Đình Chiên Đàn và 600 năm xứ Quảng thăng trầm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đình Chiên Đàn là một trong những đình làng cổ nhất Quảng Nam. Nơi đây lưu giữ những câu chuyện gắn liền với bao biến cố của lịch sử 600 năm mở đất, đấu tranh giữ nước của các bậc anh hùng như vua Lê Thánh Tông, cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...    
Đình cổ Chiên Đàn.
Đình cổ Chiên Đàn.

“Chiên Đàn xã đình”

“Nhất La Qua, nhì Thạch Mỹ, ba Chiên Đàn” – câu ca dao nói về vùng đất Quảng Nam xưa có ba ngôi đình làng lớn, nhưng trải qua những biến cố của lịch sử, giờ đây chỉ còn lại đình Chiên Đàn. Đình tọa lạc tại thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Vinh. 

Theo tư liệu lịch sử hiện lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Phú Ninh, sau khi nhà Hồ đem quân đánh Chiêm Thành và lập nên bốn châu Thăng – Hoa – Tư – Nghĩa thì vùng đất Chiên Đàn cũng được khai lập vào năm 1403. Tuy nhiên, phải đến khi vua Lê Thánh Tông bình định và lập ra Quảng Nam thừa tuyên đạo (1471) thì một số dòng họ người Việt mới thực sự định cư vùng đất Chiên Đàn ngày nay. 

Người dân Chiên Đàn xưa đã cùng nhau đóng góp công sức dựng một ngôi đình để tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân đã có công khai lập nên địa hiệu Chiên Đàn. 

Theo ông Nguyễn Đình Khôi, Trưởng ban quản lý đình Chiên Đàn, đình được xây dựng bởi những nghệ nhân làng mộc truyền thống nổi tiếng đất Quảng là làng Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh). Khi xây đình, các cụ chức sắc trong làng cùng người dân đã huy động và đóng góp 350 mẫu công điền, 250 mẫu công thổ và 15 mẫu hương điền (công điền, công thổ tức là ruộng công, hương điền là ruộng của viên chức trong làng).

Họa tiết hình đầu rồng được chạm khắc tại đình Chiên Đàn.
Họa tiết hình đầu rồng được chạm khắc tại đình Chiên Đàn. 

Đình Chiên Đàn được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng, khuôn viên rộng đến 1.500m2. Đình chính rộng 440m2, hình chữ nhất, mặt xoay về hướng Đông – Nam. Đình có năm gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, nóc mái trang trí “lưỡng long tranh nguyệt”, trên mái hiên đắp hai con kỳ lân. Ba gian giữa được dùng làm nơi thờ tự. Phần hậu tẩm được xây dựng lại kiên cố. 

Khi tới thăm đình Chiên Đàn, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy những nét chạm trổ văn hoa trên các vì kèo từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng mộc Văn Hà xưa. Những nhà điêu khắc “vô danh” xuất thân từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh gần gũi. Những họa tiết được chạm khắc trên các kèo đình Chiên Đàn là đầu rồng, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay, chạm trổ cuốn thư....

Đình được dựng bằng 30 cột gỗ mít, đường kính ôm hết một vòng tay người lớn, trụ cao nhất cao 6,2m. Việc tìm kiếm những cây mít thân cao và thẳng để xây dựng đình làng cho thấy sự khó nhọc và công phu trong quá trình xây dựng đình làng xưa.

Khoảng sân rộng trước đình là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong làng, trước cổng Tam quan còn dấu vết của những trụ cột, tương truyền đó là nhà võ ca, nơi người dân đến xem biểu diễn võ thuật và ca hát trong những dịp lễ hội.

Bên phải đình là nhà trù, nơi ngày xưa lo việc bếp núc cho các lễ lạt ở đình, bên trái còn có một nhà kho đựng lúa nhưng nay không còn. Cũng theo ông Nguyễn Đình Khôi, thuở trước, có một ao nước, tạo nên minh đường – nét phong thủy cho đình. Tuy nhiên, qua thời gian ao nước không còn nữa. Từ khi được xây dựng cho đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là vào các năm 1932, 1955, 1967, 1972, 1996, 2006, nhưng các yếu tố gốc của ngôi đình vẫn được bảo tồn tính nguyên vẹn của một công trình kiến trúc cổ.

