Dược sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em cho biết: Trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, trẻ em khám bệnh tại Bệnh viện chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp và viêm phổi. Số lượng người bệnh không tăng so với ngày thường, nhưng mức độ bệnh viêm phổi nặng hơn, thậm chí xuất hiện một số trường hợp trẻ có biểu hiện kháng kháng sinh (nhờn thuốc).
Phát hiện sớm bệnh viêm phổi
Do sức đề kháng yếu, trẻ em dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp như nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, với biểu hiện rõ nhất là xổ mũi, hắt xì và ho nhiều. Nếu trẻ không được điều trị đúng cách sẽ dẫn tới bị viêm phế quản hoặc viêm phổi. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm những biểu hiện của bệnh viêm phổi ở trẻ?
|
Trời rét đậm, số trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp và viêm phổi nặng nhiều hơn. |
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Anh, bác sĩ điều trị đa khoa Bệnh viện Trẻ em cho biết: Dấu hiệu dễ nhận biết đầu tiên là trẻ thở nhanh hơn so với bình thường. Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ mất tính mềm mại, không thể giãn nở mỗi khi trẻ hít thở có thể khiến trẻ bị thiếu ô-xy. Do đó, trẻ phải thở nhanh hơn để bù đắp sự thiếu hụt ô-xy.
Biện pháp đơn giản nhất là sử dụng đồng hồ để theo dõi nhịp thở khi trẻ ngủ. Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở 60 lần/phút trở lên. Trẻ từ 2-11 tháng tuổi, nhịp thở 50 lần/phút trở lên. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 5 tuổi, nhịp thở 40 lần/phút trở lên. Như vậy là trẻ có dấu hiệu bị viêm phổi, cần được khám và điều trị sớm.
Khi trẻ bị viêm phổi nặng hơn, phần dưới lồng ngực của trẻ bị lõm vào mỗi khi trẻ hít thở, trẻ phải gắng sức để thở nhiều hơn nên các cơ hô hấp, nhất là cơ hoành phải tăng cường co bóp. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện như bú kém hoặc bỏ bú, lên cơn co giật, ngủ li bì, sốt hoặc lạnh, thở khò khè (với trẻ 2 tháng tuổi) hoặc trẻ bỏ uống, ngủ li bì, khó đánh thức, bị suy dinh dưỡng cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên lạm dụng kháng sinh. Trong trường hợp trẻ chỉ bị ho, có thể chữa bằng các bài thuốc dân gian như hấp quất non, uống mật ong (trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên), không nên lạm dụng kháng sinh, bởi ho chính là phản xạ giúp cho trẻ tống đờm ra ngoài, giúp cho đường thở thông thoáng hơn. Do đó, các gia đình không nên lạm dụng thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ, việc sử dụng các loại thuốc ho có thể gây tác dụng phụ khó lường. Trong quá trình điều trị viêm phổi, khi sử dụng đúng loại kháng sinh, bệnh viêm phổi giảm cũng giúp giảm ho. Chỉ nên cho trẻ uống thuốc ho khi trẻ ho quá nhiều, bị nôn, đau ngực, rát họng…
Khi trẻ bị viêm phổi, cần đưa trẻ đi khám và có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nằm viện. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, các gia đình cần lưu ý cho trẻ uống kháng sinh theo đúng chỉ định của thầy thuốc, bảo đảm đủ liều lượng, đúng thời gian. Nếu sau uống thuốc, trẻ bị nôn thì 30 phút sau nên cho trẻ uống liều thuốc khác.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn đủ chất để tăng sức đề kháng, cho trẻ bú đều hoặc uống đủ nước, vì với những trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc viêm phổi, nước có tác dụng làm loãng đờm, giảm ho.
Bài và ảnh Hoàng Dũng