Xác định hợp đồng mua bán nhà là giả tạo vẫn cưỡng chế đấu giá nhà

(PLO) - Vợ chồng một cựu biệt động Sài Gòn cho rằng mình vay tiền với bản hợp đồng mua bán nhà giả tạo, cuối cùng bị Tòa buộc phải trả nợ bằng… vàng. Sau khi gia đình họ bị đẩy vào cảnh trắng tay, ly tán, TANDTC nhận định vụ án còn nhiều điều chưa được làm rõ.
Hai vợ chồng ông Trung, bà Mỹ mỏi mòn chờ ngày vụ án được đưa ra xét xử lại
Hai vợ chồng ông Trung, bà Mỹ mỏi mòn chờ ngày vụ án được đưa ra xét xử lại

Vay tiền, bị buộc trả vàng?

Vì gia cảnh túng quẫn, bệnh tật, năm 2005, vợ chồng ông Vương Thới Trung, bà Nguyễn Thị Mỹ (hiện ở phường 15, quận 10) phải rao bán căn nhà số 482/3 đường Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh. Khi đó thông qua người môi giới, bà Nguyễn Thị Thu Hà (phường 7, quận Phú Nhuận) đề nghị cho bà Mỹ mượn 700 triệu đồng. Để đảm bảo cho khoản vay trên, hai bên ký hợp đồng mua bán nhà giả cách với điều khoản giá mua bán nhà 92 lượng vàng SJC. “Thực chất là vay tiền có thế chấp chủ quyền nhà”, ông Trung lý giải.

Đến năm 2006, mặc dù bà Mỹ đã trả nợ số tiền 240 triệu đồng, nhưng vẫn bị bà Hà khởi kiện ra TAND quận Bình Thạnh, yêu cầu vợ chồng ông Trung, bà Mỹ phải giao nhà. Tháng 7/2007, Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà số 482/3, đường Lê Quang Định. Phía bị đơn phản đối quyết liệt việc nguyên đơn dựa vào hợp đồng giả tạo để đòi giao nhà, khi đó bà Hà mới chịu thay đổi yêu cầu khởi kiện từ đòi nhà sang đòi… nợ. Tháng 9/2007, TAND quận Bình Thạnh đưa vụ án ra xét xử, tuyên buộc vợ chồng ông Trung phải trả nợ cho bà Hà bằng… vàng.

Tòa cho rằng, bà Mỹ đã vay 80 lượng vàng SJC (bỏ phần 12 lượng vàng SJC lãi suất) từ bà Hà nhưng đã trả 20 lượng, tương đương với số tiền 240 triệu đồng (trả bằng tiền mặt). Như vậy, số vàng gốc chưa trả là 60 lượng vàng SJC, tính cả gốc lẫn lãi bị đơn phải trả là 68,645 lượng vàng SJC. Tòa bác yêu cầu bị đơn xin trả cho bà Hà số tiền 460 triệu đồng trong thời hạn 6 tháng, đồng thời duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với ngôi nhà của hai vợ chồng ông Trung. Không đồng ý với phán quyết của Tòa sơ thẩm, ông Trung kháng cáo. Tháng 3/2008, TAND TP HCM xét xử vẫn tuyên y án.

“Tại sao 2 cấp Tòa cho rằng hợp đồng mua bán nhà là giả tạo, tuyên vô hiệu nhưng vẫn căn cứ vào điều khoản (thể hiện giao dịch bằng vàng-PV) của hợp đồng vô hiệu để buộc chúng tôi phải trả nợ bằng thứ mà mình chưa bao giờ vay”, ông Trung bức xúc.

Vụ án chưa sáng tỏ, bị đơn đã mất nhà

Tháng 3/2011, Chánh án TANDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP HCM. Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 398/2011/DS-GĐT ngày 24/5/2011 của TANDTC, Hội 

đồng Giám đốc thẩm cho rằng, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vẫn chưa làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể, quan hệ tranh chấp ở đây được xác định là tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Tuy trong hợp đồng mua bán nhà giả tạo có điều khoản giá mua bán căn nhà là 92 lượng vàng SJC, nhưng hợp đồng mua bán là giả tạo nên giao dịch dân sự này vô hiệu. 

Hai cấp tòa chưa làm rõ các bên cho nhau vay tiền hay vàng, hay vay tiền quy ra vàng? Hai bên đều không xuất trình được chứng cứ chứng minh tài sản vay mượn là gì. Ông Trung và người môi giới là ông Vũ không trực tiếp chứng kiến việc giao nhận tiền hay vàng giữa bà Hà với bà Mỹ. Trong khi đó, thực tế có nhiều giao dịch bằng tiền như bà Mỹ trả nợ cho bà Hà số tiền 240 triệu đồng; bà Mỹ trả nợ ngân hàng hơn 405 triệu đồng; bà Mỹ trả tiền môi giới 10% (của 700 triệu đồng) là 70 triệu đồng cho ông Vũ. Ngoài ra, hai cấp tòa còn sai lầm trong việc áp dụng tính lãi suất cho vay vàng, sử dụng quyết định và công văn hết hiệu lực từ năm 2000 để tính lãi suất cho giao dịch diễn ra sau năm 2000. 

Vì các lẽ đó, Hội đồng Giám đốc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Bình Thạnh xét xử sơ thẩm lại. Năm 2009 căn nhà của vợ chồng ông Trung đã bị cưỡng chế thi hành án. Đồng nghĩa với việc khi tranh chấp vẫn chưa thật sự sáng tỏ, vợ chồng con cái ông Trung đã bị đẩy ra đường, lay lắt nay đây mai đó, rơi vào cảnh khốn cùng. “Tháng 9/2007, TAND quận Bình Thạnh xác định hợp đồng mua bán nhà là giả tạo nhưng không hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chúng tôi dù muốn bán nhà trả nợ cũng không được. Nghịch lý là căn nhà giá thị trường gần 3 tỷ đồng, bị đem bán đấu giá chỉ 1,4 tỷ đồng, thiệt hại cho gia đình số tiền lớn”, ông Trung bức xúc.

Từ ngày TANDTC trả hồ sơ vào năm 2011, ông Trung gặp rất nhiều trở ngại, như năm 2012 Tòa đình chỉ vụ án vì lý do: “Bị đơn đã chuyển đi đâu không rõ”, khiến vụ việc bị lãng quên suốt 3 năm trời. Năm 2015, vụ án được tái khởi động lại, đến năm 2017 thì bị đùn đẩy qua lại giữa Tòa cấp quận và Tòa cấp TP. Mãi đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử. “Vì sự việc này mà 13 năm qua, gia đình tôi tan nát, công ty phá sản, con cái thất học. Tòa xử không công bằng nhưng tôi thi hành trước khiếu nại sau, bây giờ Tòa phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của tôi và gia đình”, ông Trung nói.

Gia đình ông Trung 3 đời tham gia cách mạng ở vùng Sài Gòn – Gia Định. Từ năm 1970 đến năm 1973, ông Trung là Tổ trưởng xung kích hành động trong phong trào Thanh niên Sinh viên – Học sinh Sài Gòn, từng bị địch giam cầm tù đày. Từ năm 1973 đến giải phóng, ông là Tổ trưởng trinh sát điệp báo, F70 Phòng Quân báo thuộc Bộ Tham mưu Miền. Ông từng được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì năm 1986. Hiện tại ông Trung đang là Uỷ viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định.

Đọc thêm