Hội quân nơi đình làng

Ngoài những nét đặc trưng của ngôi đình miền Trung, đình Chiên Đàn còn gắn liền với dòng lịch sử oai hùng của dân tộc. Chiên Đàn là nơi khởi nguồn của huyện Hà Đông, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn là địa điểm dân "Kim hộ" nộp thuế vàng vào kho nhà nước vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch.

Theo tài liệu của Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Phú Ninh cùng lời kể của các vị trưởng lão ở Chiên Đàn, vào khoảng năm 1782, cơ nghiệp nhà Trịnh đổ nát, binh biến liên miên, nhân dân khắp nơi oán thán. Lúc bấy giờ, Nguyễn Nhạc phái em là Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) kéo quân ra đánh đồn Hải Vân, giải phóng đất Thuận Hóa. Khi đi ngang đất Hà Đông, Nguyễn Huệ được người dân nơi đây rất ủng hộ và tại đình Chiên Đàn ông đã tập hợp, thành lập một lực lượng nghĩa binh lớn lấy tên gọi là “Tiền cơ Trung Nghĩa”.

Hàng cột bằng gỗ mít đường kính hơn vòng tay ôm bên trong đình Chiên Đàn.
Hàng cột bằng gỗ mít đường kính hơn vòng tay ôm bên trong đình Chiên Đàn. 

Trong lực lượng nghĩa binh đó, vua Quang Trung đã chọn ông Kiều Phụng người xã Chiên Đàn phụ trách hải thuyền và phong làm đô đốc, chọn cụ Đống Công Trường làm cai cơ thống lĩnh đạo nghĩa quân Hà Đông. 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, từ 1885 – 1887, tiến sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo “Nghĩa hội Quảng Nam” đứng lên kêu gọi người dân trong vùng hưởng ứng phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn này, dưới sự chỉ huy của các cụ Võ Đức Mậu, Trần Hoán, Võ Bang, Võ Lê, Xã Xước, đình Chiên Đàn cũng được chọn làm nơi tuyển quân, thu nhận lương thực, khí giới trong dân nổi dậy chống quân Pháp và tay sai.

Cũng theo tư liệu của Trung tâm Văn hóa và Thể Thao huyện Phú Ninh, khi phong trào Duy Tân bùng nổ ở Quảng Nam vào năm 1904 – 1908, các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã tập hợp hàng ngàn người dân đến đình Chiên Đàn để diễn thuyết, kêu gọi người dân đấu tranh đòi xin xâu, giảm thuế. Cuộc đấu tranh của người dân ở Chiên Đàn cùng với nhân dân khắp vùng Quảng Nam trong phong trào Duy Tân đã tạo nên tiếng vang lớn khắp cả nước lúc bấy giờ. Khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), đình Chiên Đàn được dùng làm trụ sở của Ủy ban nhân dân lâm thời xã Chiên Đàn…

Đến năm 1949, xã Chiên Đàn được sáp nhập vào xã Tam An. Vào những ngày đầu thành lập Đảng bộ Tam Kỳ, tại đình Chiên Đàn, đồng chí Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch nước) đã tổ chức cuộc họp quần chúng cốt cán, có các cụ Nguyễn Tương, Nguyễn Tấn Kiên, Nguyễn Đình Liêu… tham gia.

Ngày nay, vào dịp 14/7 (Âm lịch) hằng năm, nhân dân xã Tam Đàn, hội tụ về đình Chiên Đàn dâng hương tưởng nhớ anh linh tiên tổ, tiền hiền đã khai sơn lập làng và các vị anh hùng hào kiệt đã phụng sự, hy sinh cho Tổ quốc. 

Lễ hội văn hóa đình Chiên Đàn hấp dẫn du khách với phần lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm bằng nghi thức dâng hương, dâng lễ vật tưởng nhớ các vị tiền hiền lập làng. Phần hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đánh cờ tướng, nhảy bao bố, hô hát bài chòi... Cùng với đó là hội trại dành cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Tam Đàn. 

Bên cạnh đó trong lễ hội đình Chiên Đàn còn phát thưởng cho các em có thành tích xuất sắc trong học tập. Hoạt động này nhằm khuyến khích tinh thần học tập, tiếp nối truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân ở vùng đất “Địa linh nhân kiệt” khi xưa. Đình Chiên Đàn được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002 của Bộ Văn hóa Thông tin. 

Đọc thêm