Yên Hoà - Cầu Giấy: Đất của dân, sao phường lại được hưởng tiền bồi thường?

(PLO) - Gần 10.000m2 đất do người dân quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài, khi "qua tay" của cơ quan quản lý, đất đai màu mỡ bỗng hoá thành bờ, rạch, mương, máng. Người dân bỗng chốc trắng tay khi chỉ còn 2.000m2 được hưởng tiền đền bù.
 Ông Nguyễn Công Dũng trình bày với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam
Ông Nguyễn Công Dũng trình bày với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam
8000m2 màu mỡ biến mất
Ông Nguyễn Công Dũng (trú tại tổ 49, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh: năm 1985 gia đình ông được Hợp tác xã phường Yên Hòa (nay là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp hợp nhất) ký hợp đồng cho thuê 2.300 m2 đất để sản xuất nông nghiệp theo mô hình VAC. Ngoài ra, gia đình ông cũng được giao hơn 2.000 m2 đất để sản xuất nông nghiệp. Số đất còn lại  là do gia đình ông vỡ hoang để trồng lúa, cây ăn quả cùng thời điểm này.
Tất cả số đất nông nghiệp (gần 10.000m2) nói trên đều đã được gia đình ông Dũng đóng thuế hàng năm cho nhà nước. Gia đình ông cũng luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Ông Dũng cho biết: “Tôi đã quản lý, sử dụng gần 10.000 m2 đất từ năm 1985 đến nay, hàng năm tôi đóng thuế đầy đủ, không vi phạm gì về đất đai thế nhưng chỉ được đền bù về đất là 2.000 m2, còn lại gần 8.000 m2 đất của tôi chỉ được hỗ trợ hoa màu với giá 17.000/m2.”
Theo trình bày của ông Dũng: Ngày 25/10/2014 UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định 4513/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân ông Nguyễn Công Dũng  để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Theo hồ sơ ông Dũng cung cấp cho báo Pháp luật Việt Nam thì 8000m2 đất ông Dũng vẫn canh tác bị phường Yên Hoà “quy” thành đất đường, mương, nội đồng,....chủ sử dụng đất là UBND phường Yên Hòa và Hợp tác xã nên 2 đơn vị này được hưởng tiền bồi thường về đất.
“Gần 10.000 m2 đất gia đình tôi đều đóng thuế đầy đủ, còn lưu giữ phiếu thu về thuế. Đặc biệt trong số gần 10.000 m2 đất đó, có 2.300 m2 đất gia đình tôi thuê của Hợp tác xã từ năm 1985 để làm thí điểm VAC được ông Chủ nhiệm Hợp tác xã xác nhận là đúng và 4.141,8 m2 đất vẫn còn thể hiện trong Sổ bộ thuế", ông Nguyễn Công Dũng bức xúc. 
Quyền lợi của dân như "trái bóng"
Không chấp nhận với phương án bồi thường trên, gia đình ông Dũng đã làm Đơn kiến nghị lên các cơ quan của thành phố Hà Nội. 
Tại Văn bản 61/GPMB-NV ngày 16/4/2015, trả lời Đơn kiến nghị của ông Dũng, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận Cầu Giấy (BTGPMB) giải thích lý do bồi thường như trên là "căn cứ vào xác nhận của UBND phường Yên Hòa về nguồn gốc đất, loại đất, tài sản gắn liền với đất". 
Đồng thời, đề nghị ông Dũng cung cấp tài liệu về nguồn gốc đất như: tài liệu chứng minh đất sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, có giấy tờ thuế đến năm 2003 nộp UBND phường Yên Hòa để kiểm tra, xem xét lại.
Ông Dũng đã lập hồ sơ gửi UBND phường Yên Hòa đầy đủ các Phiếu thu thuế đất nông nghiệp, Hợp đồng thuê đất của Hợp tác xã nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam về nội dung xác nhận nguồn gốc đất, loại đất, bà Trần Thị Yến – Phó trưởng Ban BTGPMB quận Cầu Giấy cho rằng: Ban BTGPMB quận Cầu Giấy không có trách nhiệm phải xác minh nội dung xác nhận của UBND phường Yên Hòa về loại đất, nguồn gốc đất,... đúng hay sai mà Ban BTGPMB chỉ căn cứ vào hồ sơ, căn cứ vào xác nhận của UBND phường Yên Hòa để xây dựng phương án bồi thường. Phường Yên Hòa phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận đó. 
Phóng viên Pháp luật Việt Nam cũng đã nhiều lần tìm đến trụ sở UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy liên hệ làm việc với người có thẩm quyền. Tuy nhiên, UBND Phường Yêu Hoà luôn tìm cách né tránh, từ chối cung cấp thông tin vụ việc. 
"Ông Dũng có đầy đủ căn cứ để được đền bù 8000m2 đất còn thiếu"
Về những thắc mắc, kiến nghị của ông Dũng, Luật sư Nguyễn Hoàng Hải - Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng Hải và cộng sự cho biết: Tại Điểm b.1, Khoản 2, Điều 53 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND về điều tra hiện trạng, xác minh nội dung kê khai của người dân quy định: 
UBND xã (phường) phải căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai, xây dựng lưu trữ theo quy định tại UBND cấp xã (phường) để xác minh các điều kiện được bồi thường hoặc không được bồi thường.
Đối với vụ việc này, theo Luật sư Hải các cơ quan liên quan cần căn cứ vào các tài liệu như: Bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính, hoặc các Biên lai thu thuế đất nông nghiệp (do ông Dũng cung cấp) để xác định thời điểm sử dụng đất ổn định của ông Dũng là trước hay sau ngày 15/10/1993. 
Luật sư Nguyễn Hoàng Hải cho biết: Điểm a, Khoản 2 Điều 10 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội quy định rất rõ: đất sử dụng ổn định là đất được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất đến thời điểm có Quyết định thu hồi. Việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng ổn định đất căn cứ vào: Biên lai nộp thuế đất nông nghiệp, thuế nhà đất; Bản đồ, sổ mục kê đất đai;....
Trường hợp thứ nhất, nếu căn cứ vào các Biên lai thu thuế đất nông nghiệp, sổ mục kê đất đai,.. xác định được đất ông Dũng sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 và được xã (phường) xác nhận không có tranh chấp mà không vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lấn, chiếm, sử dụng đất cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm;.... thì đủ điều kiện được bồi thường về đất theo Khoản 5, Điều 7 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND.
Trường hợp thứ hai, nếu căn cứ vào các Biên lai thu thuế đất nông nghiệp, sổ mục kê đất đai,.. xác định được đất nông nghiệp ông Dũng sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 7 nhưng được UBND xã (phường) xác nhận đất không có tranh chấp thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất nông nghiệp do UBND thành phố quy định ban hành hàng năm. Điều này được áp dụng theo Điểm c, Khoản 1 Điều 18 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND.
Như vậy, cơ quan chức năng cần căn cứ vào hồ sơ địa chính, tài liệu ông Dũng cung cấp để xác minh đất ông Dũng sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 hay từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004. Nếu sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 thì đền bù về đất theo Khoản 5, Điều 7; Nếu sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2004 thì được đền bù về đất theo Điểm c, Khoản 1 Điều 18 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm