Xã Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội): Cần giải quyết đền bù thỏa đáng cho người dân

(PLO) - Theo các hộ dân ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đã bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp phục vụ dự án, bởi việc đền bù thiếu minh bạch của chính quyền đã khiến nhiều hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khốn cùng. Đằng sau ánh đèn lấp lánh của dự án xa hoa hào nhoáng ấy là những giọt nước mắt đắng cay và bất lực của người nông dân vì bỗng dưng tay trắng…
Bà Cao Thị Thỏa sống lay lắt bằng việc nhặt rác
Bà Cao Thị Thỏa sống lay lắt bằng việc nhặt rác

Khổ cực trăm bề

Về sự việc này, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngày 25/10/2017 có bài viết: “Xã Tân Triều, Thanh Trì: Chủ tịch xã bị tố “biến hóa” giấy tờ khiến dân mất đất” phản ánh việc chính quyền xã này để xảy ra nhiều sai phạm khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó, rất nhiều người dân sống trên địa bàn đã liên tiếp gửi đơn thư kêu cứu tới Tòa soạn. 

Để rộng đường dư luận, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã tiếp tục tìm hiểu cuộc sống khốn cùng của những người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Theo trình bày của bà Cao Thị Thỏa (SN 1963, tại xóm Lẻ, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều), gia đình bà có mảnh đất nông nghiệp 340m2 tại khu Trầm Dừa mang tên mẹ bà là Hoàng Thị Túi (nhưng trong GCNQSDĐ lại mang tên là Đặng Thị Túi). Ngày 10/5/2000, bà Túi được ông Nguyễn Văn Huy (Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì) ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 340m2 đất tại tờ bản đồ 08, số thửa 60, mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp, thời gian sử dụng 20 năm kể từ ngày 1/4/1999 là đất được giao theo Nghị định 64-CP. 

Ngày 5/3/2003, 4 hộ gia đình ở xóm Lẻ bao gồm bà Hoàng Thị Túi, ông Vũ Minh Thắng, Nguyễn Huy Sâm, Nguyễn Huy Thọ gửi đơn lên UBND xã Tân Triều, HTX Triều Khúc xin chuyển đổi số ruộng thuộc khu Trầm Dừa từ đất trồng lúa sang đào ao, thả cá, trồng cây ăn quả (mô hình VAC). Trong đó, diện tích đất xin chuyển đổi của bà Túi là 340m2, ông Thắng 776m2, ông Sâm 850m2, ông Thọ 341m2. Đơn xin chuyển đổi này đã được UBND xã Tân Triều xác nhận và đề nghị không trồng cây lâu năm.

Căn cứ Quyết định số 7641/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 của UBND huyện Thanh Trì, về việc thu hồi 340m2 tại xã Tân Triều của bà Túi để đầu tư xây dựng công trình giải phóng mặt bằng (GPMB) và san nền sơ bộ Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I theo địa giới hành chính huyện Thanh Trì, ngày 1/6/2016, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Tiến Cường ký Quyết định số 3742/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Túi đang sử dụng. 

Ngày 19/7/2016, ông Cường tiếp túc ký Thông báo số 549/TB-UBND thông báo về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của bà Đặng Thị Túi. Ngày 14/6/2016, Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Hữu Vỵ ký giấy mời bà Túi (đã mất từ năm 2015) lên làm việc liên quan đến việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng. Đến ngày 29/6/2016, ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều tiếp tục ký Thông báo số 106/TB-UBND về việc yêu cầu tự phá dỡ các công trình xây dựng và bàn giao đất để thực hiện dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I xã Tân Triều.

Sau khi bị thu hồi đất, bà Cao Thị Thỏa vốn từ nhỏ sống bằng nghề trồng lúa, trồng rau, nay không có nổi 1 mét đất canh tác nên bà rơi vào cảnh thất nghiệp. Cả cuộc đời không chồng con, được một mảnh đất mà người mẹ là bà Túi để lại trước khi mất thì nay đã bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I. 

Trò chuyện với PV, bà Thỏa nước mắt ngắn dài kể về nỗi khổ khi bị thu hồi đất - mà theo bà là tay trắng. “Trước còn có mảnh đất nho nhỏ để trồng luống rau mang ra chợ bán, kiếm đồng ra, đồng vào. Nhưng từ ngày bị thu hồi đất đến nay, tôi phải đi nhặt rácđể bán lấy tiền đong gạo. Mỗi ngày cố gắng đi khắp nơi nhặt nhạnh thì cũng được mười nghìn, hôm nào may mắn hơn thì được gấp đôi. Nếu không nhặt rác thì chỉ có nước chết đói. Khổ cực đủ đường nhưng tôi chẳng biết kêu ai”. 

Cùng rơi vào hoàn cảnh khổ cực trăm bề với bà Cao Thị Thỏa là gia đình vợ chồng ông Triệu Khắc Thiện, bà Nguyễn Thị Bình. Theo trình bày của ông Thiện, ngày 10/5/2000, ông được UBND huyện Thanh Trì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 850m2, thửa 65, bản đồ 08 để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp. Thời gian là 20 năm, kể từ ngày 1/4/1999. 

