ĐBQH kiến nghị đổi UBND thành Ủy ban hành chính khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP HCM

(PLVN) - Chiều 26/10, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho TP HCM để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chính quyền địa phương ở TP HCM gồm có HĐND và UBND TP; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP HCM bao gồm: huyện, thành phố thuộc TP HCM ; xã, thị trấn được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM từ ngày 1/7/2021 (bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026), theo ông Tân, Nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 để có thời gian chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp của TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 và các công việc khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng, việc đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực ở những nơi không tổ chức HĐND... chưa có phương án xử lý thật sự thuyết phục, triệt để. Do đó, Ủy ban Pháp luật lưu ý, Ban soạn thảo cần rà soát để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết này nhằm xử lý thỏa đáng các vấn đề nói trên.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND TP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền TP trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Zing)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Zing)

Đồng tình việc sẽ không tổ chức thí điểm chính quyền đô thị tại TP HCM nhưng Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất nên đổi mới chính quyền với tên gọi là Ủy ban hành chính. Mặc dù đổi tên là Ủy ban hành chính thì sẽ rất nhiều tốn kém về ngân sách để thay đổi con dấu. Nhưng như vậy thì địa vị pháp lý mới rành mạch, rạch ròi giữa UBND và Ủy ban hành chính.

“Tất nhiên Ủy ban hành chính là một cơ sở pháp lý chưa có tiền lệ nên cần phải cấp có thẩm quyền đồng ý thì lúc đó chúng ta sẽ thành lập, nếu được”, Đại biểu Hòa bổ sung. 

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) đề nghị Quốc hội xem xét trước mắt chỉ thực hiện việc không tổ chức HĐND cấp quận của 19 quận thuộc TP HCM với 665 đại biểu. Vì theo báo cáo đây là trung gian, có thể giảm bớt biên chế HĐND ở cấp này, sau đó sẽ có những đánh giá toàn diện hơn, cụ thể hơn để tiếp tục thực hiện. 

Riêng 259 phường vẫn giữ nguyên như mô hình theo quy định hiện hành và phải ưu tiên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa vì đây là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân, thể hiện quyền dân chủ, quyền đại diện rõ nét nhất và hết sức cần thiết để góp phần khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực. 

Đọc thêm