UBND TPHCM giải thích lý do đóng cửa bãi rác số 3 Phước Hiệp

(PLO) - Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2016 vào chiều 24/3, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP cho biết, thành phố cho đóng cửa bãi rác số 3, khu xử lý rác Phước Hiệp ( huyện Củ Chi) để đưa rác về khu xử lý rác Đa Phước ( huyện Bình Chánh).
Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được đầu tư 150 triệu USD
Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước được đầu tư 150 triệu USD

Ông Võ Văn Hoan cũng nhấn mạnh, đây là phát biểu chính thức của UBND TP về vấn đề này và đề nghị báo chí khép lại vụ việc, không bàn thảo nữa. Trước đó, thông tin đóng cửa bãi rác số 3, khu xử lý rác Phước Hiệp đã gây không ít tranh cãi, cạnh tranh, và tốn không ít giấy mực của báo chí.

Ông Hoan lý giảI, chủ trương của thành phố nếu làm được thì sẽ làm chứ không đóng, bởi tìm chỗ xử lý rác ở TPHCM là cực kỳ khó khăn. Riêng bãi rác Phước Hiệp, TPHCM đã triển khai 3 bãi chôn lấp số 1, 1A, 2 về cơ bản là đã hết khả năng tiếp nhận. TPHCM tiếp tục làm bãi chôn lấp số 3 từ năm 2013. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì bãi rác Phước Hiệp trồi bọng lên, thoát nước rỉ rác ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường và người dân đã phản ứng gay gắt. TPHCM cũng kiên trì tiếp dân, giải thích, chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục nhưng vẫn không giải quyết triệt để được. 

“Lúc HĐND, UBND TPHCM xuống kiểm tra thì không giải quyết nổi. Huyện Đức Hoà (Long An) cũng gửi văn bản đề nghị xem xét việc gây ô nhiễm của bãi rác Phước Hiệp. Như vậy, đóng cửa bãi rác này là xuất phát từ thực tiễn và những đòi hỏi của người dân. Như vậy, việc đóng bãi rác Phước Hiệp là xuất phát từ thực tế. ” – ông Hoan khẳng định.

Ngoài ra, bên cạnh yếu tố môi trường, lý do chuyển rác từ bãi rác Phước Hiệp về bãi rác Đa Phước, còn có yếu tố bãi rác này nằm cạnh khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi). Với quy hoạch khu đô thị gần 6.000 ha nằm cạnh là bãi rác nên ảnh hưởng đến quá trình đầu tư suốt một thời gian dài, muốn kêu gọi đầu tư cũng khó khăn. 

Theo ông Hoan, việc tạm ngưng tiếp nhận rác số lượng lớn tại bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) để đưa rác về bãi rác Đa Phước không thể gây thiệt hại cho thành phố đến 1.000 tỷ đồng như nhiều ý kiến đề cập.

Thực tế, toán chi phí đầu tư bãi chôn lấp số 3 khu xử lý rác Phước Hiệp chỉ 970 tỷ đồng, trừ dự phòng phí, dự án còn vốn đầu tư 720 tỷ. Hiện nay đã đầu tư hơn 60% (tương ứng hơn 400 tỷ đồng).

“Như vậy chi phí đầu tư thực tế cở 400 tỷ đồng thôi, chưa nói mấy năm nay vừa thi công, vừa xử lý rác nên khấu trừ đã thu hồi về. TPHCM nói đóng cửa là ngưng tiếp nhận rác nhưng đồng thời cũng chỉ đạo là xây dựng một bãi rác dự phòng, xem bãi rác số 3 là bãi rác dự phòng. Những hạng mục đang triển khai sẽ tiếp tục làm nhằm đảm bảo an ninh rác. Nếu bãi rác này gặp sự cố thì sử dụng bãi rác dự phòng, không thể để TPHCM ngập ngụa trong rác. 

Hiện nay, tại bãi rác Phước Hiệp, công ty Tâm Sinh Nghĩa và công ty Vietstar vẫn đang tiếp nhận mỗi ngày 500 -600 tấn rác/đơn vị” – ông Hoan nói. 

Liên quan đến ý kiến cho rằng giá xử lý rác của ở bãi rác Đa Phước cao hơn những nơi xử lý khác, ông Hoan nói thêm, giá xử lý rác của Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tại khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) không đắt so với các đơn vị xử lý rác tại TPHCM.

Theo ông Hoan, là một nhà đầu tư nước ngoài, VWS đã tính toán rất kỹ và đầy đủ tất cả các chi phí cấu thành giá. Đó là các chi phí bao gồm cả phí vận hành sau khi bãi rác đóng cửa. Nhà đầu tư còn có một thời gian vận hành để xử lý triệt để mùi, không khí, nước,…, khi tât cả đảm bảo mới bàn giao lại để TPHCM sử dụng vào mục đích khác. 

Giai đoạn đầu, giá xử lý rác của VWS cao hơn nhưng đến nay giá đã ngang bằng với các đơn vị xử lý rác tại TPHCM. Cụ thể: giá xử lý rác của VWS là 20 USD/tấn, của công ty Tâm Sinh Nghĩa: 27,8 USD/tấn và công ty Vietstar là 19 USD/tấn. 

“Sắp tới có khi giá rác của các đơn vị khác sẽ tăng cao, còn đối với VWS, mình cho phép tăng giá dựa vào chỉ số giá tiêu dùng CPI. CPI tăng 3% thì VWS chỉ được tăng 3%. CPI âm thì VWS không được tăng giá. Từ năm 2006 đến nay, có những năm CPI rất cao như: năm 2008 tăng 19,8%, năm 2011 tăng 18,13% nhưng VWS chỉ được tăng 3%. Chính vì cách tính theo chỉ số CPI nên TPHCM đã kìm giá xử lý rác của VWS trong thời gian rất dài” – ông Hoan thông tin.

Trả lời báo chí về việc TPHCM có ưu ái VWS, ông Hoan cho rằng, việc triển khai xây dựng các bãi rác tại TPHCM là căn cứ vào quy hoạch được duyệt. Cụ thể, khu vực Tây Bắc trước đây là bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn), sau này là bãi rác Phước Hiệp. Khu vực phía Tây Nam là khu xử lý rác Thủ Thừa (Long An) và phía Nam của TPHCM là khu xử lý rác Đa Phước. 

 Bãi rác Đa Phước là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Việc triển khai dự án phải tuân thủ quy hoạch và trình tự, thủ tục đầu tư. Tất cả dự án đều có ý kiến, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn dự án đầu tư nước ngoài có ý kiến của các bộ, ngành, từ giấy phép đầu tư đến triển khai thưc hiện dự án, sử dụng công nghệ, đánh giá tác động môi trường…và ý kiến của Thủ tướng chính phủ. Những vấn đề pháp lý đã hoàn chỉnh. 

Đối với việc nâng công suất tiếp nhận của Đa Phước từ 3.000 tấn lên 5.000 tấn (công suất tối đa là 10.000 tấn) đã có ý kiến của các cơ quan chức năng và của Thủ tướng.

Đọc thêm