Định giá tài sản thi hành án –một số vướng mắc từ thực tiễn

(PLVN) -Mặc dù Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định khá cụ thể về cách thức xác định giá tài sản kê biên, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.
TP.HCM cưỡng chế THADS, ảnh MH Tú Lệ
TP.HCM cưỡng chế THADS, ảnh MH Tú Lệ

Thời gian ký hợp đồng định giá chưa hợp lý

Về thời hạn thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá kê biên, đa số ý kiến cho rằng quy định về thời hạn cho đương sự thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá hiện nay là chưa rõ ràng. Quy định :“Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá” dẫn đến khi áp dụng luật, chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thực hiện ngay lập tức việc thỏa thuận về giá hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, mà không phải là sau khi kê biên hoặc thỏa thuận trong một thời hạn nhất định sau khi kê biên.

Mặt khác việc xác định mốc thời gian ký hợp đồng định giá như hiện nay cũng chưa thực sự hợp lý. Khoản 2 Điều 98 Luật THADS quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản kê biên. Quy định thời hạn:“ 5 ngày làm việc kể từ ngày kê biên tài sản”, dẫn đến trong thực tế, đương sự không có một khoảng thời gian nhất định để thỏa thuận về giá tài sản kê biên hoặc về tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên, điều này phần nào cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.

Do đó, đề xuất sửa đổi quy định tại Điều 98 Luật THADS theo hướng quy định một khoảng thời hạn nhất định (kể từ ngày tổ chức kê biên tài sản) để đương sự thỏa thuận xác định giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản kê biên. Và mốc thời gian để chấp hành viên ký hợp đồng định giá sẽ tính từ ngày đương sự không thoả thuận được về giá, về tổ chức thẩm định giá thay cho mốc thời gian“ kể từ ngày kê biên” như hiện nay.

Cần quy định thêm các trường hợp được tiến hành định giá lại

Về thời hiệu của chứng thư thẩm định giá, khoản 3 Điều 32 Luật Giá năm 2012 quy định: Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá. Do đó, giá trị kết quả thẩm định giá được sử dụng làm giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản chỉ được áp dụng trong trường hợp chứng thư thẩm định giá còn thời hạn hiệu lực.

Trong thực tế có những trường hợp việc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đúng thời hạn quy định nhưng việc bán đấu giá không thực hiện được trong thời hạn còn hiệu lực của chứng thư thẩm định giá do vụ việc bị hoãn, bị tạm đình chỉ theo quy định và hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ lại tiếp tục thi hành án, tiếp tục bán đấu giá tài sản, thì giá khởi điểm tài sản để bán đấu giá có được sử dụng kết quả thẩm định giá ghi trong chứng thư đã hết thời hạn hay không? Hay phải tổ chức định giá lại, hoặc cho các đương sự thỏa thuận xác định lại giá tài sản? Đây là những trường hợp trong thực tế có phát sinh còn có nhiều quan điểm khác nhau. Do đó đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể đối với những trường hợp này.

Về việc định giá lại tài sản kê biên, Điều 99 Luật THADS quy định về các trường hợp định giá lại tài sản kê biên, thuộc trường hợp Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 Luật THADS dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản: Đó là những vi phạm về trình tự thủ tục như hành vi như ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với tổ chức không có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá hoặc khi xác định giá đối với tài sản không ký được hợp đồng thẩm định giá, chấp hành viên đã không tham khảo ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực của tài sản kê biên...Và trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản.

Tuy nhiên trong thực tế phát sinh những trường hợp như: Tài sản kê biên đã thẩm định giá, đương sự không yêu cầu định giá lại hoặc đã yêu cầu định giá lại một lần nhưng vụ việc bị hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị (K2 Đ48 Luật THADS), tạm đình chỉ theo quyết định tạm đình chỉ của người có thẩm quyền kháng nghị (Kl Đ49 Luật THADS) hoặc tạm dừng giải quyết khiếu nại mà tại thời điểm chuẩn bị đưa ra bán đấu giá thì giá tải sản lại có thay đổi lớn. Hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá đã hết hạn theo quy định của Luật giá và các vàn bản hướng dẫn thi hành. Do đó đề nghị quy định thêm các trường hợp được tiến hành định giá lại sau khi chứng thư thẩm định giá đã hết thời hạn sử dụng mà cơ quan THADS chưa đưa tài sản ra bán đấu giá, đồng thời quy định rõ đối tượng phải chịu chi phí thẩm định giá lại trong những trường hợp này .

Đọc thêm