Lòng đường, vỉa hè Hà Nội vẫn bị lấn chiếm tràn lan

(PLVN) - Đã có nhiều chiến dịch giành lại vỉa hè ở Hà Nội được triển khai, cao điểm nhất là từ tháng 3/2017, nhưng trên nhiều đường phố, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra tràn lan.
Hình ảnh ôtô xếp hàng hai, hàng ba lấn chiếm hết lòng đường tại khu vực ngõ 3, đường Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy
Hình ảnh ôtô xếp hàng hai, hàng ba lấn chiếm hết lòng đường tại khu vực ngõ 3, đường Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy

Muốn đi bộ phải vòng xuống lòng đường

Trên một số tuyến đường phố ở Hà Nội, vỉa hè, lòng đường không những bị quán xá, hàng ăn, hàng hóa, xe máy chiếm dụng, mà còn bị cả những chiếc ô tô lấn chiếm.  

Theo ghi nhận của phóng viên PLVN, dọc tuyến đường Mai Anh Tuấn ven hồ Hoàng Cầu, mỗi ngày có hàng loạt ô tô ngang nhiên đỗ xe lấn chiếm lòng đường. Vào các thời điểm buổi sáng hoặc chiều tối, những hàng dài ô tô nối đuôi nhau, thậm chí còn lao lên lấn chiếm hết cả vỉa hè ven hồ. Cùng với tình trạng ôtô lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hàng loạt các quán xá cũng đua nhau chiếm dụng vỉa hè. 

Con đường Mai Anh Tuấn tương đối hẹp, việc các phương tiện, cũng như các cửa hàng ăn uống, quán xá thay nhau lấn chiếm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người nơi đây. Người dân muốn đi bộ lại phải vòng xuống lòng đường, gây cản trở giao thông và mất an toàn cho người đi bộ, người tham gia giao thông. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, người dân đã phản ánh, nhưng chưa được cơ quan chức năng nơi đây xử lý triệt để.

Việc các hàng quán, ôtô, xe máy chiếm dụng hết không gian vỉa hè còn tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, lộn xộn, không đáp ứng được mục đích, chức năng vốn có của vỉa hè.

Nổi bật nhất về tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên dọc đoạn đường này, phải nhắc đến một số quán bia hơi như quán có địa chỉ tại số 290, quán bia 294, quán beer Hà Hồ… Các quán này “tận dụng” tối đa không gian, diện tích của vỉa hè ven hồ để kê bàn ghế phục vụ thực khách. Thậm chí quán bia hơi có địa chỉ tại số 290 và 294 còn dựng lên những ô cao và to làm mái che, biển hiệu khiến cảnh quan nơi đây bị phá vỡ, biến dạng.

Ngoài các quán kể trên, khu vực vỉa hè ven hồ còn gần chục quán bia lớn nhỏ khác. Các quán này trung bình chiếm dụng từ 5- 10m chiều dài vỉa hè. Có quán kê bàn nhựa, có quán kê bàn gỗ khung sắt phục vụ thực khách. Thời gian hoạt động của các quán cũng khá dài, trung bình khoảng từ 10 đến 14 tiếng một ngày. Những khung giờ cao điểm như giờ ăn trưa và từ chiều tối, khu vực này rất đông người.  

Còn tại khu vực đường Phạm Tuấn Tài (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy), mỗi sáng có hàng chục ôtô, xe máy đỗ trước một số quán ăn sáng. Hàng loạt xe ôtô xếp thành hai hoặc ba hàng, khiến đoạn đường vốn nhỏ lại càng thêm chật hẹp. Buổi sáng là khung giờ cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân nơi đây rất lớn, nên việc xe máy, ô tô đỗ tràn lan trước các cửa hàng ăn uống gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân.

Cần biện pháp vừa hiệu quả vừa hài hòa

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số tuyến phố khác của Hà Nội như phố Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành… Tại các tuyến phố này luôn có vô vàn kiểu đỗ xe, chiếm lối lưu thông của người đi bộ. Hình ảnh ô tô xếp hàng hai, hàng ba đỗ trên vỉa hè, lòng đường đã trở nên quá quen thuộc với người dân sinh sống tại khu vực này. Tình trạng này đã xuất hiện từ lâu, kéo dài, khiến các tuyến đường thường xuyên ách tắc, lộn xộn, mất an toàn.

Cũng phải ghi nhận rằng từ sau chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội, trên các tuyến phố có vỉa hè rộng, xe cộ được xếp theo hàng ngay ngắn đúng vạch kẻ trắng quy định, để dành một phần không gian cho người đi bộ. 

Tuy vậy, vẫn còn một số hình ảnh nhếch nhác vì chưa có sự tự giác, vẫn còn tình trạng đường phố chỉ thông thoáng khi có mặt lực lượng chức năng tại hiện trường. Hiện tượng tái chiếm vỉa hè trở nên nghiêm trọng hơn vào khung giờ tối, khi tần suất tuần tra, nhắc nhở của lực lượng chức năng mỏng hơn so với ban ngày. 

Có thể nói, sau hàng loạt chiến dịch dẹp vỉa hè thì hiện nhiều tuyến phố đang đối mặt với nguy cơ “tái chiếm”. Theo nhiều ý kiến, để ngăn chặn chấm dứt tình trạng trên, cơ quan chức năng có thẩm quyền, các lực lượng quản lý tại địa phương cần mạnh tay hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời có các chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ vỉa hè, lòng đường Thủ đô luôn thoáng đãng, sạch đẹp.

Bên cạnh đó cũng không nên bỏ qua một khía cạnh, rằng có những người dân thực sự sống nhờ vỉa hè, rời vỉa hè ra là hết đường mưu sinh. Do đó, chính quyền thành phố cần phải có đánh giá, khảo sát về điều kiện sống của  họ để từ đó giao chính quyền cấp phường làm việc chặt chẽ với người dân, đề ra biện pháp quản lý vừa phải phát huy tác dụng vừa phải hài hòa lợi ích của người dân, như kinh nghiệm của TP HCM đã có những phố hàng rong, tạo không gian buôn bán cho những người dân nghèo với mức phí rất thấp hoặc miễn phí. 

Đọc thêm