Phố đi bộ ở Hà Nội - hứa hẹn nhiều vẫn 'đâu vào đấy'

(PLO) - Từ thành công của phố đi bộ Hồ Gươm dẫn đến sự ra đời của nhiều tuyến phố đi bộ khác trên địa bàn Hà Nội. Song, mỗi khi đi vào hoạt động, các khu phố đi bộ đều gặp rất nhiều phản ánh trái chiều về quy chế quản lý cũng như những vi phạm ngang nhiên, lợi dụng không gian công cộng để kiếm tiền.
Phố đi bộ Hồ Gươm
Phố đi bộ Hồ Gươm

Đầu tiên, là phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) khai trương vào tháng 5/2018. Với những hứa hẹn to lớn như “mô phỏng kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An”, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền”, “sẽ luôn thu hút hàng nghìn khách tham quan mỗi tối cuối tuần”, “nhiều chương trình ca nhạc văn hóa đầy màu sắc”. Đến khi vào hoạt động, nhiều du khách không khỏi ngán ngẩm khi con phố đi bộ trông hết sức đìu hiu, vắng vẻ. 

Không gian được mong chờ nhất là khu nhà truyền thống phố cổ Hội An, khu ăn uống các món đặc sản cũng làm du khách hết sức thất vọng. Theo phản ánh của người đi bộ, các gian hàng trông tạm bợ, sơ sài, không thấy thể hiện được kiến trúc phố cổ; đồ ăn phần lớn là đồ chiên dầu mỡ, thỉnh thoảng mới có bánh tôm hồ Tây, bún ốc… nhưng hầu hết các dịch vụ đều “dẹp tiệm” cho đến chiều tối mới mở.

Bởi không nhiều người đến, thỉnh thoảng những chiếc xe máy vẫn chạy ngang nhiên qua đường, mặc dù đã bị cấm. Ngoài ra, một số địa điểm gửi xe xung quanh phố đi bộ Trịnh Công Sơn vẫn còn hiện tượng lấy mức giá thu cao, đối với xe máy là 10.000 đồng/lượt, xe ô tô là 50.000 đồng/lượt, gây nhiều bức xúc cho người đến tham quan.

Tiếp theo, là phố bích họa Phùng Hưng - “nơi nối dài ký ức”, được khai trương trong niềm mong chờ của rất nhiều người dân Thủ đô. Tuy nhiên, sau một thời gian, khu phố lại được “biến tấu” thành bãi giữ xe phục vụ các hàng quán xung quanh, vào các buổi trưa chiều hàng ngày. Tình trạng lộn xộn, gây mất mỹ quan đã được báo chí phản ánh nhiều lần, nhưng sau một thời gian vẫn… đâu vào đó.

Các bức tranh nghệ thuật được các nghệ nhân trong và ngoài nước dày công thể hiện, giờ “lấp lấp ló ló” sau tầng tầng lớp lớp phương tiện xe cộ. Sau tất cả những kỳ vọng và hứa hẹn, phố bích họa Phùng Hưng chỉ đáp ứng là địa điểm check-in chụp ảnh của một bộ phận giới trẻ. Thỉnh thoảng, đến chiều, người dân xung quanh còn trưng dụng khoảng trống để… vứt rác. 

Cuối cùng, vẫn phải nói đến tình trạng lộn xộn, vi phạm tràn lan ở khu phố trung tâm Thủ đô – phố đi bộ Hồ Gươm, cũng chính là “tấm gương” cho các phố đi bộ khác. Đã có nhiều phản ánh về những tồn đọng, bất cập như hoạt động chiếm dụng không gian công cộng để kinh doanh; du khách nước ngoài “ăn xin”, biểu diễn nghệ thuật không phép (đàn, hát, vẽ, diễn xiếc…) để kiếm tiền; thu vé gửi xe gấp 2 đến 4,5 lần đặc biệt trong dịp lễ, tết; “chặt chém”, “lôi kéo” du khách vào mua hàng; thiếu thốn thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. Dù cho người dân, báo chí đã lên tiếng nhiều lần, các trường hợp trên chỉ lắng đi một thời gian ngắn, rồi lại ngang nhiên tiếp tục vi phạm. 

Tóm lại, ý tưởng phố đi bộ nhằm tạo ra không gian văn hóa, giải trí công cộng, văn minh, lịch sự cho người dân nội thành và du khách trong ngoài nước. Song, có thể thấy, những hứa hẹn, mong đợi và thực tế đều có sự chênh lệch rõ ràng. Phải chăng, bởi chưa hề có trường hợp vi phạm bị xử phạt nặng, cơ chế quản lý còn lỏng lẻo nên vẫn để “lỗ hổng” cho những “kẻ cơ hội” lợi dụng, kiếm chác? 

Thiết nghĩ, việc xây dựng không gian văn hóa, văn minh, ý nghĩa với cộng đồng cần có sự nghiên cứu, tham khảo kỹ lưỡng và sát sao, quản lý chặt chẽ, liên tục trong quá trình thực hiện, lời hứa phải đi đôi với thực hành, chứ không phải chỉ làm qua loa cho có lệ, để rồi hết “bão dư luận” thì lại… “đâu vào đấy”.

Đọc thêm