Chi 15.000 tỷ đồng để hiện thực hóa thành phố môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tổng kinh phí hơn 15.000 tỷ đồng và lộ trình đến năm 2030, Đà Nẵng mong muốn hướng theo đô thị sinh thái, an toàn về sức khỏe và môi trường.
Đà Nẵng đã chi 15.000 tỷ đồng để hiện thực hóa thành phố môi trường.
Đà Nẵng đã chi 15.000 tỷ đồng để hiện thực hóa thành phố môi trường.

Thông tin được ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đưa ra vào ngày 19/4, tại sự kiện giới thiệu Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Sự kiện cũng đã kết nối trực tuyến với các tổ chức, đối tác về tài nguyên và môi trường của Đà Nẵng trong thời gian qua, như: Đại sứ Na uy tại Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và TP Yokohama (Nhật Bản), Cơ quan hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), UNESCAP, UNHabitat, IGES, WWF, IUCN, GreenHub, CECR,…

Để hiện thực hóa Đề án, TP Đà Nẵng đưa ra tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 5.400 tỷ đồng, vốn ODA 3.200 tỷ đồng, còn lại vốn xã hội hóa. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước.

Đà Nẵng hướng đến 1 thành phố an toàn về sức khỏe và môi trường.
 Đà Nẵng hướng đến 1 thành phố an toàn về sức khỏe và môi trường.

Sẽ có 4 nhóm thành phần trọng tâm với 31 tiêu chí mà địa phương này triển khai. Cụ thể: Nhóm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Nhóm cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Nhóm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Nhóm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Về giải pháp, Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, sẽ triển khai đồng loạt như: Bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0;

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách;

Áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các dự án về môi trường trong Đề án này đã được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường, như: cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc… Do đó, việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Đà Nẵng vẫn còn đó nhiều khó khăn hiện hữu, gây cản trở thực đề án như đã đề ra.

Thực tế, PLVN ghi nhận và phản ánh, hạ tầng kỹ thuật về môi trường của TP Đà Nẵng, đặc biệt ở lĩnh vực cấp nước và nước thải vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được quy hoạch, quy mô phát triển cũng như khả năng chuyển đổi theo hướng tiên tiến. Minh chứng rõ ràng nhất là hiện tượng thiếu nước về mùa khô, nước thải xả tràn ra biển vào mùa mưa bão...

TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều điểm nóng về môi trường dai dẳng nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết triệt để như bãi rác Khánh Sơn, khu vực lò mổ Đà Sơn, các khu dân cư bao quanh mỏ Hòa Nhơn... Đó là chưa tính đến việc phát triển công nghiệp, dịch vụ tương lai sẽ còn gia tăng chất thải…

Cũng tại sự kiện này, Ban Tổ chức đã công bố Chương trình Đại nhạc hội Thế giới nước với chủ đề “Nước - Hồi sinh” lần đầu tiên do Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Nhà hát Trưng Vương tổ chức nhằm truyền thông cho các nội dung Đề án.

Chương trình Đại nhạc hội dự kiến sẽ diễn ra vào 20h ngày 29/4 tại Nhà hát Trưng Vương, với sự tham dự biểu diễn của nghệ sĩ viola Nguyệt Thu, đội ngũ nghệ sĩ danh tiếng cùng các kỹ thuật dàn dựng đặc sắc để viết lên câu chuyện viễn tưởng về Thế giới nước năm 2029 sau Đại Hồng Thủy.

Đọc thêm