty này hàng năm đã đóng thuế tài nguyên cả tỷ đồng.

Những ngày cuối tháng 12/2016, tại bến cát của Cty Cát sạn Thanh Chương, từng đoàn xe đang chờ 04 chiếc cẩu lớn múc cát lên xe để đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Doãn Đức - Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi biết chưa được cấp phép mà hoạt động là sai, nhưng vẫn phải làm vì công ty có gần 300 lao động, trên 60 thuyền, gần 400 người ăn theo”

Giải thích về tình trạng hoạt động trái phép của đơn vị, ông Đức nói: “Chúng tôi có 18 thành viên (tương đương 18 bến hoạt động), thực tế hiện nay có 16 bến hoạt động, bến hoạt động lâu nhất từ năm 2003, muộn nhất từ năm 2009. Trước đây, chúng tôi có hợp đồng với xã xin thuê đất và hoạt động kinh doanh cát sạn. Năm 2013, công ty đã nộp hồ sơ xin cấp phép bến thủy nội địa 04 bến của các hộ ông Đức, ông Thành, ông Hà, ông Huy.

Năm 2014, chúng tôi tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp phép mở bến thủy nội địa 14 bến khác của công ty, nhưng đến nay toàn bộ 18 bến chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Không những xin cấp phép mở bến thủy nội địa mà năm 2014 công ty chúng tôi cũng đã làm thủ tục xin cấp mỏ.

Tháng 3/2016, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường Dự án đầu tư khai thác cát sỏi xây dựng tại xã Thanh Văn, Thanh Tiên, Đồng Văn, Thanh Chi, Võ Liệt, Thanh Long (huyện Thanh Chương). Nhưng đến nay do vướng tham vấn cộng đồng nên chưa được phép cấp mỏ, hàng năm chúng tôi đóng trên 1 tỷ đồng tiền thuế, nhưng các cơ quan chức năng vào kiểm tra vẫn xử lý, lập biên bản, đình chỉ vì chưa được cấp phép”.

Báo PLVN sẽ phản ánh trong bài tiếp theo.

Đọc thêm