Xử lý rác ở Quảng Ngãi: Đối thoại không thành, dân tiếp tục chặn xe

(PLO) - Hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) liên tục dùng chướng ngại vật ngăn không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ khiến hoạt động thu gom rác trên địa bàn huyện Đức Phổ hoàn toàn ngưng trệ, rác thải tràn lan khắp huyện.
Đối thoại bất thành, người dân bao vây trụ sở UBND xã Phổ Thạnh.
Đối thoại bất thành, người dân bao vây trụ sở UBND xã Phổ Thạnh.

Ngày 7/8, tại UBND xã Phổ Thạnh, ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đã chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân tại đây.

“Hành động chặn xe là điều không ai mong muốn”

Theo tìm hiểu, bãi xử lý rác thải phía Nam huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành từ năm 2007 (đặt tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh) với diện tích 15.708m2 và được xử lý rác bằng hình thức chôn lấp. Ban đầu bãi rác chỉ để xử lý rác cho xã Phổ Thạnh nhưng đến năm 2009 bắt đầu xử lý rác cho toàn huyện Đức Phổ.

Do việc chôn lấp không đảm bảo môi trường nên huyện Đức Phổ đã kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy bằng công nghệ tiên tiến hơn để xử lý rác. Năm 2016, Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD (gọi tắt là Cty MD) được UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho thuê đất để đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Đức Phổ (gọi tắt là Nhà máy Đức Phổ). Diện tích đất Cty MD thuê là 20.226m2, gồm cả diện tích bãi xử lý rác phía Nam huyện Đức Phổ (15.708m2) và phần diện tích mở rộng thêm như hiện nay.

Tuy nhiên, từ ngày 29/7 đến ngày 7/8, nhiều người dân ở xã Phổ Thạnh đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy Đức Phổ để xử lý. Theo người dân, sở dĩ họ có phản ứng là do nghe thông tin, rác từ TP.Quảng Ngãi cũng được chở về đây để xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý, nhà máy xử lý rác chưa đảm bảo môi trường, còn để hôi thối…

Sự việc này đã khiến lượng rác trên địa bàn huyện Đức Phổ bị ứ đọng nhiều ngày qua, nhất là trên địa bàn xã Phổ Thạnh. Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân còn xử lý rác thải bằng cách đổ thẳng ra biển và khu vực neo đậu tàu thuyền ở xã Phổ Thạnh, khiến cho khu vực này ở rác thải nổi bồng bềnh, ô nhiễm nghiêm trọng. 

Ngày 7/8, để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, bức xúc, đồng thời giải thích cho người dân biết được quy trình xử lý rác thải của Cty MD, tại trụ sở UBND xã Phổ Thạnh, UBND huyện Đức Phổ phối hợp cùng ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân về vấn đề này.

Tại buổi đối thoại, 15 người đại diện cho bà con nêu ý kiến tập trung vào những vấn đề như: khi xây dựng Nhà máy Đức Phổ không lấy ý kiến người dân địa phương; vị trí xây dựng nhà máy quá gần khu dân cư, chỉ cách khoảng 600m, không đảm bảo quy định pháp luật; mùi hôi thối, tiếng ồn, ô nhiễm không khí từ nhà máy làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận người dân thôn La Vân; nhà máy đặt ở nơi đầu nguồn nước, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm sinh hoạt của dân.

Ngoài ra, bể nước thải của Nhà máy Đức Phổ chưa hoàn thiện nhưng đã đi vào hoạt động; lượng rác thải đã chôn lấp trước đây nay được nhà máy đào lên để xử lý mùi hôi thối...

Đại diện người dân cho rằng, sau khi người dân xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa) chặn xe chở rác vào nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ khiến hàng chục ngàn tấn rác ở các khu vực TP.Quảng Ngãi và các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh không có nơi đổ nên một phần lượng rác ở các địa phương trên được chở về Nhà máy Đức Phổ.

Người dân treo băng rôn, vật cản để chặn xe vào Nhà máy Đức Phổ.
Người dân treo băng rôn, vật cản để chặn xe vào Nhà máy Đức Phổ.

Bà Lưu Thị Thái (ngụ thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh) nói: “Bãi rác ban đầu chỉ đủ chứa rác của người dân trong xã Phổ Thạnh, nay trở thành bãi rác chung của cả huyện, lại thêm rác từ địa phương khác thì cần xem lại quy hoạch và nên di dời đến đi điểm khác xa khu dân cư. Đồng thời, quy trình xử lý rác cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng huyện, tỉnh và người dân địa phương”

“Hành động chặn không cho xe chở rác vào nhà là điều không ai mong muốn, cả người dân và chính quyền đều mệt. Vì vậy mong chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có cách xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Xuân Ba (ngụ thôn Thạch Bi 1) bày tỏ.

Không đồng ý với những kết luận của lãnh đạo địa phương

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, việc người dân phản ánh, khi xây dựng Nhà máy Đức Phổ không lấy ý kiến của người dân địa phương là không đúng.

Theo văn bản ngày 26/5/2016, chủ đầu tư cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức lấy ý kiến của dân. Trong đó, có đại diện chính quyền địa phương, các hội đoàn thể của xã, trưởng các thôn và đại diện một số người dân thôn La Vân - nơi đặt nhà máy. Tuy nhiên, có thể một số trưởng thôn sau đó chưa truyền đạt cụ thể đến người dân chủ trương này nên mới có sự hiểu nhầm. 

Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Diệu cho rằng, hàng năm huyện đều mời một đơn vị có tư cách pháp nhân, độc lập về phân tích, quan trắc không khí, nước ngầm tại những vị trí liên quan đến Nhà máy Đức Phổ. Mẫu nước, không khí tại 2 gia đình gần nhà máy được lấy để phân tích đều cho kết quả trong ngưỡng cho phép.

Ông Nguyễn Quốc Tân - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, Nhà máy Đức Phổ không gây ô nhiễm bởi xử lý rác theo hình thức đốt - đây là cách xử lý tốt. Ngoài ra, nhà máy có công suất xử lý 50 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay lượng rác của toàn huyện Đức Phổ chỉ khoảng 25 tấn/ngày đêm nên nhà máy chưa hoạt động hết công suất. Còn việc ô nhiễm thời gian qua, có thể là do nhà máy đào số rác cũ chôn lấp nhiều năm trước để xử lý và xây dựng bể xử lý nước thải.

Cũng theo ông Tân, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quản lý chất thải rắn, nhà vệ sinh công cộng và quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng thì khoảng cách từ nhà máy xử lý chất thải rắn (đốt có xử lý khi thải, sản xuất phân hữu cơ) đến chân công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500m. Đối với khoảng cách từ Nhà máy Đức Phổ đến khu dân cư là hoàn toàn theo chuẩn quy định. 

Ông Tân cũng khẳng định, không có chuyện Nhà máy Đức Phổ mang rác thải từ TP.Quảng Ngãi vào nhà máy để xử lý. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là công an phải điều tra xem ai là người tung tin không đúng sự thật này nhằm kích động người dân, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kết luận tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em, bày tỏ: “Huyện sẽ tiếp thu, ghi nhận toàn bộ những ý kiến, kiến nghị chính đáng của bà con nhân dân, cũng như ý kiến giải trình của đại diện các cơ quan liên quan. Tôi mong muốn người dân cần phải hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào sự chỉ đạo, giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Tuyệt đối không nên nghe lời kẻ xấu xúi giục, thông tin bịa đặt để có hành vi vi phạm pháp luật”.

Cùng với đó, ông Em khẳng định, việc đặt Nhà máy Đức Phổ là hoàn toàn phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Thời gian qua, huyện đã có văn bản xin UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép đào số rác đã chôn lấp trước khi có Nhà máy Đức Phổ lên để đốt, nên trong khi đào lên có mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân, mong người dân thông cảm, chia sẻ.

Ông Em cũng thông tin, huyện đang đầu tư một hồ chứa nước để cấp nước tưới cho một số cánh đồng của địa phương cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân Phổ Thạnh, để người dân không phải sử dụng nước ngầm làm nước sinh hoạt như hiện nay; không có chuyện đưa rác từ các địa phương khác về Đức Phổ.

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đề nghị lãnh đạo các cấp phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu và không tiếp tục chặn xe chở rác; nhanh chóng đưa Nhà máy Đức Phổ hoạt động trở lại, không để tình trạng rác thải ùn ứ như hiện nay.

“Việc chặn không cho xe thu gom đưa rác vào xử lý tại Nhà máy Đức Phổ trong thời gian qua đã làm dồn ứ một khối lượng rất lớn rác thải sinh hoạt của người dân trong huyện nên đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn”, ông Em cho biết.

Tuy nhiên, sau khi buổi đối thoại kết thúc, người dân không đồng ý với những kết luận của lãnh đạo địa phương nên đã bao vây trụ sở UBND xã Phổ Thạnh, sau đó kéo ra đường quốc lộ 1A đoạn qua xã Phổ Thạnh chặn xe chở vị Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, gây ách tắc giao thông. Lực lượng chức năng đã vào cuộc phân luồng giao thông, không để tình trạng ách tắc xảy ra. Hiện tại, người dân vẫn đang ngăn chặn không cho xe chở rác vào Nhà máy Đức Phổ để xử lý.

Cần đặt mình vào địa vị người dân

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (ngày 5/6) vừa qua, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chỉ rõ, hiện nay môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do rác thải và phế liệu. Xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt quá khả năng xử lý của chính quyền địa phương, cũng như lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, “rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay”, đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quay trở lại sự việc xảy ra tại Quảng Ngãi, chúng tôi cho rằng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí là điều hoàn toàn có thể cảm nhận được bằng mắt, bằng mũi… Nếu chỉ lấy những con số khảo sát, kiểm định, quy chuẩn để “đối thoại”, “giải quyết vấn đề” thì e rằng sẽ khó tìm được tiếng nói chung. Ai có ở gần, ở cạnh những bãi rác mới có thể thấu hiểu. 

Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành từ trên xuống dưới, cần đặt mình vào vị trí của người dân để tìm ra giải pháp, khắc phục, hạn chế những tồn tại, bất cập. 

Mặt khác, những người dân cũng cần có ý thức trong việc phân loại, tự xử lý, tái chế nguồn rác thải. Mỗi một người dân cũng là 1 công nhân môi trường thì mới có thể hạn chế được phần nào sự “khủng hoảng” về rác thải trong bối cảnh hiện nay.  

Đọc thêm