Điều đáng chú ý là lần đầu tiên Trung ương đã trực tiếp xác định thi hành án dân sự (THADS) là công cụ quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là bước chuyển hết sức quan trọng trong tư duy, nhận thức về vai trò của THADS trong thời gian tới.
Hoàn thiện nhận thức về vai trò của THADS qua từng thời kỳ cách mạng
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền nhân dân đã nhanh chóng, khẩn trương tuyên thệ nghĩa vụ bảo vệ công lý, qua đó, góp phần quan trọng tạo dựng niềm tin của nhân dân vào tính chính đáng, chính nghĩa của chính quyền cách mạng non trẻ. Vai trò của THADS là công cụ quan trọng tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân đã sớm được khẳng định tại Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, một trong những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho việc hình thành nền tư pháp xét xử của chế độ mới. Trong giai đoạn tiếp theo, cùng với việc phát triển lý luận về chuyên chính vô sản, về pháp chế XHCN, THADS được coi là công cụ bảo đảm sự tuân phục pháp luật, “một công cụ của chính quyền nhân dân, một công cụ chiến đấu cách mạng và xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
Khi đất nước bước sang thời bình, THADS có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính nghiêm minh và sự thượng tôn pháp luật. THADS được quan niệm là một nội dung quan trọng của chính sách an dân, giúp người dân yên ổn, yên tâm trong cuộc sống, từ đó giữ vững niềm tin với pháp luật, chế độ. Các bản hiến pháp trước đây và Điều 106 Hiến pháp năm 2013 hiện nay đều ghi nhận nguyên tắc “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. THADS là khâu cuối của hoạt động tố tụng, là quá trình hiện thực hóa những bản án, quyết định của tòa án vào trong thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, THADS được quan niệm là một hoạt động phái sinh, hay là “cái đuôi” của hoạt động xét xử.
Đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, các giá trị kinh tế của THADS từng bước được nhìn nhận. THADS có vai trò trực tiếp góp phần giải phóng các nguồn lực “đóng băng” trong các tranh chấp để đưa trở lại thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2016, THADS đã giải phóng trên 29 nghìn tỷ đồng; 09 tháng đầu năm 2017 THADS đã giải phóng trên 30 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, THADS đã góp phần tích cực xử lý nợ xấu, qua đó góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn lực tài chính. Năm 2016, toàn quốc đã thi hành xong gần 20 nghìn tỷ đồng; 06 tháng năm 2017 thi hành xong trên 10 nghìn tỷ đồng đối với các vụ việc loại này.
Khi đất nước ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ở một khía cạnh khác, THADS được xác định là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong phá sản, góp phần cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 5 vừa qua khẳng định pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự phải được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ; các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, trong đó có thi hành án, phải được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả với các quy trình, thủ tục đơn giản, công khai, minh bạch để kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan THADS cần thích ứng nhanh hơn trước yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành 04 Nghị quyết số 19 (ngày 18/3/2014, ngày 12/3/2015, ngày 28/4/2016 và ngày 06/02/2017). Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Nghị quyết dựa trên cách tiếp cận đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong đó có 2 tiêu chí quan trọng là “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” và “Phá sản doanh nghiệp”.
Theo Ngân hàng Thế giới, một cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng hiệu quả là hết sức thiết yếu đối với phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các toà án đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các thị trường tín dụng, bảo vệ các quyền tài sản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới và đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đánh giá, “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” của Việt Nam xếp hạng 69/190 nền kinh tế. Thời gian giải quyết tranh chấp của các tòa án tại Việt Nam năm 2016 là 400 ngày, trong đó thụ lý của tòa án là 50 ngày, xét xử và phán quyết là 200 ngày và thực thi phán quyết của tòa án là 150 ngày; với chi phí 29% giá trị tài sản tranh chấp, trong đó chi phí luật sư chiếm 21%, án phí chiếm 5% và phí thi hành án là 3%. Tuy nhiên, thứ hạng thời gian thực thi phán quyết của tòa án tại Việt Nam trong khối các quốc gia ASEAN còn khá khiêm tốn, đứng thứ 6/10.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hoá các dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tiếp cận công lý và tuân thủ thủ tục hành chính, không tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Với định hướng nêu trên, cùng với việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, THADS cần góp phần tích cực cho môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ vừa qua đã kiến nghị các cơ quan tư pháp nói chung, cơ quan THADS nói riêng cần tập trung rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020.
“Công lý bị trì hoãn cũng có nghĩa là công lý bị từ chối” (Justice delayed is justice denied). Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội, đòi hỏi các cơ quan THADS phải có những nỗ lực, chuyển mình, từ tư duy, nhận thức cho đến những hành động cụ thể.
Trước mắt, năm 2017, các cơ quan THADS cần khẩn trương phối hợp với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính và ý nghĩa của các chỉ tiêu xếp hạng nêu trên, đặc biệt là cách tính thời gian trong quá trình khởi động thủ tục thi hành án, xác minh và kê biên tài sản, bán đấu giá và việc chi trả cho người được thi hành án, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng.
Nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan THADS cần triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến thi hành án và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục công khai, minh bạch hóa các hoạt động THADS theo quy định, qua đó, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan THADS; đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp giám sát tốt hơn hoạt động này.