Ngày 1/6/2016, UBND huyện Thanh Trì ra Quyết định 3733/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất để thi hành các quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì. Ngày 19/7/2016, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (lúc này là Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đất) ra Thông báo số 550/TB-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất 850m2 tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Ngày 29/6/2016, Chủ tịch UBND xã Tân Triều, ông Nguyễn Hữu Vỵ ký Thông báo số 106/TB-UBND về việc yêu cầu tự phá dỡ các công trình xây dựng và bàn giao đất để thực hiện dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang I xã Tân Triều.

Sau khi bị thu hồi đất, gia đình bà Bình, ông Thiện phải ra đầu ngõ dựng quán để bán cháo, kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống đã khó khăn, chật vật, nay ông Thiện lại bị tai biến, sức khỏe bị sụt giảm nghiêm trọng. Việc ăn uống đi lại cũng phải có người giúp đỡ. Khốn đốn hơn, hàng tháng ông Thiện thường xuyên phải vào viện để điều trị bệnh. Nhà có 5 khẩu, sau khi bị thu hồi đất, gia đình đã nhiều lần gửi đơn lên UBND huyện, xã đề nghị được hỗ trợ bồi thường và tái định cư nhưng đến nay mọi thứ đều rơi vào im lặng. “Tiền ăn gia đình tôi còn chả đủ nói gì đến việc chữa bệnh, vợ chồng tôi phải vay nợ khắp nơi lấy tiền thuốc thang các anh ạ…”, ông Thiện chia sẻ với phóng viên.

Ông Triệu Khắc Thiện chia sẻ với phóng viên về cuộc sống cơ cực sau khi bị thu hồi đất
Ông Triệu Khắc Thiện chia sẻ với phóng viên về cuộc sống cơ cực sau khi bị thu hồi đất

Vì sao không được tái định cư?

Theo những tài liệu và hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, cả bà Cao Thị Thỏa (đất của bà Hoàng Thị Túi) và gia đình ông Triệu Khắc Thiện khi bị thu hồi đất đều không được tái định cư. Trong khi chính sách của TP Hà Nội, nếu đất nông nghiệp bị thu hồi 30% trở lên đã được xem xét tái định cư.

Chính vì chính sách GPMB không đồng bộ, không thống nhất nên khiến cho nhiều hộ dân ở đây rất bức xúc và phải khiếu kiện để đòi quyền lợi. Đơn cử theo Quyết định số 8044/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND huyện Thanh Trì (về việc phê duyệt phương án bồi thường thu hồi đất) thì một số hộ dân được bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng đất ở (60m2). Trong khi đó, các hộ dân khác cùng một nguồn gốc đất như nhau thì lại được nhận khoản hỗ trợ này bằng tiền, không có hỗ trợ tái định cư.

Việc chênh lệch quyền lợi này khiến các hộ dân đặt câu hỏi, liệu có sự khuất tất ở đây hay không? Các gia đình như bà Thỏa hay ông Thiện đều bức xúc cho rằng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của họ bị thu hồi 100%. Trong khi họ làm ăn và sinh nhai bằng chính diện tích đất đó mà không hỗ trợ tái định cư, chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng tiền thì họ biết làm gì và ở đâu? Được biết, để thực hiện Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I trên địa bàn UBND xã Tân Triều, UBND TP Hà Nội đã thu hồi hơn 30ha, đa số người dân ở xóm Lẻ có đất nông nghiệp ở đây đều bị thu hồi 100%. 

Theo ông Như Đức Tâm, cán bộ địa chính xã Tân Triều thì Dự án Tây Nam Kim Giang I được thực hiện từ rất lâu, từ năm 2007 – 2008. Lúc này, thực hiện Nghị định 84, nếu thu hồi diện tích đất nông nghiệp trên 30% thì được tái định cư. Trước thắc mắc của người dân là chính sách đền bù, tái định cư khác nhau, ông Tâm cho biết, đến nay UBND huyện đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc tái định cư cho một số hộ dân nhưng UBND TP Hà Nội không đồng ý. Sau đó, UBND huyện tiếp tục có văn bản đến UBND TP Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Theo ông Tâm, để thực hiện Dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang, có 400 trường hợp bị thu hồi đất, nhưng chính sách đền bù không giống nhau. “Chúng tôi là những người thừa kế công việc của khoá trước nên anh em “đã rồi” nên không thể nắm cụ thể được. Để cho rõ nhất thì anh em báo chí cần làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất của UBND huyện. Đối với chúng tôi, trong quá trình GPMB, chúng tôi chỉ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất”, ông Tâm cho biết.

“Đối với trường hợp bà Cao Thị Thỏa và ông Triệu Khắc Thiện đã được UBND xã mời lên rất nhiều lần để nhận tiền đền bù nhưng không nhận nên chúng tôi đã gửi vào kho bạc. Sau khi nhận được đơn của các hộ dân, UBND huyện cũng đã xin UBND TP xin cơ chế đặc thù nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được, về phía UBND huyện cũng đã xin một khu đất ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai để tái định cư cho những hộ bị thu hồi đất nhưng đến nay cũng chưa được”, ông Tâm thông tin thêm…

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Đọc thêm