10.000 tỷ đồng, có giúp Tp Hồ Chí Minh hết ngập?

(PLO) - Với 6 cống ngăn triều, 8km đê bao ven sông Sài Gòn, nhưng Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng cũng chỉ dám kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ngập cho 570km2 với 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. 
Với gần 10 nghìn tỷ đồng, người dân TP Hồ Chí Minh hy vọng sẽ thoát cảnh úng ngập
Với gần 10 nghìn tỷ đồng, người dân TP Hồ Chí Minh hy vọng sẽ thoát cảnh úng ngập

Ngập do triều cường sẽ không còn

Trước đó, sáng 3/6, UBND TP HCM đã ký hợp đồng với Cty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), với tổng mức đầu tư 9.926 tỉ đồng, thời gian thi công 36 tháng. 

Theo Trung Nam Group, dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn bao gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định; quy mô bề rộng cống 40 x160m, cao trình đáy cống 10 x 3,6m. Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36m3/giây.

Tàu thuyền được đảm bảo qua lại bình thường khi cửa cống mở và qua âu thuyền khi cửa cống đóng. Đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuận đến sông Kinh - giai đoạn 1 gồm khoảng 7,8km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 25 cống nhỏ có khẩu độ 1 x 10m từ sông Vàm Thuật đến rạch Mương Chuối. Địa điểm xây dựng các hạng mục của công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Giải thích rõ hơn về dự án “khủng” này liệu có giải quyết được tình trạng ngập úng tại TP HCM, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết: “Trường hợp nước triều dâng cao, hệ thống cống sẽ được đóng lại để ngăn nước triều xâm nhập vào nội đồng gây ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Còn trường hợp nước triều vừa dâng kết hợp với mưa lớn thì hệ thống cống sẽ được đóng lại đồng thời tại các hệ thống kênh lớn như: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Xuân, Phú Xuân sẽ có hệ thống máy bơm với tổng công suất 90m3/s sẽ bơm nước từ nội đồng đổ ra sông, làm giảm mực nước xuống. Trường hợp triều ở ngoài xuống nhưng thành phố muốn giữ lại mực nước trong nội đồng để làm đẹp cảnh quan đô thị thì sẽ ngăn không cho nước chảy ra. Với vai trò là nhà đầu tư, tôi khẳng định 100% sau khi dự án hoàn thành chắc chắn sẽ chống được ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu”.

Với việc vừa xây cống ngăn không cho nước triều vào khu vực nội đồng, vừa bơm nước ra khi xảy ra tình trạng mưa lớn liệu có ảnh hưởng đến các khu vực nằm ngoài dự án hay không, ông Tiến khẳng định: “Chúng tôi cũng đã có phương án tính hết những khả năng có thể xảy ra. Xả 96m3/s không phải chỉ tập trung tại một chỗ mà sẽ rải đều trên cả 6 cống. Việc xả ra cũng không phải xả liên tục mà là khi mực nước bên trong dâng cao sẽ xả ra nhưng vẫn giữ được mực nước tối thiểu bên trong. Và thủy lực khi lượng nước này ra nó không đáng kể nên không ai có thể thấy được. Hồ Trị An lớn như vậy khi xả ra mà còn không thấy được huống chi sông Sài Gòn nhỏ hơn nhiều. Vì vậy, sẽ không làm tăng khả năng ngập lụt cho các vùng lân cận”. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group
Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group

324 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng

Thời điểm này, điều mà các hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng quan tâm đó là lợi ích “sát sườn” của họ sẽ được giải quyết như thế nào khi thực hiện dự án? Đại diện Trung Nam Group cho biết, trong quá trình thi công dự án sẽ có 324 hộ dân tại các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh bị ảnh hưởng, trong đó có một số hộ sẽ bị di dời.

Chủ đầu tư sẽ làm việc với chính quyền để bảo đảm việc đền bù, tái định cư các hộ dân. Đồng thời, để tránh xảy ra các vụ thưa kiện trong trường hợp thi công gây lún, nứt nhà, chủ đầu tư sẽ mua bảo hiểm, theo đó đơn vị bảo hiểm sẽ chụp hình, quay phim đo đạc các vết nứt trước khi thi công. Thi công xong sẽ có cơ quan thẩm định lại để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Trong quá trình xây dựng, do việc ngăn nhỏ dòng sông lại nên chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng ngập cục bộ trong nội đồng nếu xảy ra mưa lớn. Trung Nam sẽ cùng với nhà thiết kế vẽ một bản đồ công bố những khu vực có khả năng bị ảnh hưởng. Theo đó, giao thông đường thủy cũng sẽ có ít nhiều bị ảnh hưởng và chủ đầu tư sẽ có phương án tổ chức giao thông để ảnh hưởng ít nhất đến người dân.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cũng khẳng định: “Dự án thi công 36 tháng, nhưng chủ đầu tư quyết tâm phấn đấu rút ngắn còn 24 tháng với điều kiện là hệ thống sở, ban, ngành hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 Trung Nam cũng xin phép Ủy ban được triển khai trước đối với những nơi không ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng để có thể rút ngắn thời gian thi công”. 

“Hiện Trung Nam Group đã có cuộc họp với Ủy ban chống ngập, với Ngân hàng BIDV để có tiến hành triển khai dự án trong thời gian sớm nhất. Trung Nam cũng sẽ có cuộc họp với Trung tâm Phát triển quỹ đất để thiết lập ngay quy trình giải phóng mặt bằng”, ông Tiến nói. 

Được biết, đây là dự án được Chính phủ ưu đãi hỗ trợ cấp vốn cho TP HCM, được hưởng lãi suất vay 2% và thu phí 1%, thời hạn vay 10 năm, trong đó có 3 năm ân hạn không trả lãi. Theo hợp đồng, UBND TP HCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 16% giá trị bằng quỹ đất và 84% bằng tiền.

Đọc thêm