Ao hồ Hà Nội bị “bức tử”

(PLO) - Hàng chục tấn cá chết, nổi trắng hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa,TP Hà Nội) khiến dư luận không khỏi xôn xao. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường và điều tra nguyên nhân khiến cá chết đang được các ban, ngành chức năng gấp rút triển khai. 
Cá chết nổi trắng hồ Hoàng Cầu ngày 8/6.
Cá chết nổi trắng hồ Hoàng Cầu ngày 8/6.

Tuy nhiên, chuyện cá chết bất thường ở các ao hồ thuộc khu vực Hà Nội không phải là mới và nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là các ao hồ trên địa bàn Thủ đô đang bị “bức tử”, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã ở ngưỡng đáng báo động.

 Rất ít hồ ở Thủ đô còn xanh, sạch

Lịch sử từng ghi nhận, khoảng hơn hai trăm năm trước đây, Hà Nội vốn chằng chịt những hồ ao. Ao hồ không chỉ góp phần điều hòa môi trường sống mà còn trở thành một trong những thành tố quan trọng với đời sống của người dân đô thị. Thế nhưng, gần đây rất nhiều ao hồ ở Hà Nội đã bị lấn chiếm và đang có dấu hiệu… chết dần.

Cụ thể, trong một thống kê của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho thấy: Tính đến cuối năm 2015, tổng số lượng ao, hồ ở Hà Nội chỉ còn 112 với tổng diện tích mặt nước hồ vỏn vẹn là 6.969.305 m2. Nhiều ao hồ đang có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Một số hồ trở thành “điểm đen” ô nhiễm có thể kể đến như: Văn Chương, Linh Quang, Thiền Quang…

Theo khảo sát riêng của phóng viên PLVN, tại khuôn viên hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) - nơi được coi là điểm ô nhiễm nặng nhất tại Hà Nội hiện nay - có thể dễ dàng thấy nước hồ đã chuyển màu đen, bề mặt bị che khuất bởi vô số các loại bèo tây, cây dại và nhiều nhất là rác thải sinh hoạt do hàng ngàn hộ dân sống quanh khu vực xả trực tiếp xuống hồ.

Hồ Linh Quang nằm trong dự án quy hoạch, cải tạo của TP nhưng từ năm 2010 đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không mấy được cải thiện. Tương tự, hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng thường xuyên khiến người dân quanh khu vực bức xúc vì ô nhiễm. Cảnh quan hồ đang xuống cấp nghiêm trọng, nước hồ có màu xám đục và chuyển mùi hôi tanh nặng.

Hồ Linh Quang bị coi là một trong những “điểm đen” ô nhiễm.
Hồ Linh Quang bị coi là một trong những “điểm đen” ô nhiễm.

Cần những giải pháp “hồi sinh” cụ thể

 Ao hồ ở Hà Nội đang bị “bức tử” từ chính ý thức của người dân sống quanh khu vực. Phần lớn rác thải sinh hoạt trôi nổi trên bề mặt ao hồ là do người dân vứt, xả bừa bãi. Trong khi đó, các dự án duy tu, cải tạo ao hồ dường như cũng đang bị đơn vị quản lý xao nhãng, buông lỏng. Vụ cá chết nổi trắng hồ Hoàng Cầu ngày 8/6 mới đây là một ví dụ. 

Theo phản ánh của nhiều người dân sống quanh khu vực, thời điểm trước khi cá chết, việc đảm bảo vệ sinh hồ gần như không được chú trọng. Ven hồ, la liệt các hàng quán chen chúc, họ xả trực tiếp chất thải xuống hồ. Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Hoàng Cầu, Đống Đa) bức xúc: “Sống gần đây nhưng tôi hiếm khi thấy họ dùng máy sục khí, tạo ô xy cho cá tôm trong hồ hay sử dụng các chế phẩm sinh học để nước hồ xanh, sạch hơn. Chỉ đến khi cá chết trắng họ mới đua nhau “cứu hồ” thì lúc này cá tôm đã chết sạch rồi còn đâu”.

Trở lại câu chuyện hệ thống ao hồ Thủ đô đang “chết” dần, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến ô nhiễm gia tăng là bởi vấn đề kiểm soát ô nhiễm nước vẫn chưa được đồng bộ hóa tại nhiều văn bản pháp luật. Nói cách khác, hiện tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước vẫn mang tính bao quát, nguyên tắc chung và tính khả thi còn yếu.

Quy định kiểm soát ô nhiễm nước thiếu thống nhất giữa các luật dẫn tới người thực thi lúng túng, khó biết cần phải làm gì, ai làm hay làm như thế nào. Thứ nữa, việc xử lý ô nhiễm quyết định bởi hai yếu tố công nghệ và tài chính nhưng trong luật lại chưa quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, hiện các vụ ô nhiễm nước hầu như chỉ được biết đến nhờ truyền thông, từ phản ánh của người dân do họ quá bức xúc. Nếu thời gian tới, những giải pháp “hồi sinh” ao hồ trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp tục bị các đơn vị quản lý bỏ quên hoặc triển khai thiếu sát sao, đồng bộ như hiện tại thì câu chuyện sống chung với ô nhiễm vẫn chưa có điểm dừng.

Đọc thêm